Hệ thống phòng vệ chủ động Drozd 'độc nhất vô nhị' không cứu được xe tăng Nga

Hệ thống phòng vệ chủ động Drozd đã không thể cứu xe tăng T-80UM2 của Quân đội Nga khỏi bị phá hủy trên chiến trường Ukraine.

Báo chí Ukraine đã đăng tải hình ảnh cho thấy chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực T-80UM2 thuộc biên chế Sư đoàn tăng cận vệ số 4 của Quân đội Nga, được tích hợp hệ thống phòng vệ chủ động Drozd bị phá hủy trên chiến trường.

Đây là thông tin gây bất ngờ bởi tổ hợp phòng vệ chủ động (APS) này được quảng cáo sẽ giúp cho chiến xa gần như bất khả xâm phạm trước vũ khí chống tăng của đối phương. Hiện tại chưa rõ tình huống dẫn tới việc chiếc MBT nói trên bị phá hủy.

Quay lại lịch sử, vào năm 1983, hệ thống phòng vệ chủ động Drozd được chính thức biên chế cho Quân đội Liên Xô, nó được lắp đặt trực tiếp trên phiên bản T-55AD để tiến hành đánh giá trong điều kiện thực tế.

Tổ hợp phòng vệ chủ động Drozd trên xe tăng T-55 bao gồm: 2 modul thu phát được bố trí ở bên phải và bên trái bên của tháp pháo; 4 khối đạn đánh chắn được hàn phía dưới các module thu phát, xếp chồng lên nhau góc 20 độ, mỗi khối đảm bảo góc bảo vệ 20 độ.

Các thành phần khác bao gồm: Hệ thống máy tính nằm phía sau của tháp pháo; Trạm điều khiển và bộ đếm thời gian tích hợp; Đầu đạn đánh chặn cỡ 107 mm nổ phá mảnh, kích hoạt theo tín hiệu từ máy tính điều khiển hỏa lực.

Sau khi bật radar theo dõi, module thu phát liên tục xục sạo xung quanh xe tăng. Từ cự ly 330 m, radar bắt đầu phát hiện mục tiêu là đầu đạn chống tăng. Nếu thấy đầu đạn bay về phía xe tăng, đến khoảng cách 130 m, radar sẽ chuyển sang chế độ theo dõi.

Ở chế độ này, máy tính sẽ xử lý các tín hiệu phát ra từ mục tiêu, xác định tốc độ và góc tiếp cận của đầu đạn. Sau đó, máy tính sẽ ước lượng khu vực nào trên xe tăng dự kiến bị đầu đạn bắn trúng, tính toán điểm chạm đầu đạn và ra lệnh phóng đạn đánh chặn.

Vào đúng thời điểm ở khoảng cách 6,7 m đạn đánh chặn sẽ được phóng ra để tiêu diệt đầu đạn chống tăng. Hệ thống phòng vệ chủ động 1030M Drozd trong giai đoạn 1982 - 1983 đã trải qua thử nghiệm thành công cấp Bộ và cấp Nhà nước.

Trong quá trình thử nghiệm đã tiến hành hơn 60 lần đánh chặn thành công với việc sử dụng nhiều loại đạn rocket và tên lửa chống tăng dẫn đường khác nhau, bao gồm cả tên lửa bắn từ trực thăng vũ trang.

Xác suất bảo vệ thành công của hệ thống đối với đạn xuyên cao tốc là 78% và tên lửa chống tăng (bao gồm cả loại phóng từ trực thăng) được quảng cáo lên tới 100%.

Đây là tổ hợp phòng vệ chủ động đầu tiên và duy nhất trên thế giới thời đó được đưa vào trang bị và sản xuất hàng loạt. Với một số thay đổi nhỏ, nó còn có thể được gắn trên các loại xe tăng khác.

Kể từ năm 1984, Drozd được sửa đổi và nâng cấp để lắp đặt trên xe tăng T-62 với tên gọi T2A2. Năm 1989, tổ hợp phòng vệ chủ động T2A2 đã vượt qua thử nghiệm sơ bộ thành công, nhưng sau đó do thiếu kinh phí cho nên dự án phải dừng lại.

Cùng với sự phát triển của những tổ hợp phòng vệ chủ động cho các mẫu chiến xa sau này, từ năm 1995, công tác nghiên cứu, nâng cấp vẫn được diễn ra. Năm 1998, Drozd được tích hợp trên xe tăng chiến đấu chủ lực T-80.

Từ năm 1993, công việc nghiên cứu dự án khoa học Sector-2N nhằm tìm kiếm khả năng trang bị Drozd trên các loại xe cơ giới bọc thép hạng nhẹ cũng thu được những kết quả tích cực.

Mặc dù vậy, do những khó khăn về kinh tế và nhiều nghi ngờ chưa được giải đáp, hệ thống Drozd chỉ được trang bị với số lượng rất nhỏ, chiếc T-80UM2 vừa bị phá hủy chính là cỗ chiến xa duy nhất của Sư đoàn xe tăng cận vệ số 4 tích hợp Drozd.

Bạch Dương

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/he-thong-phong-ve-chu-dong-drozd-doc-nhat-vo-nhi-khong-cuu-duoc-xe-tang-nga-post499065.antd