Hiểu đúng luật để không vi phạm

Thực tế hiện nay, nhiều người trẻ vẫn chưa hiểu rõ Luật Hôn nhân và Gia đình (HN&GÐ), dẫn đến những sai lầm, thậm chí là vi phạm pháp luật mà bản thân không hay biết.

Một vấn đề mà chúng ta dễ thấy trong xã hội ngày nay là nhiều cặp đôi trẻ tổ chức đám cưới nhưng lại không đăng ký kết hôn. Họ cho rằng, miễn có gia đình hai bên chung vui chứng kiến là được, còn giấy đăng ký kết hôn chỉ là thủ tục. Oái oăm hơn là tư tưởng, nếu sống không hợp sẽ không cần ra tòa làm thủ tục ly hôn và cũng không phải phân chia tài sản quá phức tạp.

Mọi người, nhất là người trẻ cần hiểu rõ Luật HN&GÐ để tránh những trường hợp đáng tiếc cho bản thân. (Ảnh minh họa từ Internet)

Mọi người, nhất là người trẻ cần hiểu rõ Luật HN&GÐ để tránh những trường hợp đáng tiếc cho bản thân. (Ảnh minh họa từ Internet)

Bạn Dương Hằng Trang, 20 tuổi, ngụ Khóm 2, Phường 6, TP Cà Mau, chia sẻ góc nhìn của bản thân: "Giấy đăng ký kết hôn chỉ là thủ tục, quan trọng là sống với nhau có hợp không, có thể vun đắp gì cho nhau. Có thể tổ chức hôn lễ trước, rồi sau đó xem nết ăn nết ở có hòa hợp được không thì mới đăng ký kết hôn, vì nhận giấy là coi như phải có nghĩa vụ, trách nhiệm với nhau và phải chịu tiếng một đời chồng, một đời vợ. Nhiều đôi mới cưới mấy ngày đã kéo nhau ra tòa ly hôn, thấy hơi phiền phức về thủ tục".

Người lớn cũng khó hiểu về tư duy của lớp trẻ nhưng con muốn thì cha mẹ chiều theo. Bà Nguyễn Hiền Trang, 55 tuổi, Khóm 4, Phường 5, TP Cà Mau, chia sẻ: "Bây giờ tụi nhỏ làm đám cưới rồi sau đó mới đăng ký kết hôn và cho là hiện đại. Ðứa cháu tôi cũng y vậy; nó nói bạn nó còn không tổ chức cưới, sống chung với nhau, có chấp nhận tính xấu của nhau hay không còn chưa biết, lỡ đăng ký kết hôn rồi dính líu tài sản là mệt mỏi vô cùng. Nhưng tôi nghĩ, lỡ sống chung, cùng mua tài sản chung mà không có giấy đăng ký kết hôn bảo đảm thì sau này còn mệt mỏi vụ chia tài sản hơn".

Theo Luật sư Lê Huỳnh Ni, Văn phòng Luật sư Cát Minh (TP Cà Mau), thuộc Ðoàn Luật sư tỉnh Cà Mau, quan điểm nói trên của nhiều người trẻ có chỗ đúng và cũng có chỗ chưa đúng. “Hiện nay, xã hội ngày càng phát triển, quan niệm và góc nhìn về hôn nhân cũng thoải mái hơn. Một số bạn hiện nay có thể vì các nguyên nhân như ngại sự ràng buộc, tác động từ điều kiện gia đình, xã hội, yếu tố tâm - sinh lý... nên lựa chọn việc chung sống với nhau nhưng không đăng ký kết hôn. Việc kết hôn là do tự nguyện của hai bên, pháp luật hiện nay chưa có quy định phạt về việc không đăng ký kết hôn", Luật sư Lê Huỳnh Ni cho biết.

Luật sư Lê Huỳnh Ni cho biết thêm: "Tuy nhiên, việc chung sống với nhau như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn sẽ không được pháp luật công nhận là vợ chồng, không làm phát sinh nghĩa vụ của vợ và chồng (quy định tại Ðiều 14, Luật HN&GÐ năm 2014). Về việc phân chia tài sản đối với các cặp đôi chung sống như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn, thì việc giải quyết tài sản chung sẽ ưu tiên sự thỏa thuận của các bên. Nếu các bên không thỏa thuận được thì một trong các bên có thể yêu cầu tòa án giải quyết theo quy định pháp luật. Khi đó, tòa sẽ căn cứ công sức đóng góp của mỗi bên đối với phần tài sản chung để phân chia hợp lý (được quy định tại Ðiều 16, Luật HN&GÐ năm 2014)”.

Bên cạnh đó, một thực tế khác là, câu chuyện mà nhiều cặp vợ chồng ở xã hội hiện đại phải đối mặt là ngoại tình. Thủ tục pháp lý về việc ly hôn do ngoại tình cũng vô cùng phức tạp. Nhiều cặp vợ chồng đã quyết ly hôn nhưng lại không hiểu rõ những yếu tố của pháp luật giúp đủ điều kiện kiện tụng ra tòa bảo vệ quyền lợi cho bản thân.

Nhiều bạn trẻ hiện tại có xu hướng tổ chức hôn lễ nhưng không đăng ký kết hôn vì sợ sống không hợp sẽ rắc rối khi ly hôn.

Luật sư Lê Huỳnh Ni nói rõ về vấn đề này: "Ngoại tình đang là một trong những nguyên nhân dẫn đến ly hôn. Pháp luật không quy định cụ thể về hành vi ngoại tình và mức xử phạt, nhưng Luật HN&GÐ và Bộ luật Hình sự cũng đã có những quy định liên quan để nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho vợ hoặc chồng khi chịu ảnh hưởng bởi việc ngoại tình. Ðiểm c, khoản 1, Ðiều 5 Luật HN&GÐ năm 2014 quy định cấm hành vi “người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ”. Ðối với quy định này thì chúng ta phải xác định được người chồng hay người vợ có đang chung sống như vợ chồng với người khác hay không, từ đó mới lựa chọn yêu cầu xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm theo quy định".

“Việc có người thứ ba xuất hiện trong mối quan hệ vợ chồng, làm cho hôn nhân rạn nứt, dẫn đến ly hôn... thì sẽ có chế tài để xử phạt như tôi vừa tư vấn ở trên. Khi có đủ các chứng cứ chứng minh vi phạm chế độ một vợ một chồng thì người vợ, người chồng hợp pháp có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý. Tuy nhiên, pháp luật quy định việc xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của người khác tùy theo mức độ mà có thể bị xử phạt hành chính, bồi thường dân sự, truy cứu trách nhiệm hình sự", Luật sư Lê Huỳnh Ni nhấn mạnh./.

Hồng Thắm

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/hieu-dung-luat-de-khong-vi-pham-a32655.html