Hiệu quả mô hình ứng dụng IPM vào canh tác trên cây chanh leo

Ứng dụng hiệu quả quản lý dịch hại tổng hợp trên cây trồng (IPM) vào sản xuất, năm 2023, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã triển khai “Mô hình ứng dụng IPM vào canh tác trên cây chanh leo”. Hiện nay, ứng dụng được nông dân tích cực triển khai, giúp giảm chi phí sản xuất, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật độc hại tồn dư trên sản phẩm, đảm bảo sức khỏe người lao động, an toàn vệ sinh thực phẩm, tăng lợi nhuận trên mỗi đơn vị diện tích canh tác.

Mô hình trồng chanh leo của HTX Nông nghiệp Hoàng Sơn, xã Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu.

Mô hình trồng chanh leo của HTX Nông nghiệp Hoàng Sơn, xã Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu.

Sau vài năm “trầm lắng” do nhiều diện tích chanh leo trên địa bàn tỉnh bị dịch bệnh, niên vụ 2021, 2023, nhu cầu chanh leo của thị trường trong nước, ngoài nước tăng cao, được giá. Cộng với việc nhiều diện tích chanh leo bị bệnh trước đó, đã đủ thời gian phục hồi, trồng lại. Năm 2023, nhiều hộ dân quay trở lại trồng chanh leo.

Anh Lèo Mạnh An, Phó Phòng Bảo vệ thực vật, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, cho biết: Xác định ứng dụng IPM là nền tảng để phát triển nông nghiệp an toàn, bền vững và là cơ sở xây dựng và quản lý mã số vùng trồng, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về tiêu chuẩn hàng rào kỹ thuật của thị trường trong và ngoài nước, Chi cục đã lựa chọn triển khai mô hình ứng dụng IPM vào canh tác trên cây chanh leo. Mô hình triển khai tại HTX Nông nghiệp Bảo Sam, xã Chiềng Lương, huyện Mai Sơn; HTX Nông nghiệp Hoàng Sơn, xã Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu; nhóm hộ gia đình xã Phổng Lập, huyện Thuận Châu với quy mô 15ha.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh tập huấn, chuyển giao kỹ thuật quản lý dịch hại tổng hợp IPM cho các hộ trồng chanh leo của huyện Thuận Châu.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh tập huấn, chuyển giao kỹ thuật quản lý dịch hại tổng hợp IPM cho các hộ trồng chanh leo của huyện Thuận Châu.

Tham gia mô hình, các HTX, nhóm hộ, được Chi cục hỗ trợ 16.637 kg phân bón, 18,2 lít thuốc bảo vệ thực vật các loại thực hiện mô hình; tham gia 3 lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật quản lý dịch hại tổng hợp IPM cho nông dân, tập trung vào nội dung: Chọn giống, trồng và chăm sóc, cắt tỉa tạo tán, bón phân, sử dụng thiên địch để ngăn chặn, làm giảm thiệt hại do sâu bệnh gây ra, vệ sinh đồng ruộng, phòng trừ sâu bệnh hại theo phương châm phòng hơn chống. Ngoài ra, Chi cục còn tổ chức cho HTX và hộ nông dân tham quan, hội thảo thực địa tại các hộ thực hiện mô hình để đánh giá hiệu quả, chia sẻ kinh nghiệm.

Mô hình đã áp dụng các nguyên tắc của IPM, gồm: Trồng cây khỏe, bảo vệ thiên địch, thăm đồng thường xuyên, phòng trừ dịch hại và nông dân trở thành chuyên gia. Các hộ dân sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc “4 đúng”, từ đó giảm số lần sử dụng thuốc trong năm trên vườn mô hình. Chọn lọc, ưu tiên sử dụng phân hữu cơ, hữu cơ sinh học, sử dụng các loại thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học, đảm bảo thời gian cách ly khi thu hoạch sản phẩm.

Qua theo dõi mô hình, giảm lượng phân hóa học sử dụng so với canh tác truyền thống của người dân từ 15% - 20%; mật độ, tỷ lệ sâu bệnh hại thấp hơn với canh tác truyền thống của người dân 20-30%. Đặc biệt, góp phần giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật độc hại tồn dư trong nông sản, đảm bảo sức khỏe người sản xuất, an toàn vệ sinh lương thực, thực phẩm, ổn định cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và sản phẩm dễ bán hơn, được giá hơn 30-40% so với chanh leo canh tác theo phương thức truyền thống.

Đại biểu tham quan mô hình ứng dụng IPM vào canh tác trên cây chanh leo tại huyện Thuận Châu.

Đại biểu tham quan mô hình ứng dụng IPM vào canh tác trên cây chanh leo tại huyện Thuận Châu.

Ngắm nhìn vườn chanh leo sai trĩu quả, to tròn, ông Lê Trường Sinh, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Nông nghiệp Hoàng Sơn, xã Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu, vui mừng: HTX có 24 thành viên, quy mô trồng 15 ha chanh leo. Sau gần 1 năm tham gia mô hình, 5 ha chanh leo đã cho thu hoạch, tỷ lệ quả loại 1 chiếm tới 60-70%, cao hơn 15-20% so với canh tác truyền thống; cây chanh leo ít sâu bệnh, quả to, mã đẹp, mọng nước, sản lượng ước đạt 18-20 tấn quả/ha. Hiện nay, giá bán 7.000 - 10.000 đồng/kg, cho thu nhập trên 140 triệu đồng/ha. Đặc biệt, chanh leo trồng theo mô hình ứng dụng IPM, đã hạn chế sử dụng thuốc hóa học, rất tốt cho sức khỏe và môi trường người chăm sóc. Các thành viên phấn khởi, mong muốn mô hình tiếp tục được nhân rộng.

Còn ông Lò Căn Sam, Giám đốc HTX Nông nghiệp Bảo Sam, xã Chiềng Lương, huyện Mai Sơn, chia sẻ: Tham gia mô hình, tôi và các hộ được cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây chanh leo theo quy trình canh tác bài bản, giúp chúng tôi quản lý tốt dịch hại và ít sử dụng thuốc BVTV, cũng như việc sử dụng thuốc đúng cách hơn. Đồng thời, nắm bắt được các thành phần sinh vật gây hại trên cây chanh leo, các loại thiên địch, phương pháp điều tra và đưa ra những biện pháp xử lý khoa học, an toàn với môi trường.

Mô hình trồng chanh leo của bản Nà Cài, xã Chiềng On, huyện Yên Châu.

Mô hình trồng chanh leo của bản Nà Cài, xã Chiềng On, huyện Yên Châu.

Sau 1 năm triển khai, các địa phương thực hiện mô hình “ứng dụng IPM vào canh tác trên cây chanh leo” đã được nông dân nhiệt tình đón nhận, tiếp thu, áp dụng có hiệu quả, mong muốn tiếp tục tham gia và nhân rộng hơn nữa. Phát huy những ưu điểm trong canh tác, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh sẽ tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình IPM trên các loại cây trồng khác trong những năm tiếp theo, hướng tới xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp hiệu quả, an toàn và bền vững, góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng tỉnh Sơn La phát triển xanh, nhanh và bền vững, trở thành trung tâm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của vùng Tây Bắc.

Minh Thu

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/kinh-te/hieu-qua-mo-hinh-ung-dung-ipm-vao-canh-tac-tren-cay-chanh-leo-QC34JBvIg.html