Hiệp hội Hợp tác Khu vực Nam Á có còn phù hợp?

Bị tê liệt bởi tình trạng bất hòa giữa Ấn Độ-Pakistan và một chính quyền Taliban ở Afghanistan không chính danh, Hiệp hội Hợp tác khu vực Nam Á (SAARC) dường như đã mất hết vai trò.

Những nhân tố chia rẽ

Trong gần một phần tư thời gian tồn tại, Hiệp hội Hợp tác khu vực Nam Á (South Asian Association for Regional Cooperation) đã không tổ chức hội nghị thượng đỉnh. Khi nhiệm kỳ Tổng Thư ký cuối cùng của SAARC kết thúc vào tháng 2 năm ngoái, các nước đã không thể nhất trí về một nhân vật ngồi vào vị trí này.

Nguồn: studyiq

Vào thời điểm đó, theo thể thức luân phiên, đến lượt Afghanistan đưa ra ứng cử viên cho ghế Tổng Thư ký, nhưng không thành viên nào của SAARC công nhận chính quyền Taliban. Cuối cùng, các nước đã quyết định rằng Bangladesh (quốc gia ngay sau Afghanistan theo thứ tự bảng chữ cái) sẽ đưa ra một ứng cử viên.

Được thành lập vào năm 1985, SAARC có các thành viên khác là Bhutan, Ấn Độ, Maldives, Nepal, Pakistan và Sri Lanka. Ban đầu, tổ chức này có rất nhiều lợi thế với diện tích đất lớn hơn Liên minh châu Âu và ASEAN cộng lại, đồng thời có dân số đông hơn rất nhiều. Chiếm tới 25% dân số toàn cầu và tổng sản phẩm quốc nội hơn 2,9 nghìn tỷ USD, SAARC đã tồn tại gần 40 năm. Nhưng cho đến nay, tổ chức này đã không có được bất kỳ ảnh hưởng cũng như đòn bẩy kinh tế nào giống các tổ chức khu vực khác như EU, Liên minh châu Phi hay Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á. Mặc dù được thành lập để thúc đẩy hội nhập khu vực thông qua thương mại, nhưng chỉ 5% thương mại của SAARC diễn ra trong khu vực.

Sự chia rẽ chính trị trên khắp Nam Á đã cản trở nỗ lực tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực phi chính trị. Một trong những trở ngại chính là mối quan hệ cơm không lành canh không ngọt giữa hai quốc gia khổng lồ khu vực là Ấn Độ và Pakistan.

Đầu năm nay, Pakistan đã bày tỏ ý định sẵn sàng tổ chức hội nghị thượng đỉnh SAARC - một sự kiện đã không diễn ra kể từ năm 2014. Pakistan ban đầu dự kiến đăng cai hội nghị thượng đỉnh lần thứ 19 vào năm 2016 nhưng kế hoạch đã bị hủy bỏ sau khi Ấn Độ từ chối tham gia. Mối quan hệ giữa New Delhi và Islamabad vào thời điểm đó đã xuống tới mức rất thấp sau khi Ấn Độ cáo buộc các chiến binh do Pakistan hậu thuẫn tấn công một căn cứ quân sự ở Kashmir do Ấn Độ quản lý. Trong một dấu hiệu cho thấy căng thẳng chưa được giải quyết, Ấn Độ đã đáp lại lời mời mới nhất của Pakistan khi nói rằng "họ không nhận thấy tình hình có thay đổi đáng kể nào" và do đó, "không nhất trí" về việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh tiếp theo.

Tình hình ở Afghanistan sau khi Taliban nắm quyền cũng là một yếu tố khiến mọi thứ rơi vào tình trạng lấp lửng. Sẽ rất khó để SAARC tổ chức một hội nghị thượng đỉnh mà trong bối cảnh ngoại trừ Pakistan, không thành viên nào cảm thấy thoải mái khi ngồi cùng bàn với Taliban.

Ấn Độ điều chỉnh ưu tiên

Bản thân Ấn Độ cũng cho thấy những điều chỉnh trong chiến lược ngoại giao của mình khi sắp xếp lại ưu tiên của nước này đối với hội nhập khu vực và tầm quan trọng của SAARC ngày càng giảm sút với tư cách là một thể chế.

Với chính sách “láng giềng trên hết”, Ấn Độ đã tăng cường hợp tác song phương với các nước láng giềng Nam Á. Nước này cũng đã thúc đẩy các tương tác song phương và đa phương bên ngoài Nam Á, chẳng hạn như với Sáng kiến Vịnh Bengal về hợp tác kinh tế và kỹ thuật đa ngành (BIMSTEC), hay các quan hệ hợp tác trong khối BRICS và gần đây nhất là trong G20, nơi Ấn Độ hiện đang giữ chức chủ tịch.

Với cơ chế Đối thoại Ấn Độ-Trung Á và chính sách “Hành động hướng Đông”, Ấn Độ đã báo hiệu ý định tăng cường ảnh hưởng của mình ở Trung và Đông Nam Á.

Lựa chọn thay thế

Trong khi đó, các quốc gia khác trong khu vực cũng đang tìm kiếm các giải pháp thay thế do SAARC. Ví dụ, các thành viên của BIMSTEC đã mở rộng để bao gồm năm trong số tám thành viên SAARC - Ấn Độ, Sri Lanka, Bangladesh, Nepal và Bhutan - cũng như Thái Lan và Myanmar. Khuôn khổ BIMSTEC cho phép các quốc gia nhỏ hơn tận dụng lợi thế của các thị trường ở Thái Lan và Ấn Độ, đồng thời hợp tác để tạo ra một không gian chung vì hòa bình và phát triển.

Giống như ASEAN, SAARC hoạt động trên cơ sở sự đồng thuận. Nhưng trong khi các nguyên tắc hướng dẫn và mục tiêu tương tự nhau, SAARC và ASEAN phát triển theo hai hướng đối lập. Thông qua tăng cường kết nối và thương mại nội vùng, bằng cách giải quyết một cách thân thiện những bất đồng và tìm kiếm các phương pháp hòa bình để giảm bớt xung đột, ASEAN đã hướng tới sức sống, sự bền vững và ngày càng hội nhập hơn; thì SAARC ngày càng chia rẽ, tê liệt và hấp hối.

Sự hình thành của SAARC từng được cho là một bước ngoặt ở Nam Á, một khu vực tuy nghèo khó nhưng giàu tài nguyên thiên nhiên và con người. SAARC nắm giữ tiềm năng kinh tế của một thị trường rộng lớn với 1,8 tỷ dân - gấp 4 lần EU và gần 3 lần ASEAN. Nhưng sự thất bại của giới lãnh đạo chính trị trong khu vực đã khiến tổ chức này hoạt động không hiệu quả.

Để SAARC có khả năng thúc đẩy hòa bình và hội nhập kinh tế, đòi hỏi các nhà lãnh đạo Nam Á phải tìm ra ý chí chính trị và cách tiếp cận chủ động, điều hầu như không xảy ra trong gần bốn thập kỷ tồn tại của tổ chức này.

Khi không có một hội nghị thượng đỉnh nào được tổ chức trong gần một thập kỷ và các quốc gia thành viên cũng không nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm, câu hỏi đặt ra là liệu tổ chức này có nên tiếp tục tồn tại?

Quỳnh Vũ

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/hiep-hoi-hop-tac-khu-vuc-nam-a-co-con-phu-hop--i326157/