Hiện thực hóa tầm nhìn và khát vọng

Đại thắng mùa Xuân 1975 và chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ luôn khắc sâu trong tâm trí của mỗi người dân Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng với niềm tự hào thiêng liêng. Tinh thần của những chiến thắng đó đã và đang cổ vũ, thôi thúc cả hệ thống chính trị, nhân dân Thủ đô quyết thắng, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, để Hà Nội vươn vai phù đổng, xây dựng Thủ đô 'Văn hiến - Văn minh - Hiện đại'.

Kinh tế phát triển nhanh và bền vững

Trong những ngày tháng 4 lịch sử, Thủ đô Hà Nội khoác lên mình một màu áo mới, rực rỡ cờ hoa trong niềm vui, niềm phấn khởi, hân hoan khi mang trong mình nguyên vẹn thanh âm hào hùng của những ngày tháng năm ấy.

Một góc Thủ đô Hà Nội

Hòa trong niềm vui lớn, không khó để nhận ra Hà Nội ngày càng năng động, hiện đại. Tiếp nối tinh thần đầu tàu gương mẫu, quyết tâm vươn lên, Hà Nội đang tích cực triển khai những mục tiêu trong Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị “về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Qua đó đã tạo ra những kết quả toàn diện trên mọi lĩnh vực công tác của thành phố Hà Nội.

Kinh tế, xã hội Thủ đô tiếp tục phát triển, đạt mức tăng trưởng khá cao, hằng năm đều tăng gấp 1,5 lần so với mức tăng bình quân chung của cả nước. Hà Nội chỉ chiếm 1% diện tích, 8% dân số nhưng đóng góp gần 17% GDP và 20% thu ngân sách của cả nước, là đầu tàu, động lực kinh tế không chỉ trong Vùng Thủ đô mà còn cho cả nước.

Năm 2023 mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức, song Hà Nội đã vững vàng vượt qua và cơ bản hoàn thành mục tiêu tổng quát đề ra; các ngành, lĩnh vực đều phát triển khá. GRDP đạt 6,27% (cao hơn mức bình quân chung cả nước); GRDP bình quân đầu người đạt 151 triệu đồng/người/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; thu ngân sách trên địa bàn đạt 410,51 nghìn tỷ đồng (đạt 116,3% dự toán, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2022); chi ngân sách chuyển dịch theo hướng tích cực, tiết kiệm chi thường xuyên; tổng vốn đầu tư xã hội ước đạt 504,89 nghìn tỷ đồng, tăng 9,0%; vốn FDI đạt 2.874 triệu USD, tăng 62%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng trên 10%...

Riêng trong quý I/2024, thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn Thành phố tăng so với cùng kỳ. Cụ thể, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thực hiện 3 tháng đầu năm 146.877 tỷ đồng, đạt 36% dự toán, tăng 3,9% so với cùng kỳ. GRDP quý I/2024 tăng 5,5%, thấp hơn cùng kỳ năm 2023 (GRDP quý I/2023 tăng 5,81%), các ngành duy trì tăng trưởng cao hơn cùng kỳ, tuy nhiên mức tăng ngành dịch vụ quý I/2024 thấp hơn cùng kỳ.

Ngành du lịch duy trì tăng trưởng khá. Trong quý I/2024, tổng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 1,528 triệu lượt khách, tăng 46,5% so với cùng kỳ năm 2023 (quý I/2023 gấp 2,2 lần). Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 25.487 tỷ đồng, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm 2023. Bên cạnh đó, lũy kế 3 tháng đầu năm 2024, Thành phố thu hút 953,2 triệu USD vốn FDI (tăng 500% so với cùng kỳ năm 2023), trong đó: Có 46 dự án mới với tổng vốn đầu tư đạt 903,9 triệu USD; 31 lượt tăng vốn với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt 21,57 triệu USD và 33 lượt góp vốn, mua cổ phần với giá trị vốn góp đạt 27,77 triệu USD…

Diện mạo của Thủ đô có nhiều thay đổi, ngày càng khang trang. Nhiều công trình, dự án kinh tế, xã hội quy mô lớn, hiện đại đã được hoàn thành. Công tác quy hoạch, quản lý đất đai, quản lý đô thị, trật tự, an toàn giao thông, trật tự kỷ cương đô thị được tăng cường. Nếp sống văn minh đô thị có nhiều chuyển biến tích cực.

Hạ tầng giao thông được xem là điều kiện để thúc đẩy sự kết nối giữa Hà Nội với các địa phương khác và đã có những sự bứt phá về chất và lượng trong thời gian qua, tiêu biểu như các tuyến đường bộ cao tốc cửa ngõ: Láng - Hòa Lạc, Pháp Vân - Cầu Giẽ; Hà Nội - Bắc Giang - Lạng Sơn; Hà Nội - Thái Nguyên; Hà Nội - Hải Phòng, Nội Bài - Lào Cai; Nội Bài - Nhật Tân; Cụm công trình cầu Nhật Tân, đường Võ Nguyên Giáp và nhà ga T2 Cảng hàng không quốc tế Nội Bài.

Đồng thời, việc xây dựng Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô thể hiện quyết tâm của Hà Nội trong việc tăng cường liên kết vùng, đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc đô thị, giúp phát triển hành lang kinh tế, từ đó giúp các địa phương có thể thu hút vốn đầu tư nhờ sự thuận tiện trong giao thông.

Cùng với đó, an sinh xã hội tiếp tục được đảm bảo, tạo nhiều việc làm cho người lao động, các chính sách xã hội được thực hiện kịp thời, đầy đủ, đúng đối tượng. Khoa học và công nghệ được quan tâm, đẩy mạnh. Cải cách hành chính tiếp tục được đẩy mạnh, Hà Nội xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), đạt 91,43%. Đây là năm thứ 2 liên tiếp Hà Nội đạt kết quả này.

Khát vọng xây dựng Thủ đô phát triển xứng tầm

Thủ đô Hà Nội tiếp tục nhận được sự quan tâm của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ban, ngành Trung ương và các địa phương. Dự kiến những văn bản định hướng dài hạn cho phát triển Thủ đô sẽ được xem xét, ban hành (Luật Thủ đô (sửa đổi); Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065), làm căn cứ để Thành phố triển khai thực hiện nhằm khai thác tốt các nguồn lực cho phát triển…

Thực tiễn cũng cho thấy, vai trò, vị thế của Thủ đô Hà Nội ngày càng được khẳng định, thu hút nhiều tập đoàn, nhà đầu tư danh tiếng hàng đầu thế giới và là động lực tăng trưởng quan trọng trong tiến trình hội nhập và toàn cầu hóa của cả nước.

Năm 2024 được xác định là năm tăng tốc thực hiện Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ Thành phố và Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, Thành phố tiếp tục thực hiện chủ đề của năm là “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”. Đây là năm thứ ba liên tiếp Hà Nội chọn chủ đề này với mục tiêu chuyển biến tích cực hơn trong các khâu đột phá, triển khai nhiều nhiệm vụ có tính chiến lược cho sự phát triển, đưa Hà Nội phát triển xứng tầm với vai trò, vị thế của Thủ đô.

Cụ thể, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đang tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp với quyết tâm khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế riêng có để hiện thực hóa khát vọng xây dựng, phát triển Thủ đô ngày càng “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” như Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra.

Quan điểm chỉ đạo của Thành ủy năm 2024 là phát huy những kết quả đạt được và kinh nghiệm đã có, các cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội từ Thành phố đến cơ sở phải tập trung chỉ đạo quyết liệt, sâu sát hơn nữa; tăng cường kiểm tra, giám sát, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo có trọng tâm, trọng điểm, đề cao trách nhiệm, sự gương mẫu của người đứng đầu các cấp; huy động cả hệ thống chính trị để tham gia thực hiện thắng lợi, toàn diện các nhiệm vụ công tác.

Đề cao trách nhiệm trước nhân dân trong quản lý, chỉ đạo, điều hành. Vì vậy, Hà Nội xác định tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, trọng tâm là các lĩnh vực: Quy hoạch, đầu tư, đất đai, xây dựng; thực hiện tốt chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, hệ sinh thái khởi nghiệp, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo. Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, phát triển công nghiệp dựa trên đổi mới công nghệ, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Thúc đẩy phát triển làng nghề theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.

Đồng bộ các giải pháp

Triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển thương mại - dịch vụ, đẩy mạnh xuất khẩu, quảng bá và phát triển du lịch. Tái cơ cấu và phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng, kiểm soát an toàn thực phẩm và tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị.

Trên cơ sở phân tích tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ, nhằm phát huy những kết quả đạt được, Hà Nội đặt mục tiêu GRDP năm 2024 đạt 6,5 - 7%. Theo nhận định của chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, dưới sự lãnh đạo của Thành ủy, sự điều hành quyết liệt của chính quyền Thành phố và sự nỗ lực của các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế và nhân dân Thủ đô, chắc chắn Hà Nội sẽ đạt được chỉ tiêu đề ra.

Phối cảnh nút giao trên đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.

Qua gần 40 năm đổi mới, Thủ đô cùng cả nước đã xây dựng được một cơ sở vật chất phục vụ cho sản xuất và đời sống nhân dân rất to lớn, ngày càng hiện đại và văn minh. Hà Nội có lực lượng lao động lớn, ngày càng phát triển cả về quy mô và trình độ kỹ năng; cùng với đó là hệ thống các trường đại học, dạy nghề tập trung ở Thủ đô, đó là nguồn lực quý giá, động lực để đổi mới sáng tạo cho sự phát triển các lĩnh vực sản xuất, thương mại, du lịch, dịch vụ... của Thủ đô ngày càng lớn mạnh.

“Những nỗ lực của lãnh đạo và nhân dân Thủ đô sẽ phát huy được truyền thống vẻ vang, để hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra, góp phần vào sự nghiệp phát triển đất nước”, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú bày tỏ.

Đồng thời, thành phố Hà Nội tiếp tục đoàn kết, thống nhất, nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, thách thức thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp phát triển Thủ đô. Tập trung phối hợp hoàn thành, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Tiếp tục hoàn thành phê duyệt các quy hoạch chung, quy hoạch vùng huyện và quy hoạch phân khu còn lại, đi đôi với tăng cường quản lý quy hoạch, trật tự xây dựng.

Theo quy hoạch Thủ đô Hà Nội, Thành phố sẽ tập trung hình thành một số cực tăng trưởng mới, từng bước hoàn chỉnh mô hình cấu trúc phát triển Thủ đô, tạo ra chùm đô thị với các thành phố, thị xã trong Thủ đô, các đô thị vệ tinh, khu vực đô thị hình thành theo các tuyến đường vành đai, tuyến đường kết nối nội vùng, liên vùng, tuyến đường sắt đô thị làm đối trọng và giải nén, giảm tải cho đô thị trung tâm, đưa người dân ra các đô thị xung quanh.

Phấn đấu đến năm 2025, có 3 đến 5 huyện phát triển thành quận; đến năm 2030 có thêm 1 đến 2 huyện phát triển thành quận. Hình thành, phát triển các khu đô thị mới theo định hướng đô thị thông minh, đô thị sinh thái, ưu tiên phát triển các đô thị nhỏ (loại V) và vùng ven đô để hỗ trợ phát triển nông thôn; đầu tư phát triển các đô thị có giá trị, tiềm năng về di sản, du lịch...

Đoàn kết, nỗ lực phấn đấu

Thành phố đẩy mạnh cải tạo, chỉnh trang, phục hồi, tái thiết đô thị hiệu quả để nâng cao hiệu quả sử dụng đất; khai thác hiệu quả và bền vững các công trình văn hóa, lịch sử, các không gian công cộng trong phát triển kinh tế đô thị; gắn với bảo tồn, phát huy giá trị cảnh quan, lịch sử, bảo tồn không gian lịch sử văn hóa, truyền thống và cảnh quan, xanh, sạch, đẹp và khang trang tại khu vực nội đô lịch sử. Nâng cao chất lượng dịch vụ đô thị, quản lý và xử lý hiệu quả các vấn đề về nhà ở đô thị, quản lý đất đai, trật tự xây dựng, trật tự và an toàn giao thông, xử lý chất thải, nước thải và bảo đảm vệ sinh môi trường, xây dựng nếp sống văn minh đô thị…

Đáng chú ý, Hà Nội tiếp tục hoàn thiện thể chế phát triển Thủ đô, trọng tâm là hoàn thiện, trình Quốc hội thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi). Trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), các quy định về phân cấp, phân quyền là “hồn cốt” và cơ bản nhất. Việc hoàn thiện phân cấp, phân quyền cần được thực hiện theo hướng cụ thể hóa, rõ thẩm quyền, rõ trách nhiệm; tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho các cơ chế vượt trội, đột phá cho sự phát triển của Thủ đô Hà Nội, để Hà Nội phấn đấu vươn lên ngang tầm với thủ đô các nước phát triển trong khu vực như mục tiêu Bộ Chính trị đề ra.

Ngoài ra, Thành phố cũng sẽ đẩy mạnh cải cách hành chính; sắp xếp bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ; quyết liệt triển khai các đề án sắp xếp tổ chức bộ máy, biên chế, tinh gọn hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Nhiệm vụ trước mắt là Thành phố sẽ triển khai công tác xây dựng Văn kiện Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVIII và Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030. Năm 2024, cùng với dấu mốc Hà Nội cũng sẽ long trọng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), một cột mốc có ý nghĩa to lớn, đánh dấu quá trình vươn lên của Hà Nội từ trong gian khổ đấu tranh, ca khúc khải hoàn đến vinh quang của sự nghiệp đổi mới, hội nhập, xây dựng và phát triển.

Trên những tuyến đường từ nội thành đến ngoại thành giữa lúc đất nước đang lấp lánh niềm vui của ngày giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước, chúng tôi thấy rõ quyết tâm và niềm tin của chính quyền và nhân dân Hà Nội về vượt qua mọi khó khăn, biến thách thức thành cơ hội, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ của năm 2024, góp phần sớm hiện thực hóa khát vọng vươn lên tầm cao mới bằng những quyết sách, hướng đi đúng đắn và hành động quyết liệt.

Phương Ngân

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/hien-thuc-hoa-tam-nhin-va-khat-vong-169623.html