Hiện trạng tuyến buýt BRT trước đề xuất thay bằng đường sắt đô thị

Làn đường riêng bị xe máy và ô tô lấn chiếm, hàng dài xe buýt nhanh BRT nối đuôi nhau đứng chôn chân vào giờ cao điểm, hòa mình vào dòng phương tiện kẹt cứng.

Đi vào hoạt động từ tháng 12/2016, tuyến buýt nhanh BRT Kim Mã - Yên Nghĩa có tổng chiều dài toàn tuyến 14,77 km, chạy trên làn đường riêng biệt qua Yên Nghĩa - Ba La - Lê Trọng Tấn - Tố Hữu - Lê Văn Lương - Láng Hạ - Giảng Võ - bến xe Kim Mã.

Với lộ trình qua những con đường có mật độ giao thông đông đúc, thường xuyên ùn tắc nghiêm trọng vào giờ cao điểm, làn ưu tiên bị các phương tiện khác chen lấn; tuyến BRT Kim Mã - Yên Nghĩa được nhiều người đánh giá không hiệu quả khi không còn đủ "nhanh". Trong ảnh, 4 chiếc xe buýt nhanh BRT đứng chôn chân cùng hàng dài phương tiện ùn tắc vào giờ cao điểm trên đường Lê Văn Lương.

Theo tính toán ban đầu, người dân di chuyển toàn tuyến dài 14,77 km sẽ mất khoảng 45 phút nhưng hiện không đáp ứng được tốc độ, thậm chí phải mất gần gấp đôi thời gian đó để di chuyển vào giờ cao điểm.

Trên trục đường Giảng Võ - Lê Văn Lương - Tố Hữu luôn diễn ra cảnh xe máy đi kín làn đường ưu tiên dành cho BRT, đặc biệt vào giờ cao điểm. Cảnh những chiếc BRT nối đuôi nhau cũng thường xuyên diễn ra trên trục đường này.

Các phương tiện lấn làn BRT diễn ra vào nhiều thời điểm trong ngày, đặc biệt là vào giờ cao điểm; những biển báo, vạch kẻ đường và dải phân cách cứng như trở nên vô hình. Theo đúng thiết kế, tuyến buýt nhanh BRT có làn đường ưu tiên riêng, sát với dải phân cách giữa và có dải phân cách cứng phía ngoài, tách biệt với làn các loại phương tiện khác, xe được sơn màu xanh lá. Trên thực tế, chỉ một số điểm dừng đón trả khách mới có dải phân cách cứng phía ngoài, tách biệt làn các phương tiện khác.

Không chỉ lấn làn, nhiều phương tiện còn tạt ẩu vào làn BRT ngay trước đầu xe buýt nhanh, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn.

Tại các nhà chờ, cảnh đìu hiu diễn ra vào nhiều thời điểm trong ngày, thậm chí vào giờ cao điểm sáng - chiều có những nhà chờ chỉ lác đác một vài khách.

Sau nhiều năm vận hành, tuyến buýt nhanh chưa đáp ứng được kỳ vọng, rất khó để thấy cảnh chen chúc trên xe bus nhanh BRT kể cả vào giờ cao điểm.

Thường xuyên sử dụng tuyến buýt nhanh BRT để di chuyển, ông Nguyễn Văn Dũng (phường Thành Công, Ba Đình) chia sẻ: "Tôi lựa chọn buýt nhanh BRT vì nhà cách bến khá gần. Vào giờ cao điểm xe buýt nhanh thường bị ảnh hưởng bởi nhiều người đi vào làn BRT, còn khoảng thời gian còn lại trong ngày xe chạy rất nhanh, ra vào nhà chờ rất tiện và không phải chịu cảnh chen chúc".

Hiện nay, phần lớn hành khách sử dụng tuyến buýt nhanh BRT là học sinh, sinh viên và người cao tuổi... Tạ Ngọc Minh, học sinh trường THPT Trung Văn (quận Từ Liêm), cho biết: "Em sử dụng vé tháng để đi học hàng ngày. Tuyến buýt này khá sạch sẽ, sử dụng rất thích nhưng đã có một số lần trễ học vì làn BRT các xe khác đi vào".

"Vào một vài trường hợp bất đắc dĩ, tôi mới lựa chọn BRT làm phương tiện di chuyển. Hiện làn của BRT bị các phương tiện khác lấn rất nhiều, ảnh hưởng đến tốc độ di chuyển, thậm chí vào giờ cao điểm thì giữa buýt nhanh BRT và buýt thường không còn nhiều sự khác biệt", ông Tuấn (phường Láng Hạ, quận Đống Đa) chia sẻ.

Các xe BRT di chuyển với lượng khách ít ỏi giữa rừng phương tiện cá nhân. Theo mục tiêu đặt ra là thu hút người dân đi xe buýt, từ đó giảm phương cá nhân lưu thông, giảm ùn tắc và giảm ô nhiễm môi trường thì tuyến bus nhanh BRT Kim Mã - Yên Nghĩa chưa đạt được hiệu quả mong muốn. Theo quy hoạch chung thủ đô đang được điều chỉnh, TP Hà Nội sẽ thay thế tuyến buýt nhanh (Bus Rapid Transit - BRT) hiện hữu bằng đường sắt đô thị.

Lộ trình tuyến buýt nhanh BRT. Ảnh: Google maps.

Thế Bằng

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/hien-trang-tuyen-buyt-brt-truoc-de-xuat-thay-bang-duong-sat-do-thi-post1471450.html