Hiệu quả các Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân

Nhằm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho đoàn viên, người lao động, các cấp Công đoàn Thủ đô đã đầu tư xây dựng và phát huy hiệu quả hoạt động của các Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân. Qua đó, góp phần thực hiện tốt chức năng chăm lo đời sống cho đoàn viên, người lao động của tổ chức Công đoàn.

Theo Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội Nguyễn Huy Khánh, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người lao động là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong hoạt động công đoàn. Nhiều năm qua, LĐLĐ Thành phố đã tập trung triển khai hiệu quả nhiệm vụ này bằng nhiều giải pháp thiết thực, đặc biệt là thông qua việc triển khai mô hình Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân. Hiện, toàn thành phố Hà Nội đã có 61 Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân. Đây không chỉ là nơi sinh hoạt, giao lưu văn hóa thể thao để rèn luyện sức khỏe, nâng cao đời sống tinh thần mà còn là nơi để Công đoàn tổ chức các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kiến thức pháp luật cho công nhân lao động.

Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Nguyễn Huy Khánh (bìa trái) thăm hỏi, chia vui với người lao động khi được sinh hoạt tại Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân ở thôn Nhuế, xã Kim Chung, huyện Đông Anh. Ảnh: Mai Quý

Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Nguyễn Huy Khánh (bìa trái) thăm hỏi, chia vui với người lao động khi được sinh hoạt tại Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân ở thôn Nhuế, xã Kim Chung, huyện Đông Anh. Ảnh: Mai Quý

Ghi nhận thực tế tại Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân trong các doanh nghiệp cho thấy, sau mỗi giờ tan ca hoặc giờ nghỉ giải lao giữa ca, người lao động lại đến Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân để nghỉ ngơi, đọc sách báo, giải trí, chơi thể thao… Tại các Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân trong khu dân cư, nơi tập trung đông công nhân lao động thuê trọ, vào các buổi chiều và cuối tuần, có đông đảo người lao động đến để sinh hoạt, giao lưu văn hóa văn nghệ, tập luyện thể thao. Với nhiều người lao động, Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân đã trở thành điểm đến quen thuộc của họ, giúp họ giải tỏa căng thẳng, áp lực trong công việc và tái tạo sức lao động.

Chia sẻ với phóng viên, chị Nguyễn Thị Hoa, công nhân đang làm việc tại Khu Công nghiệp Thăng Long cho biết: “Tôi nhận thấy Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân có vai trò rất quan trọng đối với đời sống văn hóa tinh thần của công nhân. Trước đây, khi chưa có điện thoại thông minh, chúng tôi thường xuyên đến Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân để đọc sách, báo cập nhật tin tức và tra cứu tài liệu liên quan đến pháp luật lao động… Bây giờ, thông tin dễ dàng tiếp cận trên chiếc điện thoại thông minh, việc đọc sách báo hạn chế hơn nhưng những chương trình ca nhạc, hội thi và các hoạt động phong trào khác do tổ chức Công đoàn tổ chức tại đây, chúng tôi đều hào hứng tham gia”.

Nhận thấy rõ hiệu quả của Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân, các cấp Công đoàn đã thường xuyên đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị để nâng cao chất lượng phục vụ công nhân lao động. Theo Chủ tịch LĐLĐ huyện Gia Lâm Nguyễn Đức Thể, hiện trên địa bàn huyện đã có 6 Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân được thành lập. Cùng với tuyên truyền, vận động thành lập được Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân, hằng năm, LĐLĐ huyện đề nghị LĐLĐ thành phố Hà Nội và chủ doanh nghiệp tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện bổ sung thêm cơ sở vật chất cho các Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân.

Tiêu biểu như Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân tại Công ty TNHH Điện Stanley, từ kinh phí đầu tư 6 tỷ đồng lúc ban đầu, qua việc bổ sung thêm cơ sở vật chất hằng năm, tính đến nay, tổng giá trị đầu tư cho Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân Công ty TNHH Điện Stanley Việt Nam lên đến gần 20 tỷ đồng. Ngoài ra, Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân tại Công ty Cổ phần môi trường đô thị Gia Lâm, Công ty Cổ phần Hãng sơn Đông Á cũng được lãnh đạo doanh nghiệp quan tâm đầu tư thêm cơ sở vật chất hằng năm với kinh phí hàng trăm triệu đồng...

Tại cơ sở, Ban Chấp hành Công đoàn đã tranh thủ sự ủng hộ, hỗ trợ của Công đoàn cấp trên và người sử dụng lao động để đầu tư vào Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân. Theo Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần Dệt 10/10 Nguyễn Mạnh Tuân, các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao phục vụ công nhân lao động được Ban lãnh đạo và Công đoàn Công ty duy trì tổ chức thường xuyên. Tuy nhiên do còn khó khăn về kinh phí đầu tư nên điều kiện về cơ sở vật chất để phục vụ công nhân lao động còn hạn chế.

Từ thực tế đó, Ban Chấp hành Công đoàn đã đề nghị Ban lãnh đạo Công ty hỗ trợ thêm 70 triệu đồng để sửa chữa, nâng cấp một số hạng mục về cơ sở vật chất và mua sắm thêm bàn ghế tại phòng sinh hoạt chung cho công nhân. Đặc biệt, được sự quan tâm hỗ trợ kinh phí với mức 90 triệu đồng của LĐLĐ thành phố Hà Nội và sự hướng dẫn, giúp đỡ của Công đoàn ngành Dệt - May Hà Nội, Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân tại Công ty đã được hoàn thiện, đưa vào sử dụng với đầy đủ các trang thiết bị phục vụ hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao và hội họp cho công nhân, như: Tivi, loa đài, điều hòa nhiệt độ, các dụng cụ thể thao, tủ tài liệu… Nhờ đó, người lao động trong Công ty có nhiều điều kiện hơn thụ hưởng các hoạt động văn hóa, thể thao lành mạnh và cải thiện đời sống văn hóa tinh thần.

Được biết, thời gian tới, LĐLĐ thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục quan tâm triển khai các giải pháp để nâng cao chất lượng hoạt động của các Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân. Đồng thời, LĐLĐ Thành phố đã đề nghị các Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở khảo sát, nắm tình hình, đề xuất xây dựng Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân trên cơ sở nhu cầu của đoàn viên, người lao động và đảm bảo đáp ứng đủ điều kiện cần thiết nhằm chăm lo tốt hơn đời sống văn hóa tinh thần cho người lao động.

Mai Quý

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/hieu-qua-cac-diem-sinh-hoat-van-hoa-cong-nhan-163903.html