Hiệu quả mô hình cánh đồng mẫu lớn

PTĐT - Xác định công tác dồn đổi, tích tụ ruộng đất là yếu tố hàng đầu để thực hiện hiệu quả khâu đột phá phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, thời gian qua, huyện Thanh Ba đã triển khai vận động bà con nông dân dồn điền, đổi thửa, hình thành lên cánh đồng mẫu lớn...

Cơ giới hóa trong khâu thu hoạch lúa mùa ở xã Thanh Hà góp phần giảm chi phí, công sức lao động.

PTĐT - Xác định công tác dồn đổi, tích tụ ruộng đất là yếu tố hàng đầu để thực hiện hiệu quả khâu đột phá phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, thời gian qua, huyện Thanh Ba đã triển khai vận động bà con nông dân dồn điền, đổi thửa, hình thành lên cánh đồng mẫu lớn với “5 cùng”: Cùng giống, thời vụ, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch và “1 không”: Không có bờ thửa. Đến nay, Thanh Ba đã nhân rộng cả chục xã với quy mô hàng nghìn héc ta chuyên trồng lúa chất lượng cao J02.

Đồng chí Hà Anh Tuấn- Trưởng phòng nông nghiệp huyện cho biết: “Ngay sau khi kết thúc vụ chiêm xuân, huyện đã triển khai vụ mùa với trên 2.500ha lúa, chủ yếu là lúa lai, lúa chất lượng cao với các giống chủ lực như: Nhị ưu, J02, Thiên ưu, Hương thơm...”; đồng thời đưa ra các giải pháp phù hợp ứng phó với tình hình dịch bệnh, điều kiện thời tiết bất thường và chỉ đạo quyết liệt thực hiện đúng khung lịch thời vụ, đảm bảo diện tích gieo cấy; duy trì diện tích lúa lai, mở rộng diện tích lúa chất lượng cao, áp dụng kỹ thuật vào sản xuất, đẩy mạnh đầu tư thâm canh; chỉ đạo công tác phòng trừ sâu bệnh, điều tiết nước... Đến nay, năng suất vụ mùa ước đạt 51 tạ/ha.
Đến xã Thanh Hà chúng tôi bắt gặp không khí lao động khẩn trương của người dân địa phương. Trên các cánh đồng lúa chín vàng rực, bà con nông dân hồ hởi động viên nhau tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi tích cực đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa mùa. Được biết, Thanh Hà là một trong những xã thành công trong công tác dồn đổi ruộng đất để phát triển sản xuất nông nghiệp, tạo điều kiện đầu tư hệ thống giao thông, kênh mương nội đồng, đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, đẩy mạnh việc áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, thâm canh, tạo ra sản phẩm hàng hóa có giá trị cao trên một đơn vị diện tích, có sức cạnh tranh trên thị trường. Đồng chí Chu Văn Tình - Chủ tịch UBND xã Thanh Hà cho biết: Nhờ dồn đổi ruộng đất thành công đã tạo thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Vụ mùa năm nay, xã đạt năng suất cao với giống lúa J02 cho 60,5 tạ/ha.

Tại xã Lương Lỗ, ruộng đất được dồn đổi hình thành lên những cánh đồng mẫu lớn liền bờ, liền thửa đã đưa năng suất cây trồng cao hơn các địa bàn lân cận, năng suất lúa bình quân đạt 60 tạ/ha, thu nhập bình quân đầu người đạt 28,3 triệu đồng/người/năm. Hiện nay, trên địa bàn xã không còn sử dụng trâu, bò làm sức kéo trong canh tác, đa số sử dụng máy móc cơ giới hóa. Toàn xã có 14 máy gặt đập liên hoàn, trên 60 máy cày bừa các loại, nhờ đó năng suất lao động được nâng lên. Cùng với đó, toàn bộ hệ thống giao thông nội đồng cũng được tu sửa, cải tạo, phục vụ hiệu quả cho sản xuất nông nghiệp. Để đảm bảo năng suất, sản lượng lúa, xã ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi, giao thông nội đồng, tích cực đưa cơ giới hóa vào sản xuất, từng bước giải phóng sức lao động, giảm chi phí đầu tư. Cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con lợi ích của việc chuyển đổi cơ cấu giống, thời vụ, sản xuất theo hướng chuyên canh. Nhờ đó, nông nghiệp của xã đã chuyển từ sản xuất thuần nông, độc canh sang sản xuất hàng hóa.Niềm vui được mùa đã khích lệ động viên nông dân không bỏ ruộng, bỏ vụ. Ông Nguyễn Văn Minh khu 6, xã Đỗ Xuyên cho biết: “Những năm trước đây, cũng trên cánh đồng này, mỗi nhà trồng một giống lúa khác nhau nên ruộng xanh ruộng chín. Vài vụ trở lại đây, sau khi dồn đổi ruộng đất xong, bà con trong xã đồng loạt triển khai “5 cùng”; lúa ngoài đồng chín đều, đồng loạt thu hoạch cùng lúc, không mất nhiều công lao động, lại giảm chi phí đầu vào”. Cùng chung niềm vui với ông Minh, ông Phùng Văn Lợi, khu 4, xã Đỗ Sơn, một nông dân nhiều năm gắn bó với đồng ruộng phấn khởi cho biết: “Gia đình tôi tham gia sản xuất gần 1ha. Qua thực tế cho thấy, giống lúa J02 có nhiều ưu điểm hơn hẳn so với giống lúa khác… Đến thời điểm này, gia đình tôi đã thu hoạch xong diện tích lúa mùa và đang trong công đoạn phơi khô lúa”.Từ sự thành công của vụ này, các vụ tới huyện Thanh Ba tiếp tục vận động nhân dân cùng trồng một giống lúa để bà con gieo trồng đúng khung thời vụ và đạt năng suất cao. Theo đánh giá của UBND huyện, điều đáng ghi nhận ở mô hình cánh đồng mẫu lớn là mối liên kết giữa nông dân (đại diện là hợp tác xã, UBND xã), Nhà nước và doanh nghiệp cung ứng giống lúa, phân bón, làm đất, do vậy chất lượng dịch vụ tốt hơn, tránh được hiện tượng cấp cho nông dân giống lúa không đủ phẩm cấp, phân bón kém chất lượng. Đây là mô hình cần được nhân rộng, giúp nông dân thay đổi phương thức sản xuất, đưa các giống lúa đặc sản, lúa chất lượng cao vào sản xuất, tạo hiệu quả kinh tế cao cho người trồng lúa. Từ thành công của mô hình cánh đồng mẫu lớn, chính quyền địa phương đã khuyến khích bà con nông dân sản xuất lúa theo hướng nâng cao giá trị kinh tế, nhất là sử dụng giống lúa chất lượng cao. Chỉ tính riêng trong các vụ lúa chiêm xuân, vụ mùa những năm gần đây, hàng trăm ha lúa J02 đã được trồng thành công và mang lại hiệu quả thiết thực cho bà con nông dân trong huyện; đồng thời địa phương xây dựng được vùng sản xuất lúa hàng hóa có chất lượng giá trị cao.Thắng lợi của sản xuất lúa vụ mùa càng tạo thêm niềm tin, động lực để bà con nông dân Thanh Ba khẩn trương bước vào vụ đông xuân. Hiện nay, cùng với việc tích cực thu hoạch lúa mùa, huyện Thanh Ba cũng tăng cường chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương chuẩn bị đầy đủ điều kiện như: Vật tư phân bón, giống, tiến hành nạo vét kênh mương để tưới tiêu, tu sửa bờ vùng, bờ thửa, hồ đập, trạm bơm để đảm bảo nước tưới cho vụ đông xuân.

Thúy Hằng

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/201910/hieu-qua-mo-hinh-canh-dong-mau-lon-167411