Hiểm họa chực chờ từ cầu dân sinh (Bài 1)

Tại TP.Biên Hòa vẫn còn nhiều cây cầu dân sinh bắc ngang các con suối trong khu dân cư, là lối đi lại của đông đảo người dân. Phần lớn các cây cầu này do người dân tự đóng góp kinh phí để xây dựng. Sau nhiều năm 'gồng gánh' lượng lớn người và xe qua lại, cộng thêm dòng nước lũ từ thượng nguồn đổ về vào mùa mưa khiến một số cây cầu quá tải, xuống cấp, không đảm bảo an toàn khi lưu thông mùa mưa lũ.

Bài 1: Thấp thỏm qua cầu mùa mưa

Vào mùa mưa, người dân ở khu vực có các con suối chảy qua rất lo lắng về tình trạng mất an toàn khi phải đi qua những cây cầu dân sinh bắc qua suối vốn thiếu kiên cố.

Cầu Ông Quỳnh (KP.8A, P.Long Bình, TP.Biên Hòa) bắc qua suối Chùa sau khi sập, được người dân dựng tạm lại nhưng đã bị cấm không cho xe cộ qua lại, nên nhiều công nhân phải đi đường vòng xa hơn để đến Khu công nghiệp Amata. Ảnh: P.Liễu

Cầu Ông Quỳnh (KP.8A, P.Long Bình, TP.Biên Hòa) bắc qua suối Chùa sau khi sập, được người dân dựng tạm lại nhưng đã bị cấm không cho xe cộ qua lại, nên nhiều công nhân phải đi đường vòng xa hơn để đến Khu công nghiệp Amata. Ảnh: P.Liễu

Tại TP.Biên Hòa đã từng xảy ra những sự cố như: sập cầu dân sinh, nước cuốn trôi người ở khu vực cầu dân sinh… Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số cây cầu dân sinh đã xuống cấp, không đủ điều kiện an toàn vẫn đang tồn tại, khiến người dân không khỏi lo lắng khi đi qua cầu, nhất là khi trời mưa to, gió lớn.

* "Điểm mặt" hàng loạt sự cố tại các cầu dân sinh

Với thiết kế tạm, nhỏ; thường xuyên quá tải; ít được duy tu, sửa chữa và bị ngập khi lũ tràn về hoặc khi mưa lớn kéo dài… là thực trạng đang diễn ra tại nhiều cây cầu dân sinh trên địa bàn TP.Biên Hòa. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến một số cầu dân sinh bị sập trong thời gian qua.

Mới nhất vào chiều 18-5, cầu Ông Quỳnh bắc qua suối Chùa, nối KP.8A, P.Long Bình với Khu công nghiệp Amata đã bất ngờ bị sập, rất may không có thương vong về người. Đây không phải là cây cầu dân sinh đầu tiên ở Biên Hòa bị sập trong mùa mưa bão, trước đó đã có nhiều vụ sập cầu dân sinh hoặc người lưu thông qua cầu dân sinh bị nước cuốn.

Còn nhớ vụ tai nạn xảy ra tối 18-9-2019 khiến một người đàn ông (50 tuổi, quê ở tỉnh An Giang) bị dòng nước cuồn cuộn cuốn trôi khi lưu thông qua một cây cầu dân sinh bắc ngang suối Tân Cang (P.Phước Tân).

Trước đó, ngày 8-9-2019, cũng sau một cơn mưa lớn, cầu Kim Bích bắc qua suối Săn Máu (nối 2 phường: Hố Nai và Trảng Dài) đã bị nước lũ cuốn gãy lan can và cuốn trôi một ô tô chở 4 người xuống suối Săn Máu. Rất may cả 4 người đã được cứu kịp thời. Cũng tại cầu Kim Bích này, vào tháng 8-2019, một nam thanh niên đi xe máy qua cầu cũng bị nước lũ cuốn trôi tử vong.

Từ năm 2015 đến nay, tại TP.Biên Hòa đã có nhiều trường hợp gặp nạn do bị nước cuốn trôi khi lưu thông qua các cây cầu bắc qua suối Chùa, suối Săn Máu, suối Linh, suối Bà Lúa... trong đó có 5 trường hợp tử vong và một số trường hợp bị nước cuốn trôi được cứu sống. Ngoài ra, trong 5 năm trở lại đây, trên địa bàn TP.Biên Hòa đã xảy ra 4 vụ sập cầu dân sinh và một số vụ thành cầu, mố cầu bị nước cuốn trôi một phần.

Thương tâm hơn, vào đầu tháng 5-2019, trời mưa lớn kéo dài, nước lũ từ thượng nguồn suối Bà Lúa đổ về quá lớn cuốn gãy lan can cây cầu tạm bắc ngang suối Bà Lúa, đoạn chảy qua P.Long Bình Tân, đã cuốn trôi và làm tử vong 2 học sinh lớp 10 Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh khi đi qua cây cầu tạm này...

Ngay khi các vụ tai nạn nói trên xảy ra, chính quyền địa phương đã lên phương án bảo vệ cũng như thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân lưu thông như: lắp đặt biển cảnh báo, gia cố lan can tay vịn, cử người túc trực không để người dân lưu thông khi có mưa lớn, nước ngập… Việc này hạn chế xảy ra tai nạn rủi ro khi đi qua cầu mỗi khi có mưa lớn.

* Vừa đi, vừa lo…

Ngày 23-5, hàng trăm hộ dân ở KP.5 (P.Long Bình) đã có đơn khẩn thiết gửi lãnh đạo UBND phường và UBND TP.Biên Hòa gấp rút cho sửa chữa 2 cây cầu dân sinh có tuổi đời ngót 30 năm - bắc qua suối Linh để người dân yên tâm đi lại trong mùa mưa bão.

Ông Trần Phú Dân, một người dân thường ngày đi làm qua 2 cây cầu dân sinh ở KP.5 (P.Long Bình) cho biết: “Dầm, thành và bề mặt của 2 cây cầu trên có nhiều chỗ bị hư hỏng. Vị trí cây cầu còn ở khu vực rốn lũ nên mỗi khi mưa lớn, chỉ trong chốc lát nước từ các nơi dồn về Suối Linh khiến 2 cây cầu này đều bị ngập sâu, có khi nước ngập cao đến lan can thành cầu, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho người đi lại”.

Một cầu dân sinh ở KP.5 (P.Long Bình, TP.Biên Hòa) có lan can thành cầu bị hư hỏng, gãy mục, chắp vá, không an toàn cho người qua lại mỗi khi mưa lớn

Một cầu dân sinh ở KP.5 (P.Long Bình, TP.Biên Hòa) có lan can thành cầu bị hư hỏng, gãy mục, chắp vá, không an toàn cho người qua lại mỗi khi mưa lớn

Trở lại vụ sập cầu Ông Quỳnh vào ngày 18-5, nhiều người dân sinh sống gần khu vực này cho biết, sự cố gần như đã được báo trước. Ông Điển Văn Trí (ngụ KP.8A, P.Long Bình) cho biết, gia đình ông chuyển đến đây sống hơn 20 năm, khi ông đến đã thấy cầu Ông Quỳnh có từ trước đó. Cây cầu này bắc ngang đoạn suối Chùa dài chừng 10m, rộng 2m, mặt cầu được bê-tông hóa. Những năm gần đây, cầu Ông Quỳnh có dấu hiệu xuống cấp, phần mố cầu bị hư, hai đầu bờ cầu đều bị sạt lở...

“Cầu Ông Quỳnh xuống cấp, dù vừa đi vừa lo, nhưng nhiều công nhân vẫn chọn đi tắt qua cầu để sang Khu công nghiệp Amata nhằm rút ngắn đoạn đường đi lại. Lượng người lưu thông qua cầu rất đông, nhất là vào giờ cao điểm. Trong khi cây cầu thiếu kiên cố lại không được duy tu, bảo dưỡng kịp thời, dẫn đến đổ sập là khó tránh khỏi” - ông Trí nói.

Trong số những con suối chảy qua TP.Biên Hòa thì suối Săn Máu dài 12 km, chảy từ H.Trảng Bom qua một số phường của TP.Biên Hòa rồi đổ ra sông Đồng Nai. Thông tin từ lãnh đạo 2 phường: Trảng Dài và Hố Nai, trên suối Săn Máu đoạn chảy qua 2 phường hiện có khoảng 20 cây cầu dân sinh bắc ngang, chủ yếu tập trung ở các khu vực giáp ranh.

Những cây cầu dân sinh qua suối Săn Máu phần lớn được người dân xây dựng hàng chục năm về trước. Trong đó, một số cây cầu được xem là “điểm đen” nguy hiểm mỗi khi có mưa lớn như: cầu Kim Bích, cầu Lộc Lâm - nằm giáp ranh giữa P.Trảng Dài và P.Hố Nai. Tại 2 cây cầu này đã từng xảy ra nhiều vụ tai nạn khiến người và xe bị cuốn trôi “suýt chết” do bất cẩn đi qua đây khi trời mưa lớn; thậm chí đã có một trường hợp tử vong do bị nước cuốn trôi khi đi qua cầu Kim Bích vào năm 2019.

“Mùa nắng, mấy cây cầu bắc ngang dòng suối Săn Máu trông có vẻ hiền hòa. Song mỗi khi mưa lớn lại là nỗi ám ảnh của rất nhiều người dân. Một số cây cầu nhỏ, nước chảy xiết cuồn cuộn trên mặt cầu, nước trắng xóa “nhấn chìm” cả cây cầu” - ông Phạm Văn Đồng (ngụ tổ 4, KP.4, P.Trảng Dài) cho biết.

Trước thực trạng nguy hiểm chực chờ tại các cây cầu dân sinh, Chủ tịch UBND P.Trảng Dài Nguyễn Thành Dân cho biết, khu vực suối Săn Máu, đoạn qua P.Trảng Dài và P.Hố Nai được xem là “rốn lũ”. Mỗi khi có mưa lớn, nước từ thượng nguồn dồn về rất lớn, uy hiếp sự an toàn của các cây cầu dân sinh. Để bảo đảm tính mạng và tài sản người dân, mỗi khi mưa lớn, phường đều bố trí người trực tại đầu các cây cầu, đặt biển báo nguy hiểm, đặt thanh chắn ngăn người qua lại…

Phương Liễu - Kim Liễu

Bài 2: Bất cập trong quản lý và bảo dưỡng cầu dân sinh

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/bandoc/202307/hiem-hoa-chuc-cho-tu-cau-dan-sinh-bai-1-3172434/