Hiểu đúng về ngành logistics để tăng cơ hội trúng tuyển đại học

Ngoài kiến thức kinh tế, các em sinh viên phải có chuyên môn về kỹ thuật, công nghệ mới có thể đáp ứng nhu cầu lao động trong ngành logistics.

Xuất hiện trong một vài năm trở lại đây ngành Logistics ngày càng phát triển và trở thành một trong những ngành học được quan tâm qua mỗi mùa tuyển sinh, đây cũng ngành có điểm tuyển sinh thuộc top đầu.

Hiện nay, trên cả nước có khoảng 50 trường đào tạo về ngành này, trong đó ở khu vực phía Bắc các trường như Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Thương mại, Đại học Thủy lợi, Đại học Thủ đô, Đại học Công nghiệp Hà Nội,… là một trong những trường tham gia đào tạo.

Chia sẻ về nhu cầu lao động trong lĩnh vực này, trao đổi với

Người Đưa Tin

, ông Lê Duy Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cho biết, đến năm 2030, cần bổ sung thêm nguồn nhân lực về logistics là trên 200.000 người, điều này phản ánh rõ cơ hội việc làm của sinh viên tốt nghiệp ngành này.

Chưa kể đến, các doanh nghiệp logistics Việt Nam ngày càng tăng và phục vụ đầy đủ các hoạt động cung ứng dịch vụ nên tạo ra nhiều lựa chọn khi sinh viên ra trường chọn môi trường làm việc.

“Tuy nhiên, cơ hội tăng đồng nghĩa với đòi hỏi về năng lực cũng tăng cao, có yêu cầu riêng biệt về chất lượng đào tạo”, ông Hiệu bày tỏ.

Theo đó, ngoài kiến thức cơ bản, nhanh chóng thích ứng với văn hóa doanh nghiệp, tốt nghiệp ở bậc khá, giỏi, có thời gian tham gia thực tế tại các khu công nghiệp là những yếu tố mà các em cần phải trang bị trước khi tham gia vào thị trường lao động.

Ông Lê Duy Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam.

Ông Lê Duy Hiệp cho biết: “Việc am hiểu, thành thạo ngoại ngữ như tiếng Anh, Trung, Nhật, Hàn,…, có thêm những chứng chỉ, văn bằng quốc tế liên quan đến logistics là điều kiện mà doanh nghiệp đòi hỏi. Nếu các em có sẽ có ích khi ra trường và đi làm”.

Sau khi hoàn thành chương trình học, sinh viên có thể cân nhắc lựa chọn làm việc tại các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics như cung cấp vận tải, đường biển, hàng không, dịch vụ đa phương thức, kho hàng, thương mại điện tử, cảng,….

Còn theo PGS.TS Bùi Duy Phú - Khoa Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, Trường Đại học Đại Nam, dung lượng thị trường lao động ngành logistics là rất lớn, đặc biệt đặt trong bối cảnh ngành này liên kết với thương mại điện tử sẽ là song hành phát triển mạnh trong thời gian tới, góp phần không nhỏ vào GDP của cả nước.

Ở đây, chuyên gia chỉ rõ, mã ngành logistics không chỉ nằm trong khối kinh tế mà còn liên quan đến kỹ thuật.

“Điều này đòi hỏi sinh viên nắm bắt được kiến thức cơ bản về tính tối ưu của quá trình, làm chủ được thiết bị công nghệ, bởi trong tất cả các khâu của logistics đều phải tối ưu hóa, khi theo học các em phải nhạy cảm với thị trường, nhanh nhẹn”, ông Phú nói.

Ngoài những kiến thức cơ bản, cần có những nghiệp vụ riêng của logistics như xuất nhập khẩu, nghiệp vụ hải quan, kinh tế quốc tế, các kiến thức quốc tế vừa rộng vừa sâu.

Trước những yêu cầu như vậy chuyên gia cũng đánh giá rằng việc được đào tạo bài bản và chuyên nghiệp vẫn chưa tương xứng với nhu cầu của ngành này, nhất là đối với các vị trí cần trình độ chuyên môn cao.

Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng (tiếng Anh là Logistics and Supply Chain Management) là một hoạt động mang tính chất dây chuyền, nó là một mạng lưới kết nối của nhiều hoạt động cùng tham gia vào việc sản xuất, cung ứng hàng hóa và dịch vụ đến tận tay người tiêu dùng. Nói một cách dễ hiểu nó đảm bảo vòng đời của một sản phẩm và hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp đạt hiệu quả cao nhất.Theo Ngân hàng Thế giới, Việt Nam hiện đứng thứ 64/160 nước về mức độ phát triển logistics và đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN sau Singapore, Malaysia và Thái Lan. Với tốc độ phát triển hàng năm đạt từ 14 - 16%, đây là một trong những ngành dịch vụ tăng trưởng nhanh và ổn định nhất của Việt Nam trong thời gian qua.

Nguyễn Hoa Trà

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/hieu-dung-ve-nganh-logistics-de-tang-co-hoi-trung-tuyen-dai-hoc-a659916.html