Hiệu quả từ các phương pháp và hình thức dạy học mới

Thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông 2018, các cơ sở giáo dục THCS và THPT trên địa bàn tỉnh đã xây dựng kế hoạch bài dạy (giáo án) bảo đảm các yêu cầu về phương pháp dạy học, kỹ thuật dạy học, kiểm tra, đánh giá, thiết bị dạy học và học liệu nhằm phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh.

Đổi mới dạy học môn ngữ văn

Trong năm học 2023 - 2024, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức hội nghị Chuyên đề môn ngữ văn cấp tỉnh tại Trường THCS Lê Văn Tám (huyện Tuy Phong) với sự tham gia của giáo viên cốt cán các trường THCS trong tỉnh. Hội nghị đã tập trung dự giờ chuyên đề nói và nghe, tiết 40 “Thảo luận nhóm về một vấn đề gây tranh cãi” chương trình sách giáo khoa lớp 7 do thầy Hoàng Trung Thắng, giáo viên ngữ văn Trường THCS Lê Văn Tám thực hiện. Theo đó, giáo viên đã chuyển giao nhiệm vụ cho học sinh linh hoạt và thực hiện 4 kỹ năng (nghe, nói, đọc, viết) trong quá trình dạy học. Học sinh được phân công nhiệm vụ cụ thể và tiếp nhận nhiệm vụ với tinh thần hăng hái, chủ động, sáng tạo. Giáo viên đã đưa công nghệ 4.0 vào bài học dẫn dắt bằng hệ thống câu hỏi tình huống phù hợp tạo được không khí học tập thoải mái, nhịp nhàng. Đồng thời, học sinh biết cách phản biện và làm chủ kiến thức, tự tin bày tỏ quan điểm cá nhân về các vấn đề xã hội gần gũi quen thuộc “Sử dụng Internet an toàn”; “Gần mực thì đen/ Gần đèn thì sáng”… để liên hệ với tình bạn và cách chọn bạn mà chơi. Học sinh mạnh dạn làm chủ bài học và ứng dụng được kiến thức để giải quyết các mối quan hệ đời sống như học tập, giải trí, gia đình, bạn bè…

Hội nghị chuyên đề môn ngữ văn.

Qua hội nghị chuyên đề, mỗi thành viên tham dự hội nghị rút ra được nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng quy trình sinh hoạt tổ chuyên môn và dạy học ở mỗi tiết (bài) nói và nghe của bộ môn ngữ văn. Ngoài ra, hội nghị đã chia sẻ, thảo luận về cấu trúc đề thi tuyển sinh vào lớp 10 và cấu trúc đề thi chọn học sinh giỏi môn ngữ văn lớp 9, tập trung nghiên cứu phương pháp kiểm tra, đánh giá phù hợp năng lực học sinh nhằm nâng cao chất lượng chuyên môn. Khuyến khích học sinh tham gia các sân chơi phát huy năng lực sáng tạo… giúp học sinh gần gũi, yêu thích bộ môn và đưa bộ môn ngữ văn đến gần cuộc sống.

Theo đánh giá của Sở Giáo dục và Đào tạo, qua học kỳ I năm học 2023 - 2024, các cơ sở giáo dục đã tích cực đổi mới trong quá trình đánh giá học sinh trong môn ngữ văn đảm bảo phát huy được những mặt tích cực của cá tính, trí tưởng tượng, năng lực ngôn ngữ, năng lực văn học, năng lực tư duy hình tượng và tư duy logic của học sinh. Đồng thời, khuyến khích việc xây dựng và sử dụng các đề mở trong kiểm tra, đánh giá để phát huy cao nhất khả năng sáng tạo của học sinh. Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả bộ môn ngữ văn trong chương trình mới, tổ/nhóm chuyên môn ngữ văn cần quan tâm tập trung đổi mới sinh hoạt chuyên môn dựa trên nghiên cứu bài học. Tăng cường dự giờ thăm lớp, dành nhiều thời gian để chia sẻ kinh nghiệm trong dạy học môn ngữ văn theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.

Chất lượng giáo dục nâng lên

Bên cạnh đổi mới môn ngữ văn, các cơ sở giáo dục đã thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số trong hoạt động dạy học và quản lý giáo dục của các cấp theo lộ trình, bao gồm ứng dụng công nghệ thông tin trong việc đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức dạy học, kiểm tra, đánh giá; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý quá trình dạy học và quản trị nhà trường. Trong đó, triển khai ứng dụng “Phần mềm quản lý văn bản và điều hành của tỉnh” đến các trường THPT trực thuộc sở. Đồng thời, các cơ sở giáo dục đã thực hiện nghiêm túc các quy định về công tác quản lý trường học; thường xuyên đổi mới công tác quản lý để giảm áp lực công việc nhưng vẫn mang lại hiệu quả cao; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục, giảm hội họp; phân công công việc hợp lý cho đội ngũ giáo viên…

Bên cạnh đổi mới các phương pháp và hình thức dạy học, các cơ sở giáo dục thực hiện hiệu quả các phương pháp và hình thức kiểm tra, đánh giá. Đặc biệt, việc thực hiện đánh giá, xếp loại học sinh lớp 6, 7, 8, 10 và lớp 11 theo đúng yêu cầu Thông tư số 22 ngày 20/7/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về đánh giá học sinh THCS và THPT. Song song đó, Sở GD&ĐT đã tổ chức kiểm tra cuối học kỳ I theo đề chung toàn tỉnh. Năm học này việc in sao đề kiểm tra do các trường thực hiện, nhìn chung công tác tổ chức in sao, tổ chức kiểm tra được các trường thực hiện tốt. Sau kiểm tra các trường đã tổ chức chấm và báo cáo kết quả về Sở GD&ĐT kịp thời. Qua kết quả học kỳ I cho thấy, chất lượng giáo dục cả 2 mặt (học tập và rèn luyện) ở cấp THCS và THPT được nâng lên đáng kể.

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/hieu-qua-tu-cac-phuong-phap-va-hinh-thuc-day-hoc-moi-117097.html