Hiện thực hóa trụ cột hợp tác quan trọng Việt Nam - Australia

Ông Andrew Goledzinowski, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Australia tại Việt Nam, nhấn mạnh, thích ứng với biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng là một trong những trụ cột quan trọng trong quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam-Australia.

Ông Andrew Goledzinowski, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Australia tại Việt Nam - Ảnh: VGP/Quang Thương

Ông Andrew Goledzinowski và ông Yi-Hua Lu, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương Công ty Corio Generation (Tập đoàn Macquarie) đã có cuộc trao đổi tại Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ về tiềm năng trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Australia sau khi nâng cấp quan hệ; cơ hội trong hợp tác về điện gió ngoài khơi nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam.

Thích ứng với biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng là một trong những trụ cột quan trọng trong quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Australia

Australia đã trở thành Đối tác Chiến lược toàn diện thứ 7 của Việt Nam. Với tư cách là người trong cuộc, Đại sứ có thể chia sẻ về ý nghĩa của việc nâng cấp quan hệ này?

Ông Andrew Goledzinowski: Việc hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện là kết quả của tiến trình hơn 50 năm hợp tác và nỗ lực. Đây là nỗ lực của tập thể và là một thành tựu. Chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Australia vào hồi đầu tháng này là một trong những chuyến thăm song phương thành công nhất mà tôi từng thấy. Chuyến thăm thể hiện tình hữu nghị ấm áp.

Hai Thủ tướng đã có những thảo luận mang tính xây dựng về nhiều chủ đề và chứng kiến ký kết văn kiện hợp tác mang tính toàn diện. Các văn kiện thể hiện những phạm vi hợp tác giữa hai nước trong tương lai. Hiện nay chúng tôi đang bắt đầu xây dựng kế hoạch hành động để hiện thực hóa các thỏa thuận đó bởi việc thực hiện cũng quan trọng như việc đạt được thỏa thuận cấp cao. Chúng tôi rất vui mừng về tương lai của mối quan hệ giữa hai nước.

Ông có thể chia sẻ thêm về mối quan hệ hợp tác ngày càng lớn mạnh trong lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng giữa Australia và Việt Nam?

Ông Andrew Goledzinowski: Năm ngoái, khi Thủ tướng Albanese đến thăm Việt Nam, ông đã công bố 105 triệu AUD cho khoản hợp tác mới, phần lớn trong số đó sẽ được dành cho phát triển kinh tế vì một tương lai sử dụng năng lượng sạch của Việt Nam.

Hai tháng sau, Bộ trưởng Ngoại giao Penny Wong đến thăm Việt Nam và công bố thêm 95 triệu AUD để hỗ trợ thích ứng với biến đổi khí hậu ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Vì vậy, phần lớn những gì chúng tôi đang phối hợp thực hiện với Việt Nam sẽ nằm trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Chỉ cách đây vài tuần, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Australia, Thủ tướng Albanese đã công bố Quỹ tài trợ đầu tư Đông Nam Á trị giá 2 tỷ AUD, với trọng tâm phát triển cơ sở hạ tầng năng lượng xanh.

Do đó, có rất nhiều khoản hỗ trợ dành cho những mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng giữa Australia và Việt Nam. Cả hai quốc gia đã cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và hai nước có rất nhiều điều học hỏi lẫn nhau trong lĩnh vực này.

Không có gì đáng ngạc nhiên khi việc thích ứng với biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng là một trong những trụ cột quan trọng trong quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước. Chúng ta có cam kết ở cấp độ chính trị, cam kết tài chính và rất may mắn, chúng ta có quan hệ đối tác với khu vực tư nhân, điều này sẽ biến tất cả thành hiện thực.

Ông Yi-Hua Lu có thể chia sẻ về điện gió ngoài khơi và vai trò của điện gió ngoài khơi đối với nền kinh tế Việt Nam?

Ông Yi-Hua Lu: Điện gió ngoài khơi có quy mô lớn nhất trong số các nguồn năng lượng tái tạo được biết đến ngày nay. Khi nhìn vào một tuabin gió ngoài khơi, đường kính của nó có lẽ lớn hơn các sân vận động bóng đá lớn nhất, với đường kính tầm hơn 300 m. Một trang trại điện gió ngoài khơi có công suất hơn 1.000 MW có thể cung cấp năng lượng tái tạo sạch cho hàng triệu hộ gia đình.

Đây là công nghệ hứa hẹn nhất mang lại sự chuyển đổi năng lượng nhanh chóng, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 mà bất kỳ quốc gia nào cũng nên nghiên cứu. Vì việc xây dựng dự án nằm ngoài khơi nên không gặp vấn đề về cạnh tranh sử dụng đất. Đối với một quốc gia như Việt Nam, cũng như nhiều quốc gia khác, điều đó có nghĩa là có thể giải phóng nguồn tài nguyên đất đai khan hiếm để tiếp tục sử dụng vào mục đích khác, chẳng hạn như phục vụ cho dân cư, nông nghiệp...

Xét về tiềm năng, rõ ràng Việt Nam có đường bờ biển rất dài, hơn 3.000 km và có một số nguồn gió ngoài khơi tốt nhất thế giới với vận tốc gió trung bình hơn 10 m/giây.

Theo Quy hoạch điện VIII, công suất điện gió ngoài khơi đến năm 2030 đạt 6.000 MW, định hướng đến năm 2050 đạt từ 70.000 MW đến 91.000 MW. Bản thân Quy hoạch điện VIII đã cho thấy rõ tiềm năng điện gió ngoài khơi đóng góp rất đáng kể vào nguồn năng lượng cho Việt Nam.

Ông Yi-Hua Lu, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương Công ty Corio Generation - Ảnh: VGP/Quang Thương

Thúc đẩy tiềm năng hợp tác lĩnh vực điện gió ngoài khơi

Thưa ông Andrew Goledzinowski, xin ông cho biết cơ hội nào cho Việt Nam và Australia trong hợp tác về điện gió ngoài khơi?

Ông Andrew Goledzinowski: Hai nước có nhiều tiềm năng thúc đẩy hợp tác trên lĩnh vực này. Ông Yi-Hua Lu đã có cuộc gặp kéo dài một giờ với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khi Thủ tướng thăm chính thức Australia. Thủ tướng đã cho phép chúng tôi, về mặt nguyên tắc, bắt đầu đàm phán với các lãnh đạo bộ, ngành liên quan tại Việt Nam để chuẩn bị bước tiếp theo cho hoạt động đầu tư vào lĩnh vực năng lượng gió ngoài khơi. Vì vậy, tuần này chúng tôi đã có cuộc gặp với Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Đặng Hoàng An, lãnh đạo tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên.

Chúng tôi có công nghệ và tài chính để thực hiện dự án và việc tôi tham gia vào các cuộc họp với các bộ, ngành liên quan của Việt Nam không chỉ thể hiện cam kết và hỗ trợ chính trị từ phía Australia mà còn cho thấy chúng tôi muốn xem xét nghiêm túc việc đầu tư tài chính vào dự án đầu tiên này.

Australia là nước đã xây dựng đường dây điện cao thế Bắc Nam đầu tiên ở Việt Nam. Tôi tự tin rằng chúng tôi cũng có thể trở thành nhà đầu tư lớn tiếp theo trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi.

Ông có thể chia sẻ với chúng tôi về dự án điện gió ngoài khơi mà Corio đang phát triển tại Việt Nam, thưa ông Yi-Hua Lu?

Ông Yi-Hua Lu: Tổng cộng Corio đã đề xuất cung cấp 4.500 MW cho các dự án ở các miền Bắc, Trung và Nam Việt Nam. Năm 2019, chúng tôi đề xuất và phát triển dự án phía bắc Bình Thuận, dự kiến có tổng công suất là 3.000 MW.

Dự án này với quy mô 3.000 MW có thể cung cấp năng lượng cho hơn 2,5 triệu hộ gia đình với nguồn điện sạch, đáng tin cậy. Ngoài ra, Bình Thuận, với nguồn tài nguyên gió tuyệt vời, là địa điểm hoàn hảo cho dự án điện gió như vậy. Độ sâu của nước đủ nông để giúp dự án có tính cạnh tranh khá cao về mặt giá cả và khả năng tiếp cận kết nối lưới điện tương đối tốt.

Tỉnh Bình Thuận cũng tương đối gần với một số cơ sở hạ tầng cảng và cơ sở hạ tầng hỗ trợ khác cần thiết để hiện thực hóa dự án này với giai đoạn thử nghiệm có công suất 1.000 MW. Với tiến độ triển khai nhanh, chúng tôi mong muốn sẽ vận hành dự án này vào năm 2030 và qua đó đạt được mục tiêu mà Việt Nam đề ra.

Ông có thể cho biết kế hoạch thực hiện dự án sau khi Tổng công ty Phát điện 3 (EVNGENCO3) và Corio Generation đã ký kết và trao Biên bản ghi nhớ về việc hợp tác phát triển các dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam?

Ông Yi-Hua Lu: Như Đại sứ Andrew đã đề cập trước đó, chúng tôi rất vui mừng ký Biên bản ghi nhớ với EVNGENCO3 thuộc EVN tại Melbourne trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt Australia-ASEAN lần thứ hai.

Chúng tôi cũng có cơ hội gặp Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính để trao đổi về dự án thí điểm và nhận được sự ủng hộ từ Thủ tướng Chính phủ để thực hiện dự án này. Trong bước tiếp theo, chúng tôi đã thành lập một nhóm làm việc ở cả cấp công ty và cấp tập đoàn để xây dựng đề xuất chi tiết hơn; đồng thời mong muốn gửi đề xuất chi tiết này càng sớm càng tốt tới các bộ liên quan để họ đánh giá.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh rằng, chúng tôi cần phải phối hợp với bên liên quan khác tại Việt Nam, bao gồm cả chuỗi cung ứng địa phương. Vì thế tôi tới Việt Nam để gặp mặt lãnh đạo Tập đoàn EVN, cũng như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) với mục đích nghiên cứu về chuỗi cung ứng và chiến lược công nghiệp mà tôi đã đề cập trước đó.

Đây là hợp tác mà đôi bên cùng có lợi. Thứ nhất, dự án này sẽ tạo ra việc làm có giá trị cao ở Việt Nam. Thứ hai, dự án này có thể cho phép chúng ta đưa ra mức giá điện mang tính cạnh tranh nhất có thể.

Thứ ba, chúng tôi sẽ xem xét và xác định rõ ràng những công việc cần phải thực hiện trong khoảng 1-2 năm tới, cũng như lộ trình rõ ràng trong trung hạn từ bước xây dựng tới vận hành dự án này. Từ đó, sẽ cân nhắc khả năng hợp tác với Chính phủ Australia thông qua nhiều nguồn tài trợ khác nhau mà Chính phủ và các đối tác có thể cung cấp cho chúng tôi nhằm đẩy nhanh thực hiện dự án thí điểm này và cố gắng giữ giá cả cạnh tranh nhất có thể.

Vì vậy, chúng tôi thực sự mong muốn được hợp tác chặt chẽ với chính quyền trong thời gian tới và hy vọng dự án sẽ được triển khai kịp thời để cung cấp điện và vận hành vào cuối thập kỷ này./.

Thùy Dung

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/hien-thuc-hoa-tru-cot-hop-tac-quan-trong-viet-nam-australia-10224032718232234.htm