Hiệu quả hỗ trợ giảm nhẹ rủi ro thiên tai, biến đổi khí hậu

Thực hiện các nhiệm vụ cấp bách về phòng, chống thiên tai (PCTT), tỉnh ta đã huy động mọi nguồn lực nhằm giảm bớt rủi ro, thiệt hại về người và tài sản cho người dân. Trong đó dự án “Mô hình toàn diện nhằm xây dựng cộng đồng an toàn tại Việt Nam” được Tổ chức Plan tại Việt Nam phối hợp với Sở Ngoại vụ, Ban Điều hành Dự án Plan huyện Hoàng Su Phì và Xín Mần triển khai thực hiện đã đạt được nhiều kết quả khả quan.

Với phương châm chủ động PCTT là chính để giảm nhẹ hậu quả do thiên tai gây ra, tỉnh ta quan tâm, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó chú trọng đến nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, nhằm góp phần chuyển trạng thái từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa thiên tai. Dự án CMCR có tổng vốn viện trợ là 2,4 triệu USD; được triển khai tại 16 xã, phường trên cả nước. Tại tỉnh Hà Giang, dự án được triển khai tại 4 xã gồm Tụ Nhân, Chiến Phố (Hoàng Su Phì), Tả Nhìu, Nấm Dẩn (Xín Mần) và 6 trường học; với tổng vốn hỗ trợ trên 359 nghìn USD. Dự án được triển khai từ năm 2022, đã hỗ trợ củng cố hệ thống quản lý rủi ro thiên tai, nâng cao năng lực và tối ưu hóa nguồn lực để đảm bảo cộng đồng và trường học trong địa bàn dự án tăng cường khả năng chống chịu với đa dạng hiểm họa thiên tai; giúp xây dựng kiến thức về rủi ro thiên tai, tự tổ chức và thực hiện các hành động phòng ngừa và ứng phó với thiên tai.

Diễn tập phòng, chống thiên tai cấp xã tại thôn Nhìu Sang, xã Chiến Phố (Hoàng Su Phì).

Hoàng Su Phì và Xín Mần là 2 huyện vùng cao nghèo của tỉnh, có điều kiện đi lại hết sức khó khăn, hàng năm có nhiều loại hình thiên tai xảy ra như: Sạt lở đất, lũ ống, lũ quét; giông lốc; nắng nóng kéo dài gây hạn hán; rét đậm, rét hại và sương muối… đã gây ra thiệt hại về người và tài sản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sản xuất và đời sống của nhân dân. Đặc biệt, trong vài năm gần đây, thiên tai có xu hướng gia tăng cả về cường độ và tần suất, diễn biến ngày một khó lường. Do đó, dự án đã huy động sự tham gia của các ban, ngành chức năng huyện vào các hoạt động tập huấn nâng cao năng lực về đánh giá rủi ro thiên tai và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng; tập huấn đánh giá hệ thống cảnh báo sớm; tập huấn triển khai khung trường học an toàn và lập kế hoạch trường học an toàn. Đã có 23 thành viên nhóm Hỗ trợ kỹ thuật huyện, xã; 12 giáo viên nòng cốt các trường và hơn 40 thành viên các nhóm trẻ nòng cốt trường học được tham gia các khóa tập huấn. Với sự hỗ trợ của dự án, hệ thống biển cảnh báo, loa truyền thanh và đèn năng lượng mặt trời đã được trang bị và lắp đặt tại các xã.

Năm 2022, với sự hỗ trợ của dự án, Đội Xung kích các xã đã được kiện toàn và bổ sung các loại trang thiết bị thiết yếu phục vụ công tác tìm kiếm, cứu nạn như: Loa cầm tay, đèn pin, quần áo mưa, ủng cao su, mũ bảo hộ, áo phao, áo lưới phản quang, xô nhựa, can nhựa dùng trong cứu đuối nước, dây thừng… Trong năm 2023, dự án đã tổ chức 4 lớp tập huấn, nhằm trang bị các kiến thức và thực hành kỹ năng tìm kiếm cứu nạn cho 25 thành viên Đội Xung kích xã. Lần đầu tiên từ trước tới nay, Đội Xung kích cấp xã được đào tạo bài bản, được thực hành các kỹ năng tổ chức tìm kiếm, sơ cấp cứu, hỗ trợ di chuyển nạn nhân và cứu nạn trong các trường hợp hỏa hoạn, đuối nước.

Để tăng cường năng lực chủ động ứng phó với thiên tai của người dân, nhất là với loại hình thiên tai giông lốc và mưa đá rất phổ biến và đã từng gây ra thiệt hại nặng nề về nhà ở của người dân. Ngay trước thời điểm mùa mưa bão năm nay, dự án đã tổ chức các lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng gia cố nhà an toàn. Hỗ trợ vật tư, kinh phí để triển khai trình diễn kỹ thuật gia cố nhà an toàn PCTT tại 6 thôn thuộc 4 xã dự án. Có 31 hộ đã được hỗ trợ vật tư bao gồm mái tôn xốp cách nhiệt và thép hộp mạ kẽm để thi công, gia cố phần khung, mái nhà đảm bảo đúng quy trình và kỹ thuật, với tổng kinh phí hỗ trợ gần 600 triệu đồng. 4 xã dự án cũng được lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng năng lượng mặt trời tại các khu vực nhà văn hóa thôn, các vị trí nguy hiểm hoặc có nguy cơ sạt lở đất cao. Với tất cả các hoạt động của dự án đã giúp cải thiện về kiến thức, kỹ năng, nâng cấp hệ thống cảnh báo sớm, bổ sung các trang thiết bị và vật tư “4 tại chỗ”, áp dụng quy trình ứng phó khẩn cấp và sử dụng các kỹ năng tìm kiếm cứu nạn; giúp cho trên 2.900 hộ dân, 2.700 học sinh trong các trường học được hưởng lợi.

Thông qua các hoạt động tích cực của dự án, góp phần giúp cộng đồng, trường học và các nhóm liên quan khác có khả năng phục hồi tốt hơn trước thiên tai. Tuy nhiên, kết quả của công tác PCTT phụ thuộc rất lớn vào ý thức, trách nhiệm của cộng đồng và mỗi cá nhân, vì vậy mỗi người dân cần chủ động trong công tác PCTT.

Bài, ảnh: LÊ HẢI

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202310/hieu-qua-ho-tro-giam-nhe-rui-ro-thien-tai-bien-doi-khi-hau-5282ae5/