Hiện đại hóa quan trắc môi trường

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 224/QĐ-TTg, ngày 7/3/2024 phê duyệt Quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Ảnh mịnh họa.

Ảnh mịnh họa.

Theo đó, mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia được quy hoạch là một hệ thống mở, liên tục được bổ sung, nâng cấp và hoàn thiện, được kết nối và chia sẻ thông tin từ trung ương đến địa phương với sự quản lý thống nhất của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), có tính chất liên vùng, liên tỉnh, xuyên biên giới.

Các chuyên gia kỳ vọng, qui hoạch lần này sẽ khắc phục được những “điểm nghẽn” về tính liên kết giữa các hệ thống quan trắc môi trường cấp tỉnh, về cung cấp thông tin, dữ liệu quan trắc môi trường và năng lực cảnh báo, dự báo môi trường.

Thời gian qua, hệ thống quan trắc chất lượng môi trường cả nước tiếp tục được đầu tư, phát triển mạnh mẽ để cung cấp, phổ biến thông tin thường xuyên cho cộng đồng theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020. Đến nay, Hệ thống tích hợp dữ liệu quan trắc môi trường quốc gia (Envisoft) đang tiếp nhận và quản lý thống nhất số liệu quan trắc môi trường tự động từ 1.879 trạm quan trắc các địa phương, doanh nghiệp trên cả nước.

Dữ liệu từ các trạm quan trắc được truyền về Envisoft liên tục với tần suất 60 phút/lần, thậm chí 5 phút/lần đã cung cấp chuỗi số liệu liên tục về diễn biến chất lượng môi trường theo thời gian thực, đồng thời công bố thông tin về chất lượng môi trường cho cộng đồng kịp thời và dễ hiểu.

Qua đó, ngành TN&M đã kiểm soát được tới 80% vấn đề môi trường; đảm bảo xử lý đúng thời hạn gần 90% kiến nghị của doanh nghiệp, địa phương nhận được hàng năm. Đặc biệt, tập trung quản lý tốt các cơ sở có nguồn thải lớn, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao (chiếm 20 - 30% số cơ sở sản xuất, kinh doanh nhưng gây ra 70 - 80% các vấn đề môi trường).

Tuy nhiên, trước vấn đề ô nhiễm môi trường nước, ô nhiễm không khí tiếp tục tăng cao đòi hỏi cơ quan quản lý phải có những biện pháp kịp thời, hữu hiệu để giải quyết tình trạng này. Việc nắm bắt được các thông tin, số liệu quan trắc môi trường là một trong những việc phải làm trước tiên đối với các cơ quan quản lý.

Theo các chuyên gia, quy hoạch tổng thể sẽ hoàn thiện mạng lưới quan trắc môi trường để theo dõi diễn biến chất lượng môi trường, kịp thời cung cấp thông tin, dữ liệu và nâng cao năng lực cảnh báo môi trường.

Cụ thể, đến năm 2030, ngoài duy trì 19 trạm quan trắc chất lượng không khí tự động, liên tục đã được vận hành và hoàn thành lắp đặt 18 trạm quan trắc từ quy hoạch trước, Bộ TN&MT sẽ đầu tư, bổ sung mới 31 trạm quan trắc môi trường không khí tự động, liên tục trên cả nước bao gồm: 6 trạm tại 6 vùng kinh tế - xã hội; các điểm quan trắc chất lượng môi trường không khí định kỳ tại các khu vực đông dân cư, khu công nghiệp tập trung nhiều nguồn thải...

Đồng thời, ưu tiên triển khai quan trắc tại các khu bảo tồn thiên nhiên trên phạm vi toàn quốc; mạng lưới quan trắc chất lượng môi trường nước sông, hồ liên tỉnh tại các vị trí đầu nguồn, xuyên biên giới và các điểm giáp ranh, cửa sông, ven biển; thiết lập mạng lưới quan trắc chất lượng nước biển tại các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.

Đến năm 2050, mở rộng các trạm quan trắc chất lượng không khí và chất lượng nước tự động, liên tục ứng dụng các công nghệ hiện đại, các mô hình xử lý thông tin có sử dụng trí tuệ nhân tạo cho hoạt động quản lý dữ liệu quan trắc môi trường phục vụ cho hoạt động cảnh báo, dự báo chất lượng môi trường...

Thiết nghĩ, hoạt động quan trắc, phân tích môi trường là một trong những công cụ không thể thiếu trong quản lý, bảo vệ môi trường. Với Qui hoạch tổng thể đảm bảo tính đồng bộ, tiên tiến, hiện đại và toàn diện, mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia trong thời gian tới sẽ cung cấp đầy đủ hơn hiện trạng môi trường không khí và nước trên phạm vi toàn quốc, giúp cơ quan quản lý điều chỉnh chính sách và đưa ra các giải pháp quản lý, bảo vệ môi trường thiết thực.

Thanh Thảo

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/hien-dai-hoa-quan-trac-moi-truong-post473478.html