Hiệu quả Dự án 'Cải thiện điều kiện sống của đồng bào dân tộc thiểu số'

Dự án 'Cải thiện điều kiện sống của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), giai đoạn 3' do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh phối hợp với Tổ chức Bánh mì cho Thế giới (Cộng hòa Liên bang Đức) triển khai thực hiện tại địa bàn 2 xã Nậm Lành (Văn Chấn) và Cảm Nhân (Yên Bình) được triển khai từ tháng 9/2021.

Người dân xã Nậm Lành (Văn Chấn) tham gia tập huấn về trồng quế.

Dự án hướng tới 2 mục tiêu cụ thể là: năng lực tự quản của nam và nữ DTTS được nâng lên để cải thiện điều kiện sống của họ thông qua phương pháp quản lý cộng đồng; thu nhập của người DTTS được cải thiện thông qua áp dụng các mô hình sinh kế nông, lâm nghiệp thân thiện với môi trường và mô hình chăn nuôi được củng cố.

Với các mục tiêu đó, trong 2 năm qua, Dự án đã tổ chức 7 hội thảo giới thiệu và khởi động Dự án tại 7 thôn, nâng cao năng lực cho 50 thành viên nòng cốt thôn bản. Qua đó, các thôn có khả năng tự viết đề xuất Dự án, dự toán ngân sách, tuyên truyền, vận động nhân dân đóng góp để tổ chức, triển khai thực hiện được gần 20 tiểu dự án như: 2 nhà văn hóa; 3,3 km đường bê tông; 5,1 km đường thắp sáng bằng năng lượng mặt trời; tu sửa 1 khu thể dục thể thao và 1 mái sân đa năng; xây 5 lò mi ni phân loại và xử lý rác thải…

Bên cạnh việc cộng đồng tự xây dựng và thực hiện các tiểu dự án, người dân còn được tập huấn các kiến thức về trồng quế, măng, trồng rau, theo hướng nông nghiệp bền vững, không sử dụng hóa chất thông qua tạo thuốc trừ sâu thảo mộc và sử dụng chế phẩm sinh học trong trồng trọt và chăn nuôi; tập huấn về kiến thức thú y; tập huấn về quản lý thu chi hộ gia đình, ủ phân hữu cơ...

Dự án còn thực hiện truyền thông về nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường và phân loại rác thải tại nguồn cho người dân; hỗ trợ mô hình nuôi trâu bò và tổ chức tham quan học tập các mô hình phát triển kinh tế thành công.

Tại xã Nậm Lành, với hoạt động đẩy mạnh sinh kế trồng măng theo định hướng chuỗi giá trị, Dự án đã tập huấn về cơ chế tổ hợp tác, lập kế hoạch, phương án sản xuất kinh doanh, quản lý tài chính; đóng gói, nhãn mác, tiêu thụ sản phẩm, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ Tổ hợp tác trồng măng sặt thôn Giàng Cài được cấp Giấy chứng nhận thực hành nông nghiệp sạch VietGAP.

Chị Bàn Thị Chạn - thôn Giàng Cài, xã Nậm Lành chia sẻ: "Người dân chúng tôi được Dự án tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây măng sặt không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học. Cây măng sặt được cấp chứng nhận VietGAP giúp sản phẩm được tiêu thụ tốt hơn với giá bán cao hơn, giúp chúng tôi nâng cao thu nhập”.

Với phương pháp thực hiện của Dự án, nhiều hoạt động mang tính thí điểm lần đầu như: cách thức truyền thông tương tác và hoạt động đối thoại chính sách tại 2 xã hay việc lần đầu tiên áp dụng các kiến thức quản lý cộng đồng vào triển khai thực hiện các tiểu dự án, song cơ bản đã đạt được kết quả quan trọng, tạo sự lan tỏa sâu sắc tới cộng đồng và thúc đẩy người dân tham gia vào các công việc của cộng đồng, việc kết nối giữa các cơ quan, ban, ngành và người dân trong việc xây dựng một cộng đồng an toàn, lành mạnh và phát triển.

Anh Vũ Văn Hạ - thành viên Nhóm nòng cốt thôn 10, xã Cảm Nhân chia sẻ: "Tôi cho rằng, thành công nhất của Dự án là đã thực hiện được các công trình phục vụ bà con như: nhà văn hóa, đường giao thông, điện năng lượng mặt trời…; xây dựng được trong cộng đồng dân cư những nhóm nòng cốt thôn bản, thúc đẩy xây dựng được một cộng đồng dân cư đoàn kết để chung tay thực hiện được các tiểu dự án trong khuôn khổ của Dự án. Đồng thời, với các hoạt động tập huấn của Dự án giúp thay đổi nhận thức, mang lại sự tự tin cho người dân trong các hoạt động cộng đồng, nhất là chị em phụ nữ”.

Dự án được thực hiện theo phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Bích Nhiệm cho biết: "Thông qua các hoạt động của Dự án còn cho thấy những giá trị, lợi ích từ cách thức tổ chức thực hiện các hoạt động dựa vào cộng đồng, cách huy động sự tham gia, quản lý và đóng góp của người dân vào tổ chức, thực hiện các công trình, phần việc như: làm đường bê tông thôn, xây dựng nhà văn hóa, làm đường điện thắp sáng bằng năng lượng mặt trời… đạt hiệu quả cao với chi phí rẻ nhất. Trên cơ sở kết quả đạt được, Hội LHPN tỉnh sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động năm thứ 3 sát với tình hình thực tế tại các địa phương, đảm bảo tính khả thi cao nhất và phối hợp với các đơn vị triển khai thực hiện Dự án đạt hiệu quả”.

Thu Hạnh

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/13/302814/hieu-qua-du-an-cai-thien-dieu-kien-song-cua-dong-bao-dan-toc-thieu-so.aspx