Hiệu quả bước đầu của Dự án SDC-Ramsar

Ngày 31/10, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau phối hợp với Tổ chức WWF Việt Nam tổ chức Hội thảo sơ kết và kết nối các khu Ramsar với dự án 'Cải thiện cuộc sống của cộng đồng người nghèo thông qua các sinh kế thay thế thân thiện với bảo tồn tại các khu đất ngập nước Ramsar ở Đồng bằng sông Cửu Long' (Dự án SDC-Ramsar).

TS Trịnh Thị Long, đại diện Tổ chức WWF Việt Nam, đánh giá sơ kết dự án và triển khai kế hoạch giai đoạn tiếp theo.

Dự án được thực hiện từ ngày 17/12/2021 đến ngày 31/12/2024, tại 3 địa điểm gồm: Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau (tỉnh Cà Mau), Vườn Quốc gia U Minh Thượng (tỉnh Kiên Giang) và Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen (tỉnh Long An), với tổng kinh phí gần 14 tỷ đồng.

Tại hội thảo, TS Trịnh Thị Long, đại diện Tổ chức WWF Việt Nam, cho biết, dự án hướng đến mục tiêu nâng cao nhận thức của cộng đồng địa phương về quản lý và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, cũng như thay đổi hành vi của người dân.

Cụ thể là nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng, hệ sinh thái đất ngập nước, giảm thiểu tác động của rác thải nhựa, thông qua các hoạt động như: Xây dựng tài liệu, tờ rơi tập huấn và tiến hành tập huấn cho cán bộ địa phương, Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ, lực lượng trực tiếp bảo vệ rừng,…; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức các sự kiện và hoạt động nhằm tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong quản lý, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường tại khu Ramsar.

Các đơn vị đóng góp ý kiến, đề xuất giải pháp để thực hiện hiệu quả dự án.

Kết quả hơn 1 năm thực hiện dự án, đã hình thành 3 nhóm sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ liên kết với công ty, tăng thu nhập 16% cho hộ tham gia (từ 6,1 triệu đồng lên 7,1 triệu đồng); hoàn thành thực hiện 10 ha mô hình trồng sen kết hợp nuôi cá; tổ chức cho 176 chị em phụ nữ học nghề đan đát lục bình; tổ chức khóa đào tạo kỹ thuật trồng sen kết hợp nuôi cá cho 18 hộ dân; thực hiện cải tiến mô hình tôm rừng cho 20 hộ; tập huấn kỹ thuật nuôi nghêu, sò huyết, sản xuất lúa an toàn; thực hiện mô hình nuôi cá sặc rằn;…

Bên cạnh sơ kết đánh giá kết quả thực hiện dự án và xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện trong năm 2024, hội thảo còn là dịp kết nối 3 khu Ramsar, tạo điều kiện để các đơn vị chia sẻ, trao đổi những kinh nghiệm, giải pháp hiệu quả, cũng như những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý khu Ramsar, bảo tồn đa dạng sinh học nói chung và tài nguyên đất ngập nước nói riêng, để thực hiện tốt hơn trong thời gian tới./.

Trầm Nghĩ

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/hieu-qua-buoc-dau-cua-du-an-sdc-ramsar-a29862.html