Hiệu quả chính sách giảm nghèo

Thời gian qua, chính quyền xã Hàm Rồng, huyện Năm Căn, triển khai hiệu quả các dự án giảm nghèo bền vững, cùng sự nỗ lực, quyết tâm vươn lên thoát nghèo của hộ nghèo, hộ cận nghèo, từ đó công tác giảm nghèo trên địa bàn đạt kết quả tích cực. Hiện nay, xã còn 19 hộ nghèo (chiếm 1,28%) và 41 hộ cận nghèo (chiếm 2,76%).

Ông Lê Bé, Phó chủ tịch UBND xã, cho biết, địa phương được sự quan tâm và chỉ đạo của cấp trên trong việc hỗ trợ thực hiện các dự án đào tạo nghề, giải quyết việc làm và đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo để bà con cải thiện cuộc sống, vươn lên thoát nghèo, thoát cận nghèo bền vững. Mặt khác, xã phân công cán bộ xuống tận từng hộ nghèo, cận nghèo nắm bắt tâm tư, nguyện vọng cũng như hoàn cảnh để tạo điều kiện hỗ trợ cụ thể giúp họ thoát nghèo. Theo đó, đối với các hộ nghèo có đất sản xuất thì xã hướng dẫn những mô hình như nuôi cua, nuôi tôm, nuôi heo, hỗ trợ vốn, con giống. Với những hộ không đất sản xuất, sẽ hỗ trợ cất nhà, phương tiện để họ yên tâm lao động, sản xuất.

Hiện trên địa bàn xã đang triển khai thực hiện mô hình nuôi sò huyết thương phẩm, 9 hộ tham gia; nuôi heo thương phẩm, với 7 hộ. Nguồn vốn từ Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023, với tổng số tiền 489 triệu đồng.

Hộ anh Nguyễn Văn Tờ, ấp Kinh Tắc, là một trong những hộ khó khăn ở địa phương. Gia đình không đất sản xuất, chỉ có được căn nhà để che mưa nắng, anh làm đủ nghề, từ mò sò huyết đến sửa máy, thợ hồ... nhưng mỗi ngày chỉ kiếm được khoảng 300 ngàn đồng; còn vợ anh ở nhà nội trợ và đưa rước 2 con đi học. Cuộc sống khó khăn nên gia đình anh rơi vào hộ cận nghèo năm 2020.

Mô hình nuôi sò huyết giúp anh Nguyễn Văn Tờ vươn lên thoát nghèo.

Anh Tờ chia sẻ: “Ðầu năm nay, khi được địa phương hỗ trợ giống và vật tư với số tiền 30 triệu đồng, tôi mượn mẹ 0,2 ha đất, tiến hành thả hơn 100 kg sò huyết giống, loại từ 500-700 con/kg. Ðến nay, sò huyết phát triển khỏe mạnh, nếu thuận lợi, tới thu hoạch thì tôi cũng lời hơn 30 triệu đồng. Ngay sau khi nhận được sự hỗ trợ của địa phương, gia đình tôi đã đăng ký thoát cận nghèo. Bản thân sẽ nỗ lực hơn nữa để vươn lên trong cuộc sống”.

Ðược địa phương hỗ trợ 6 con heo giống để chăn nuôi, anh Quách Tuyền, người dân tộc Khmer, ấp Cái Nai, phấn khởi: “Khi mới nhận, heo chỉ nặng khoảng 10 kg, sau khi nuôi khoảng 3 tháng thì heo đã nặng hơn 50 kg và đang phát triển rất khỏe mạnh. Sau khi chúng đạt trọng lượng, tôi sẽ xuất chuồng 4 con, chừa lại 2 con để gây giống tiếp tục chăn nuôi. Rất cảm ơn địa phương đã tạo điều kiện cho tôi có cơ hội để chăn nuôi, phát triển kinh tế, tôi sẽ quyết tâm lao động để thoát nghèo bền vững”.

Anh Quách Tuyền được địa phương hỗ trợ heo giống để chăn nuôi thoát nghèo.

Vợ chồng anh Tuyền có 3 con, hằng ngày anh đi làm thuê để trang trải cuộc sống gia đình. Năm 2019, gia đình anh rơi vào hộ nghèo, năm 2022 thì cận nghèo, và khi được hỗ trợ chăn nuôi, anh đã đăng ký thoát nghèo.

Có cuộc sống ổn định, kinh tế phát triển sắm sửa tiện nghi cho gia đình là góp phần trong công tác giảm nghèo của địa phương.

Bên cạnh công tác hỗ trợ vốn, con giống, vật tư để người dân chăn nuôi, sản xuất vươn lên thoát nghèo, UBND xã còn mở 1 lớp đào tạo nghề nuôi tôm 2 giai đoạn tại ấp Chống Mỹ B, có 30 học viên và 1 lớp tại ấp Cái Nai, với 30 học viên; 1 lớp chăn nuôi gà, có 30 học viên.

Tuy nhiên, công tác giảm nghèo ở xã Hàm Rồng vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Trong đó, phần lớn hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo chủ yếu làm thuê nên việc đi học nghề còn hạn chế, không có thời gian để tham gia các lớp đào tạo nghề; nguy cơ tái nghèo cao; một số hộ nghèo có nhà ở vẫn chưa đảm bảo theo tiêu chí của Bộ Xây dựng. Một số ít hộ nghèo có tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, cộng đồng, chưa có ý thức vươn lên thoát nghèo hoặc không muốn thoát nghèo. Việc làm chưa ổn định, thu nhập của các hộ nghèo thấp so với giá cả thị trường hiện nay.

“Thời gian tới, UBND xã tập trung thực hiện tốt các chương trình, dự án giảm nghèo, chống tái nghèo, quan tâm đặc biệt đến việc hỗ trợ phát triển sản xuất và đời sống các gia đình chính sách, đồng bào dân tộc; phát huy và nhân rộng các dự án, mô hình sản xuất hiệu quả. Thường xuyên kiểm tra việc quản lý các nguồn vốn đầu tư cho các dự án giải quyết việc làm, giảm nghèo, đảm bảo sử dụng vốn đúng mục đích, đầu tư đúng đối tượng và phát huy hiệu quả. Ðồng thời, thực hiện tốt công tác chăm lo, giúp đỡ, hỗ trợ điều kiện sinh hoạt cho hộ nghèo. Ðẩy mạnh công tác đền ơn đáp nghĩa, xây dựng mới, sửa chữa nhà cho đối tượng người có công; chính sách nhà ở cho người nghèo, người dân tộc”, ông Lê Bé chia sẻ./.

Hoàng Vũ - Quách Nguyên

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/hieu-qua-chinh-sach-giam-ngheo-a31963.html