Hệ thống khuyến nông Hà Nội: Cầu nối sản xuất với tiêu thụ nông sản

Thời gian qua, hệ thống khuyến nông Hà Nội đã làm tốt vai trò hỗ trợ chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật đến nông dân, khẳng định vai trò là cầu nối giữa sản xuất với tiêu thụ nông sản, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm.

Không những vậy, các mô hình khuyến nông đã thay đổi tư duy sản xuất của người dân, từ nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất an toàn, từng bước phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững.

Trung tâm Khuyến nông Hà Nội hỗ trợ mô hình trồng nho hạ đen tại xã Đan Phượng (huyện Đan Phượng) cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Thiện Tâm

Có nông dân... là có khuyến nông

Đến nay, nhiều hộ nông dân đã tiếp cận với tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, sử dụng giống mới, công nghệ sinh học, phương thức canh tác tiên tiến để nâng cao chất lượng nông sản, mang lại hiệu quả cao trong trồng trọt, chăn nuôi. Để có được kết quả nêu trên, hệ thống khuyến nông từ thành phố đến cơ sở đã đóng vai trò quan trọng, nhất là trong hỗ trợ nông dân xây dựng các mô hình sản xuất an toàn.

Ông Nguyễn Duy Hùng ở xã Trung Tú (huyện Ứng Hòa) chia sẻ: “Gia đình tôi có 1ha chăn nuôi thủy sản và dù có thâm niên hơn 20 năm nuôi cá thương phẩm, nhưng tôi vẫn luôn lo lắng cá bị dịch bệnh. Được cán bộ khuyến nông hỗ trợ kỹ thuật, từ xử lý nước trong ao nuôi đến cách chọn con giống, chăm sóc cá theo quy trình VietGAP, nên cá lớn nhanh, kháng bệnh tốt. Sau 5 tháng nuôi, đàn cá tăng trưởng tốt, khỏe mạnh, đồng đều, không xảy ra dịch bệnh, năng suất đạt hơn 12 tấn/ha, lợi nhuận cao hơn từ 10% đến 15% so với nuôi cá thông thường”.

Còn ông Kiều Bình Thanh ở xã Tích Giang (huyện Phúc Thọ) cho biết, gia đình ông đã được Trung tâm Khuyến nông Hà Nội hỗ trợ vay vốn, giới thiệu khoa học, kỹ thuật để trồng hơn 1 mẫu hoa ly, cúc và hoa chậu, hoa bầu, hoa treo trang trí, hoa thảm, hoa cắt ghép. Toàn bộ hoa được trồng trong nhà lưới, nên năng suất, chất lượng cao, mỗi năm cho thu hơn 1 tỷ đồng.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương thông tin, thời gian qua, cán bộ khuyến nông ở cơ sở đã làm tốt vai trò tư vấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi và là cầu nối giữa sản xuất với tiêu thụ nông sản. Các tổ khuyến nông đã tăng cường kết nối với nông dân theo phương châm “ở đâu có nông dân, ở đó có khuyến nông”. Nhờ đó, người dân biết cách ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất để xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, gia tăng giá trị sản xuất, hình thành những vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, như: 200 vùng sản xuất lúa tập trung (từ 50ha đến 300ha/vùng); 5.044ha rau an toàn và hơn 50ha rau hữu cơ; gần 50 vùng trồng hoa chất lượng cao…

Kiện toàn hệ thống khuyến nông

Để phát huy những kết quả trên, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất, dịch vụ nông nghiệp Văn Đức (huyện Gia Lâm) Nguyễn Văn Minh cho rằng, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cần tiếp tục đổi mới, xây dựng hệ thống khuyến nông cơ sở đủ mạnh để làm tốt vai trò tham mưu, tư vấn, hỗ trợ phục vụ sản xuất và phát triển nông nghiệp, nhất là chuyển giao nhanh các tiến bộ khoa học, kỹ thuật và liên kết dịch vụ nông nghiệp theo chuỗi giá trị, cho năng suất, chất lượng, hiệu quả, nâng cao đời sống cho người dân.

Còn Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương khẳng định, trung tâm đang tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, ưu tiên các hoạt động xây dựng mô hình trình diễn, đào tạo, tập huấn, nhằm tạo ra các vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo chuỗi giá trị gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, đáp ứng nhu cầu về nông sản an toàn phục vụ thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu. Cùng với đó, trung tâm bám sát cơ sở để nắm bắt các tình huống phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, có các biện pháp xử lý kịp thời; tiếp tục trau dồi kinh nghiệm thực tế phục vụ sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; không ngừng nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ khuyến nông về phương pháp, kỹ năng mới để hỗ trợ nông dân.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, thành phố sẽ củng cố, kiện toàn hệ thống tổ chức khuyến nông theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; kiện toàn hệ thống khuyến nông cơ sở theo mô hình tổ khuyến nông cộng đồng. Hệ thống khuyến nông cũng cần đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ khuyến nông, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động này; phát triển các hình thức hợp tác quốc tế, hợp tác công - tư; tiếp tục đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ tiên tiến để hình thành vùng sản xuất hàng hóa chất lượng cao...

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia Lê Quốc Thanh cho rằng, Hà Nội cần tăng cường năng lực cho hệ thống khuyến nông cơ sở, bởi họ là những người trực tiếp hướng dẫn nông dân sản xuất. Đồng thời, thành phố cần xây dựng đội ngũ khuyến nông cơ sở chuyên nghiệp, vững chuyên môn, có kiến thức thị trường và về liên kết chuỗi…

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/he-thong-khuyen-nong-ha-noi-cau-noi-san-xuat-voi-tieu-thu-nong-san-663857.html