Hết lòng với người mù

Đó là điều mà cả hội viên lẫn những người quen biết, người từng làm việc nói về ông Nguyễn Văn Khoa (sinh năm 1973), Chủ tịch Hội Người mù huyện Vĩnh Linh. Suốt 28 năm gắn bó với công tác hội, ông luôn trăn trở, tìm cách giúp cho đời sống hội viên ngày một tốt đẹp hơn.

Ông Khoa (bên trái) hướng dẫn hội viên phơi hương - Ảnh: T.P

Ông Khoa từng có một tuổi thơ vui tươi, hồn nhiên giống như nhiều đứa trẻ ở miền quê Vĩnh Long, huyện Vĩnh Linh. Tuy nhiên càng lớn, đôi mắt của ông càng mờ đi, thị lực giảm nhanh một cách bất thường, việc học tập, sinh hoạt cũng vì thế mà trở nên khó khăn hơn. Lúc bấy giờ đi khám nhiều nơi, ông Khoa mới hay mình bị mắc bệnh thoái hóa võng mạc bẩm sinh, không thể điều trị khỏi. “Có thời gian, tôi ở lỳ trong nhà vì mặc cảm, tự ti, không thể đối mặt với sự thật. Nhưng nghĩ cha mẹ phải vất vả làm lụng nuôi mấy anh em trong nhà, tôi lại không đành lòng, tự động viên mình cố gắng học tập, tìm kiếm công việc để ít nhất là có thể nuôi sống bản thân”, ông Khoa nhớ lại.

Năm 1996, sau khi Hội Người mù huyện Vĩnh Linh thành lập, ông được mọi người tin tưởng bầu vào ban chấp hành hội. Tại đây, có cơ hội gặp gỡ, chia sẻ với những người đồng cảnh ngộ, ông Khoa cảm thấy cuộc sống của mình trở nên ý nghĩa, nhiều niềm vui hơn. Nhờ sự nỗ lực trong công tác, năm 2007 ông được tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch Hội Người mù huyện Vĩnh Linh; từ năm 2017 đến nay giữ chức Chủ tịch Hội Người mù huyện.

Trên cương vị của mình, ông Khoa đã tích cực kết nối với các dự án, tổ chức hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất cho hội; vận động hội viên thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các phong trào thi đua ở địa phương.

Đặc biệt, trong suốt 28 năm làm công tác hội, có điều kiện gần gũi với cơ sở, ông Khoa càng hiểu hơn những khó khăn của hội viên. Vì thế, làm gì để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của hội viên luôn là vấn đề khiến ông trăn trở. Năm 2017, ông đưa ra ý tưởng thành lập phòng đồ gia dụng cho hội viên và những người yếu thế trên địa bàn.

Với tinh thần “cũ người mới ta”, những món đồ gia dụng cũ vẫn còn sử dụng được ông đưa về để hội viên có nhu cầu đến lấy về sử dụng. Chỉ sau một thời gian ngắn hoạt động, mô hình nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng của cán bộ, hội viên lẫn đông đảo người dân.

Đến nay, tuy không còn hoạt động nữa song mô hình vẫn được nhiều đoàn thể học tập và làm theo. Những năm sau đó, thông qua hình thức kêu gọi trực tiếp hoặc trên mạng xã hội, ông Khoa cùng cán bộ thường trực hội đã vận động được hàng trăm suất quà gồm tiền mặt và hiện vật trao cho hội viên vào các dịp lễ, tết.

Đồng thời kết nối với các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức xã hội trong và ngoài địa bàn hỗ trợ hội viên xây mới, sửa chữa nhà cửa; hỗ trợ con giống, sinh kế để hội viên có điều kiện vươn lên trong cuộc sống. Chị Lê Thị Hương, hội viên Hội Người mù huyện Vĩnh Linh chia sẻ: “Ông Khoa là người rất tận tâm với hội viên. Ông không nề hà vất vả, dẫn thành viên các dự án, tổ chức hảo tâm đi khảo sát để hỗ trợ sinh kế cho hội viên. Chúng tôi rất quý mến và khâm phục ông”.

Trong thời gian qua, Hội Người mù huyện Vĩnh Linh đã phối hợp mở 5 lớp đào tạo nghề và duy trì hoạt động tổ làm nghề thủ công truyền thống như làm hương, chổi đót, tăm tre... Qua đó tạo việc làm thường xuyên với mức thu nhập từ 1 - 1,4 triệu đồng/ tháng cho nhiều hội viên. Cũng nhờ vậy mà đến nay, tỉ lệ hội viên hộ nghèo giảm đáng kể.

“Phần lớn hội viên người mù đều có hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên thay vì trao “con cá”, chúng tôi trao “cần câu” nhằm giúp họ có cơ hội tìm kiếm việc làm, vươn lên hòa nhập xã hội. Người khiếm thị cũng sẽ được mọi người tôn trọng khi tự chăm sóc, nuôi sống bản thân mình”, ông Khoa bộc bạch.

Với những nỗ lực không mệt mỏi, ông Khoa vinh dự được Trung ương Hội Người mù tặng kỷ niệm chương; 2 lần được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì đã có thành tích trong công tác xây dựng và phát triển hội.

Dù vậy suốt buổi trò chuyện, ông chủ yếu kể về nghị lực vươn lên của hội viên này, câu chuyện thoát nghèo của hội viên khác chứ không chia sẻ nhiều về bản thân mình.

Ông cho hay: “Những cố gắng của tôi chỉ là hạt cát bé nhỏ trên sa mạc rộng lớn, không đáng được nhắc đến. Chỉ cần giúp được cho hội viên là tôi vui và hạnh phúc, mong là mình có đủ sức khỏe để tiếp tục sát cánh, đồng hành với hội viên trên địa bàn”.

Trúc Phương

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/het-long-voi-nguoi-mu-185251.htm