Hết năm 2023, các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách tồn dư hơn 1,4 triệu tỷ đồng

Số liệu này được nêu trong báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch tài chính năm 2023 và dự kiến kế hoạch tài chính năm 2024 của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do trung ương quản lý.

Tại báo cáo này, Chính phủ cho biết, đến cuối 9/2023, cả nước có 22 quỹ Tài chính nhà nước (TCNN) do các bộ, cơ quan trung ương thành lập hoặc được giao quản lý.

Trong số này, 20 quỹ đã đi vào hoạt động, gồm: Quỹ bảo hiểm xã hội, Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, Quỹ bảo hiểm y tế, Quỹ tích lũy trả nợ, Quỹ dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam, Quỹ quốc gia về việc làm, Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam, Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước, Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã, Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá, Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo, Quỹ phòng chống tội phạm trung ương, Quỹ hỗ trợ nông dân trung ương, Quỹ đền ơn đáp nghĩa, Quỹ bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam, Quỹ vắc-xin phòng chống Covid-19 và Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch.

22 quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách dự kiến tồn dư khoảng 1,4 triệu tỷ trong năm 2023

9 quỹ trong nhóm trên có quy mô vốn, nguồn thu và nhiệm vụ chi lớn, gồm: Quỹ bảo hiểm xã hội; Quỹ bảo hiểm thất nghiệp; Quỹ bảo hiểm y tế; Quỹ tích lũy trả nợ; Quỹ dịch vụ viễn thông công ích; Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá; Quỹ bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam; Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; Quỹ vắc-xin phòng Covid-19.

Các quỹ còn lại quy mô nhỏ, phạm vi hoạt động hẹp.

Tính từ năm 2017 (năm Luật Ngân sách nhà nước 2015 có hiệu lực) đến nay, theo Chính phủ, có 03 quỹ TCNN do trung ương quản lý (Quỹ vắc-xin phòng Covid-19, Quỹ phòng chống thiên tai, Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch) được thành lập mới; 01 quỹ đang xây dựng, hoàn thiện các thủ tục để thành và 6 quỹ đang làm thủ tục giải thể, sáp nhập.

Trong các quỹ mới thành lập, Quỹ vắc-xin phòng Covid-19 đã huy động được nguồn lực rất lớn trong thời gian ngắn, đáp ứng nhu cầu cấp bách về nguồn lực mua vắc-xin phòng chống dịch, đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, sớm đạt miễn dịch trong cộng đồng. Chỉ sau 01 tháng đi vào hoạt động, Quỹ đã huy động được 7.963,9 tỷ đồng, lũy kế đến ngày 30/9/2023, Quỹ đã huy động được 10.841,6 tỷ đồng (bao gồm lãi tiền gửi ngân hàng 202,6 tỷ đồng).

Ngoài ra, trong năm 2022-2023, Chính phủ đã quyết định thành lập mới 02 quỹ TCNN là Quỹ bảo tồn di sản Huế và Quỹ hỗ trợ phát triển nghề cá Khánh Hòa. 02 quỹ này hiện Chính phủ giao địa phương trực tiếp quản lý.

Thông tin về tình hình thực hiện kế hoạch tài chính năm 2023 của các quỹ, Chính phủ chia sẻ, tổng số dư đầu năm 2023 của các quỹ khoảng 1.326,1 nghìn tỷ đồng. Trong số này, 03 quỹ do Bảo hiểm xã hội Việt Nam quản lý chiếm 90,5% tổng số dư các Quỹ (gồm Quỹ bảo hiểm xã hội chiếm khoảng 81,2%; Quỹ bảo hiểm thất nghiệp chiếm 4,5%; Quỹ bảo hiểm y tế chiếm 4,8%).

Ngoài ra, Quỹ tích lũy trả nợ chiếm 8%; các quỹ còn lại chiếm tỷ trọng nhỏ dưới 2%, như: Quỹ dịch vụ viễn thông công ích chiếm 0,54%, Quỹ quốc gia về việc làm chiếm 0,34%, Quỹ vắc-xin phòng Covid-19 chiếm 0,23%, Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá chiếm 0,13%...

Đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch tài chính năm 2023, Chính phủ cho hay, tổng số thu của các quỹ ước là 548,4 nghìn tỷ đồng, giảm 0,27% (-1,5 nghìn tỷ đồng) so kế hoạch. Trong đó, kinh phí NSNN cấp và hỗ trợ cho các quỹ là 48,4 nghìn tỷ đồng, gồm: Quỹ bảo hiểm xã hội 47,8 nghìn tỷ đồng, Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia 252,5 tỷ đồng, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia 100 tỷ đồng, Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch 201,3 tỷ đồng.

Tổng chi các quỹ ước 448,6 nghìn tỷ đồng, tăng 0,7% (3,2 nghìn tỷ đồng) so kế hoạch. Chênh lệch thu - chi các quỹ năm 2023 ước 99,8 nghìn tỷ đồng.

Chính phủ dự kiến, số dư các quỹ đến cuối năm 2023 khoảng 1.425,9 nghìn tỷ đồng, tăng 7,5% (99,8 nghìn tỷ đồng) so cuối năm 2022, trong đó số dư của 03 quỹ do Bảo hiểm xã hội Việt Nam quản lý chiếm 91,1% tổng số dư các quỹ.

Kế hoạch năm 2024, Chính phủ dự kiến, tổng thu của các quỹ khoảng 585,3 nghìn tỷ đồng, tăng 6,7% (36,9 nghìn tỷ đồng) so với ước thực hiện năm 2023. Trong đó, nhu cầu cấp và hỗ trợ từ NSNN khoảng 48,9 nghìn tỷ đồng (chủ yếu là để chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH đối với người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH trước ngày 01/01/1995 cho Quỹ bảo hiểm xã hội dự kiến khoảng 48 nghìn tỷ đồng; bổ sung vốn điều lệ cho Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa 250 tỷ đồng, Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia 300 tỷ đồng, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia 132,7 tỷ đồng, Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch 130,8 tỷ đồng).

Tổng chi của các quỹ trong năm 2024 dự kiến khoảng 503,6 nghìn tỷ đồng, tăng 12,3% (55 nghìn tỷ đồng) so ước thực hiện năm 2023. Chênh lệch thu - chi các quỹ dự kiến khoảng 81,7 nghìn tỷ đồng.

Theo tính toán dự kiến của Chính phủ, số dư các quỹ đến cuối năm 2024 khoảng 1.504,4 nghìn tỷ đồng, tăng 5,5% (khoảng 78,5 nghìn tỷ đồng) so cuối năm 2023.

Hiện Bộ Tài chính đang tổng hợp, rà soát bố trí trong phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024 trình Chính phủ trình Quốc hội quyết định đề xuất cấp và hỗ trợ từ NSNN cho các quỹ, bảo đảm đúng chính sách, chế độ và phù hợp khả năng cân đối của ngân sách trung ương năm 2024.

Hải Triều

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/tin-chinh/het-nam-2023-cac-quy-tai-chinh-nha-nuoc-ngoai-ngan-sach-ton-du-tren-14-trieu-ty-dong_155090.html