Hiệu quả bước đầu từ trồng cây gai xanh

Dự án “Giảm nghèo thông qua phát triển sản xuất nông nghiệp và thương mại vùng biên giới Việt Nam - Lào” sử dụng Quỹ đặc biệt hợp tác Mê Công - Lan Thương, phát triển chuỗi sản xuất gai xanh gắn với tiêu thụ bền vững, được triển khai từ tháng 10/2022 đến tháng 4/2024 tại 4 xã biên giới của huyện Yên Châu, là Chiềng On, Phiêng Khoài, Lóng Phiêng và Chiềng Tương, với mục tiêu phát triển 230 ha cây gai xanh, tổng mức đầu tư trên 16 tỷ đồng, nâng cao thu nhập, năng lực quản lý, làm chủ kinh tế cho nhân dân vùng biên giới. Sau hơn một năm triển khai, bước đầu đã mang lại hiệu quả, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng và thu nhập ổn định cho nông dân.

Nông dân xã Chiềng On, huyện Yên Châu phơi vỏ cây gai xanh.

Nông dân xã Chiềng On, huyện Yên Châu phơi vỏ cây gai xanh.

Ông Lê Huy Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Châu, cho biết: Sau khi UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch tổng thể dự án, huyện phối hợp với Ban quản lý dự án đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia; tiến hành khảo sát, rà soát, xác định khả năng phát triển diện tích gai xanh trên địa bàn. Sau một thời gian trồng thử nghiệm, nhìn chung cây gai xanh sinh trưởng, phát triển tốt, một số diện tích bắt đầu cho thu hoạch. Ban quản lý dự án tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật trồng gai xanh cho nhân dân các xã biên giới; bàn giao gần 10 tấn phân hữu cơ, 77.400 cây giống cho các hộ dân; hướng dẫn quy trình làm đất, xuống giống, cách sử dụng phân bón, quy trình chăm sóc, thực hành tại ruộng, nương.

Tham gia Dự án, các hộ dân được hỗ trợ không hoàn lại 50% tiền giống, phân bón, 50% còn lại doanh nghiệp tạm ứng cho bà con và trừ dần vào tiền bán sản phẩm vỏ cây gai cho doanh nghiệp từ năm thứ hai trở đi. Vỏ cây gai xanh được Công ty cổ phần Tuấn Tài và Công ty TNHH HTM Dragon Việt Nam cam kết bao tiêu cho nông dân và có hợp đồng bảo lãnh.

Xã Chiềng Tương có 9 bản, 100% là đồng bào dân tộc Mông sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 60%. Triển khai dự án, cấp ủy, chính quyền xã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia, được bà con đồng tình hưởng ứng, tham gia trồng gần 20 ha cây gai xanh. Anh Tếnh Lao Bông, bản Pa Khôm, Chiềng Tương, chia sẻ: Gia đình trồng 2 ha cây gai xanh, sau 1 năm trồng lứa đầu tiên thu gần 5 tạ vỏ khô, được doanh nghiệp mua với giá 35.000 đồng/kg, giúp gia đình có nguồn thu nhập ổn định hơn trước. Loại cây này chỉ vất vả năm đầu, những năm tiếp theo chỉ cần bón phân và làm cỏ; khi thu hoạch chặt sát gốc, cho vào máy tuốt lấy vỏ sau đó đem phơi và được doanh nghiệp vào tận nơi thu mua.

Còn ông Nguyễn Văn Báu, bản Tràng Nặm, xã Chiềng On cũng đã mạnh dạn chuyển đổi 2 ha đất đồi trồng ngô sang trồng cây gai xanh. Ông Báu nói: Trồng cây gai xanh không tốn nhiều công, lại được hỗ trợ giống, phân bón và có cam kết bao tiêu sản phẩm của doanh nghiệp. Đến nay, đã cho thu hoạch lứa đầu tiên, năng suất 3 tạ vỏ gai khô/ha, cho thu nhập hơn 20 triệu đồng. Gia đình đang tiến hành bón phân, chăm sóc cây gai lên lứa thứ 2. Cây gai xanh một năm thu hoạch được 3-4 lứa, so với cây ngô, cây lúa thì cho hiệu quả kinh tế gấp nhiều lần.

Đến nay, bà con 4 xã biên giới của huyện Yên Châu đã tham gia trồng gần 145 ha cây gai xanh, đã bắt đầu cho thu hoạch lứa đầu tiên; dự kiến mỗi ha mang lại lợi nhuận 60-80 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí. Để phát triển cây gai xanh tại Yên Châu trở thành vùng nguyên liệu đảm bảo cho sản xuất, chế biến, Ban quản lý dự án và các doanh nghiệp tiếp tục phối hợp cùng cấp ủy chính quyền địa phương vùng dự án tích cực khảo sát, mở rộng diện tích, tuyên truyền vận động nhân dân tham gia.

Anh Trần Ngọc Anh, cán bộ kỹ thuật Công ty cổ phần Tuấn Tài, thành phố Sơn La, cho biết: Sau 1 năm trồng gai xanh giống AP1, cho thấy loại cây phù hợp với điều kiện, kỹ thuật canh tác của nông dân địa phương; tỷ lệ sợi cây gai đạt cao. Có thể phát triển tốt ở đất dốc, kỹ thuật trồng, chăm sóc đơn giản, ít mắc sâu bệnh. Công ty đang tiếp tục phối hợp với địa phương mở rộng quy mô dự án tại những khu vực phù hợp; hỗ trợ nông dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác để cây gai xanh sinh trưởng, phát triển tốt; cam kết thu mua sản phẩm theo giá thị trường, đảm bảo các bên cùng có lợi; góp phần phát triển sản xuất cây gai xanh theo hướng bền vững, hiệu quả.

Với chi phí đầu vào thấp, kỹ thuật chăm sóc không quá phức tạp, hiệu quả kinh tế ổn định và được bảo đảm bao tiêu sản phẩm lâu dài, Dự án “Giảm nghèo phát triển sản xuất nông nghiệp và thương mại vùng biên giới Việt Nam - Lào” thông qua việc đưa vào trồng và mở rộng diện tích cây gai xanh, hứa hẹn đem lại hiệu quả kinh tế lâu dài, giúp bà con vùng biên giới Yên Châu thoát nghèo bền vững.

Bài, ảnh: Thanh Huyền

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/kinh-te/hieu-qua-buoc-dau-tu-trong-cay-gai-xanh-pxs3KxcSg.html