Hiệu quả kép từ 'ngân hàng chính sách' tại chỗ của cựu chiến binh

Để có thêm nguồn vốn hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh đã quan tâm xây dựng chân quỹ hội. Cách làm này đã phát huy hiệu quả tích cực, vừa góp phần hỗ trợ giảm nghèo, vừa gắn kết hội viên, xây dựng tổ chức hội vững mạnh.

Chi hội CCB thôn Chợ, xã Cao Xá (Tân Yên) là đơn vị có mức bình quân chân quỹ cao nhất huyện. Ông Dương Đức Độ, Chi hội trưởng cho biết, trước đây do không có nguồn quỹ nên hoạt động gặp khó khăn, hiệu quả thấp. Từ năm 2018, khi 35 hội viên tham gia đóng góp chân quỹ, đến nay đã đạt 1,6 triệu đồng/hội viên. Mỗi năm chi hội chọn hội viên có hoàn cảnh khó khăn để cho vay. Ngay năm đầu tiên, CCB Giáp Văn Mây được vay 20 triệu đồng với lãi suất 0,5%/tháng để chăn nuôi ngan, vịt, bò. Đến nay gia đình ông Mây đã nuôi thêm dê, bò, trâu với tổng số 60 con, mỗi năm cho thu lãi 150 triệu đồng.

Hội CCB huyện Tân Yên triển khai mô hình "5-20+1".

Hội CCB huyện Tân Yên triển khai mô hình "5-20+1".

Cùng với huy động chân quỹ, đầu năm 2023, Hội CCB huyện Tân Yên đã triển khai mô hình “5-20+1”. Theo đó Hội CCB cấp xã chủ động khảo sát, vận động từ 5, 10, 15 hoặc 20 hội viên có điều kiện kinh tế khá đóng góp, ủng hộ kinh phí hỗ trợ 1 hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Đến nay toàn huyện đã thành lập được 17 mô hình với tổng số vốn gần 400 triệu đồng, cho 30 hội viên vay không lấy lãi. Ông Đỗ Viết Hải, thôn Ngọc Yên Ngoài, xã Cao Xá được hỗ trợ vốn từ mô hình này chia sẻ: “Gia đình tôi điều kiện kinh tế còn khó khăn, khi được hỗ trợ vốn từ mô hình “5-20+1”, tôi đã đầu tư nuôi bò, vịt, gà, giúp tăng thêm thu nhập".

Trải qua những năm tháng cống hiến tuổi thanh xuân cho Tổ quốc, trở về cuộc sống đời thường, các CCB luôn nỗ lực làm kinh tế, nâng cao đời sống. Vui vẻ tiếp chuyện chúng tôi trong căn nhà khang trang, sạch đẹp với đầy đủ tiện nghi, hội viên Vũ Ngọc Sơn, thôn Cầu Tiến, xã Hương Vĩ (Yên Thế) thông tin đây là thành quả sau nhiều năm cả gia đình cùng cố gắng.

Năm 2010, ông Sơn được Chi hội CCB thôn tạo điều kiện cho vay 20 triệu đồng từ nguồn chân quỹ để nuôi hươu. Ở thời điểm đó, đây là số tiền lớn của chi hội. Trân trọng sự hỗ trợ của đồng đội lúc khó khăn, ông cần cù, chịu khó học hỏi, áp dụng khoa học kỹ thuật, đàn hươu phát triển ổn định, không bị dịch bệnh, mỗi năm thu nhập khoảng 100 triệu đồng. Khi kinh tế khá hơn, ông đã giúp đỡ nhiều hội viên khác về giống, vốn, kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch nhung hươu.

Hội CCB tỉnh sẽ đẩy mạnh các hoạt động giúp đỡ hội viên phát triển kinh tế. Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo năm 2023 xuống dưới 1%, hộ cận nghèo dưới 2%; đến năm 2025 tỷ lệ hộ hội viên CCB nghèo còn 0,3-0,5%

Thực hiện phong trào CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi, các cấp Hội luôn bám sát chủ trương, định hướng phát triển KT-XH của cấp ủy, chính quyền địa phương; tăng cường tuyên truyền, vận động hội viên phát huy tinh thần “cựu nhưng không cũ”, không cam chịu đói nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng; đưa phong trào vào nền nếp, có sức lan tỏa sâu rộng, hiệu quả.

Hội CCB các cấp đã chủ động đề ra nội dung, giải pháp, hình thức giảm nghèo đặc thù cho đơn vị mình. Các mô hình như: Phát triển trang trại, gia trại, kinh doanh dịch vụ, trồng cây có múi năng suất cao (Cam đường Canh, bưởi Diễn, cam Vinh), nuôi con đặc sản (Lợn rừng, hươu sao, ba ba, gà đồi Yên Thế, chim câu, chim gáy, chim cút...) được lựa chọn. Các hội viên cũng thực hiện dồn điền đổi thửa tạo ra những diện tích mẫu lớn thuận lợi cho gieo trồng và thu hoạch bằng máy móc.

Hội CCB các cấp cũng chủ động phối hợp với các ngành tập huấn khuyến nông, khuyến lâm, chăn nuôi thủy sản và chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ cao cho các hội viên, hộ gia đình, hợp tác xã do hội viên CCB làm chủ. Nhờ đó hiệu quả kinh tế ngày càng cao, góp phần thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, làm giàu hợp pháp. Để hội viên có vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, các cấp Hội cũng khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ủy thác từ Ngân hàng chính sách xã hội. Tổng dư nợ đạt 838,1 tỷ đồng, 14.662 hộ vay, tăng 69,1 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 8,99% so với năm 2022.

Theo ông Lại Phú Tuy, Phó Chủ tịch Hội CCB tỉnh, chân quỹ được quản lý và sử dụng ở các chi hội là vốn đóng góp bằng tiền của hội viên, được bổ sung hằng năm phù hợp với khả năng của hội viên và yêu cầu hoạt động của Hội; được sử dụng quay vòng cho hội viên vay để phát triển sản xuất kinh doanh, dịch vụ; gửi tiết kiệm lấy lãi.

Thời gian tới Hội CCB tỉnh sẽ đẩy mạnh các hoạt động giúp đỡ hội viên phát triển kinh tế; nắm chắc từng hộ nghèo để có kế hoạch hỗ trợ kịp thời. Huy động tối đa các nguồn lực để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới. Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo năm 2023 xuống dưới 1%, hộ cận nghèo dưới 2%; đến năm 2025 tỷ lệ hộ hội viên CCB nghèo còn 0,3-0,5%.

Bài, ảnh: Trung Anh

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/quoc-phong/412355/hieu-qua-kep-tu-ngan-hang-chinh-sach-tai-cho-cua-cuu-chien-binh.html