Hệ thống phòng không S-300 của Slovakia đi đường nào vào Ukraine?

Các nước chia sẻ biên giới chung với Ukraine như Slovakia, Ba Lan và Romania đang là điểm trung chuyển giúp vũ khí NATO được chuyển giao cho quân đội của Tổng thống Zelensky.

Mikolas Csoma là Thị trưởng thị trấn Dobra, nằm gần biên giới giữa Slovakia và Ukraine. Đầu tháng 4, khi trên đường về nhà, xe của ông Csoma phải dừng trước đường ray tàu hỏa.

Thay vì chỉ vài phút như bình thường, thị trưởng Dobra phải đợi gần nửa giờ đồng hồ. "Đó là con tàu dài hơn rất nhiều so với thông thường", ông Csoma cho biết.

Mãi về sau, thị trưởng Donbra mới biết con tàu dài bất thường chở theo hệ thống phòng không S-300 đang trên đường chuyển giao cho Ukraine, theo New York Times.

Đường vào Ukraine

Những tuần vừa qua, Dobra - thị trấn vốn là một nơi tĩnh mịch - trở thành điểm trung chuyển quan trọng các chuyến hàng vũ khí, đạn dược mà phương Tây viện trợ Ukraine. Trong số này, đáng chú ý có hệ thống tên lửa phòng không S-300 của Slovakia.

Bộ trưởng Quốc phòng Slovakia Jaroslav Nad cho biết không ai trong chính phủ có thể tưởng tượng sẽ chuyển giao lượng lớn vũ khí như vậy cho Ukraine, dù chỉ là vũ khí thông thường, chứ chưa kể tới hệ thống tên lửa phòng không uy lực S-300.

"Nhưng thế giới giờ đối mặt một thực tại mới. Chúng ta đang ở đầu chiến tuyến. Chiến sự nổ ra ngay ở biên giới Slovakia. Tình thế giờ đã hoàn toàn khác", ông Nad nói.

Trước khi tham chiến ở Ukraine, hệ thống S-300 được triển khai ở Nitra, thành phố ở phía tây của Slovakia.

 Hệ thống S-300 khai hỏa trong cuộc tập trận ở Hy Lạp năm 2013. Ảnh: AFP.

Hệ thống S-300 khai hỏa trong cuộc tập trận ở Hy Lạp năm 2013. Ảnh: AFP.

Từ Nitra, vũ khí được vận chuyển bằng xe tải và tàu hỏa tới Dobra. Thị trấn Dobra là nơi vẫn duy trì một tuyến đường sắt xây dựng từ thời Liên Xô, vốn có kích thước lớn hơn so với tiêu chuẩn châu Âu nhưng tương tự hệ thống đường sắt của Ukraine. Điều này có nghĩa tàu hỏa có thể đưa vũ khí trực tiếp từ Slovakia vào Ukraine.

Hệ thống phòng không S-300 có kích thước quá lớn, vì vậy chúng chỉ có thể được vận chuyển trên tàu hỏa. Số vũ khí cần tới hai ngày, trên hai chuyến tàu tổng cộng hơn 240 toa, mới có thể từ Dobra vào đến Ukraine dù quãng đường chỉ vài km.

Hệ thống S-300 mà Slovakia viện trợ Ukraine bao gồm 48 tên lửa đất đối không, 4 bệ phóng và các radar dẫn đường tên lửa tới mục tiêu.

Slovakia không chỉ vận chuyển vũ khí của chính nước này cho Kyiv mà còn tham gia vận chuyển vũ khí của nhiều quốc gia khác tới Ukraine, trong đó có Cộng hòa Czech, Australia.

Thậm chí, Bộ trưởng Nad cho biết số vũ khí mà Slovakia giúp chuyển giao còn đến từ "những nước đã tuyên bố sẽ không viện trợ thiết bị quân sự cho Ukraine" như Hungary.

Ngoài Dobra, một điểm trung chuyển khác trên lãnh thổ Slovakia là thị trấn Cierna cũng nằm gần biên giới Ukraine. Trước S-300, Slovakia đã vận chuyển nhiều thiết bị quân sự, đạn dược qua hai thị trấn này.

Ba Lan, quốc gia điểm đến của hàng triệu người tị nạn Ukraine, cũng đang là tuyến đường quan trọng giúp vũ khí của phương Tây vào Ukraine. Các loại tên lửa vác vai như Javelin và Stinger của Mỹ, hay NLAW của Anh, được vận chuyển chủ yếu qua Ba Lan.

Bởi kích thước nhỏ gọn, dễ ngụy trang, số tên lửa có thể được vận chuyển bằng xe tải qua các cửa khẩu giữa Ba Lan và Ukraine.

Dòng thác vũ khí đổ vào Ukraine

Hệ thống phòng không S-300 là loại vũ khí tối tân nhất mà một nước NATO đã chuyển giao cho Ukraine đến nay. Để bù đắp, Mỹ đã viện trợ Slovakia một khẩu đội tên lửa phòng không Patriot.

Tương tự Slovakia, các thành viên NATO khác cũng đang mở rộng phạm vi hỗ trợ quân sự cho Kyiv.

Hôm 13/4, Tổng thống Mỹ Joe Biden phê duyệt gói viện trợ quân sự mới cho Ukraine trị giá 800 triệu USD, trong đó có 17 trực thăng, 300 máy bay không người lái, 500 tên lửa chống tăng Javelin, 200 xe thiết giáp chiến đấu, pháo tầm xa và các loại vũ khí khác.

Cùng ngày, lãnh đạo Lầu Năm Góc nhóm họp với lãnh đạo các nhà thầu công nghiệp quốc phòng của chính phủ Mỹ để thảo luận về cách thức tiếp tục viện trợ vũ khí cho Ukraine.

Cộng hòa Czech đã viện trợ Ukraine nhiều xe tăng T-72, xe thiết giáp bộ binh BVP-1, BMP-1, pháo tầm xa, bệ phóng hỏa tiễn, tên lửa tầm ngắn Strela-10.

Trong khi đó, Đức nhiều khả năng sẽ chuyển giao cho Ukraine 100 xe tăng Leopard 1. Số xe tăng hiện đã có sẵn và chỉ còn chờ chính phủ Thủ tướng Olaf Scholz thông qua.

 Xe tăng Leopard 1 có thể được Đức chuyển giao cho Ukraine trong vài tuần tới. Ảnh: AFP.

Xe tăng Leopard 1 có thể được Đức chuyển giao cho Ukraine trong vài tuần tới. Ảnh: AFP.

Các nước NATO cũng đang tiếp tục thảo luận về khả năng chuyển giao cho Ukraine các vũ khí hạng nặng khác như tiêm kích Mig-29, pháo tự hành Zuzana 2.

Một kế hoạch cũng đang được nghiên cứu là cho phép Ukraine gửi hàng trăm xe tăng bị hư hỏng, không ít trong số này thu được từ quân đội Nga, vào lãnh thổ các nước NATO như Slovakia, Czech, Ba Lan để sửa chữa.

Trước dòng thác vũ khí mà phương Tây viện trợ cho Kyiv, Moscow tuyên bố vũ khí được nước ngoài chuyển vào Ukraine là "mục tiêu" các cuộc tấn công, theo TASS.

Tháng trước, Bộ Ngoại giao Nga cảnh báo không cho phép Slovakia chuyển giao hệ thống phòng không S-300 cho Ukraine. Cuối tuần qua, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố đã sử dụng tên lửa dẫn đường phá hủy hệ thống phòng không S-300 do Slovakia viện trợ. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Slovakia Jaroslav Nad bác bỏ thông tin trên.

Duy Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/he-thong-phong-khong-s-300-cua-slovakia-di-duong-nao-vao-ukraine-post1309886.html