Hiệu quả chương trình tín dụng phát triển chăn nuôi nơi miền đá

Những năm gần đây, câu chuyện về cái nghèo đang dần rời xa xóm làng nơi miền đá Mèo Vạc. Hàng nghìn gia đình đã từng bước vươn lên nhờ vào chương trình hỗ trợ tín dụng phát triển chăn nuôi của Agribank Mèo Vạc.

Từ nguồn vốn vay Agribank Mèo Vạc, nhiều gia đình xã Pả Vi có điều kiện phát triển chăn nuôi.

Từ nguồn vốn vay Agribank Mèo Vạc, nhiều gia đình xã Pả Vi có điều kiện phát triển chăn nuôi.

Với đặc thù và lợi thế riêng, huyện Mèo Vạc đã nhận thức rõ vai trò của phát triển chăn nuôi gia súc hàng hóa trong phát triển kinh tế nông nghiệp. Cùng với các chính sách hỗ trợ, huyện đã tập trung lãnh đạo phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa; đưa chăn nuôi trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong sản xuất nông nghiệp và giảm nghèo bền vững của địa phương. Đồng hành cùng người chăn nuôi, Agribank Mèo Vạc luôn xác định việc cho vay vốn phát triển nông nghiệp, nông thôn là nhiệm vụ hàng đầu; góp phần thúc đẩy KT – XH ở địa phương. Vì vậy, Agribank Mèo Vạc đã chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội của huyện đẩy mạnh tuyên truyền các chương trình, chính sách vay vốn đến các gia đình; phân công cán bộ bám sát địa bàn, chủ động tư vấn, hướng dẫn người dân về thủ tục vay vốn, cách sử dụng vốn vay hiệu quả.

Tổng dư nợ tính đến 30.9.2020 của Agribank Mèo Vạc đạt trên 501,8 tỷ đồng, so với đầu năm tăng 37,3 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 8,0%, đạt 100,4% kế hoạch năm 2020 Agribank tỉnh giao. Thực hiện hỗ trợ theo chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa của tỉnh, Agribank Mèo Vạc đã góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy sản xuất, nâng cao đời sống người dân. Doanh số cho vay theo Nghị quyết 209 và 86 của HĐND tỉnh có 1.117 hộ, với số tiền trên 87,3 tỷ đồng; doanh số thu nợ có 595 hộ với số tiền trên 47,1 tỷ đồng; dư nợ cho vay đến 30.9.2020 có 522 khách hàng với số tiền trên 40,2 tỷ đồng.

Từ nguồn vốn vay, nhiều gia đình đã mạnh dạn mở rộng quy mô chăn nuôi theo hướng hàng hóa, góp phần thay đổi nhanh cơ cấu ngành Nông nghiệp của huyện. Tốc độ tăng trưởng bình quân ngành chăn nuôi – thủy sản của huyện giai đoạn 2016 – 2020 tăng trung bình 20,01%; giá trị sản xuất ngành chăn nuôi năm 2020 ước đạt 388,16 tỷ đồng, tăng gấp 1,17 lần (tương đương tăng 194,12 tỷ đồng) so với năm 2015; tỷ trọng ngành chăn nuôi chiếm 51,36% trong cơ cấu ngành Nông, lâm nghiệp.

Đồng chí Vũ Tuân, Giám đốc Agribank Mèo Vạc, cho biết: “Nhằm giúp người dân có điều kiện phát triển chăn nuôi cũng như kịp thời thu hồi vốn vay theo đúng kỳ hạn; đơn vị đã thành lập các tổ thường xuyên kiểm tra, nắm tình hình hoạt động sản xuất của các hộ vay vốn; rà soát nợ đến hạn hàng tháng để thông báo cho khách hàng. Mặc dù địa bàn rộng, đi lại khó khăn, số lượng cán bộ ít; nhưng Agribank Mèo Vạc luôn tích cực đôn đốc thu nợ các khoản vay đến hạn trả, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn, tổ chức đoàn thể trong công tác kiểm tra, giám sát, thu nợ và xử lý các vấn đề phát sinh; thường xuyên báo cáo cấp ủy, chính quyền địa phương và ngân hàng cấp trên về những vấn đề khó, vướng mắc trong quá trình thu hồi nợ để có những biện pháp tháo gỡ kịp thời.

Năm nay, dịch Covid-19 và dịch tả lợn châu Phi đã khiến người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn. Nhằm kịp thời hỗ trợ người dân, Agribank Mèo Vạc đã rà soát, tư vấn các biện pháp hỗ trợ phù hợp. Tuy nhiên, một số khoản vay tiềm ẩn rủi ro cao, ảnh hưởng tới chất lượng tín dụng của ngân hàng; nhất là tình trạng một số hộ dân bán gia súc để đi Trung Quốc lao động nhưng không trả nợ ngân hàng. Trước tình hình đó, Agribank Mèo Vạc tiếp tục phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc kiểm tra, giám sát sử dụng vốn vay và đôn đốc thu hồi vốn. Phối kết hợp với UBND các xã xây dựng kế hoạch để thu nợ cho vay theo Nghị quyết 209 và 86 của HĐND tỉnh đến hạn năm 2020 và nợ quá hạn; không để xảy ra nợ xấu, ảnh hưởng tới chất lượng tín dụng của ngân hàng và hiệu quả thực hiện nghị quyết. Phối kết hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT, UBND các xã, thị trấn lập kế hoạch kiểm tra, giám sát sau cho vay đối với các món đã giải ngân cho vay chăn nuôi trâu, bò, làm chuồng trại và vay nuôi ong theo nghị quyết của tỉnh; kiên quyết thu hồi nợ trước hạn khi phát hiện hộ dân, cá nhân sử dụng vốn vay sai mục đích.

Bài, ảnh: KIM TIẾN

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202011/hieu-qua-chuong-trinh-tin-dung-phat-trien-chan-nuoi-noi-mien-da-767373/