Hệ thống cảnh báo và hỗ trợ thoát hiểm: Hỗ trợ tích cực trong tình huống hỏa hoạn

'Hệ thống cảnh báo và hỗ trợ thoát hiểm trong tai nạn hỏa hoạn' là sản phẩm sáng tạo của nhóm tác giả gồm: giáo viên Nguyễn Thị Minh Lý (giáo viên môn Vật lý) và học sinh Triệu Quang Đăng, Dương Nguyên Trọng, lớp 10A1 (năm học 2022 – 2023), Trường THPT Việt Bắc, thành phố Lạng Sơn. Tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Lạng Sơn năm 2023, đây là 1 trong 2 sản phẩm đạt giải nhì (không có giải nhất) và được lựa chọn tham gia hội thi cấp quốc gia.

Nhóm tác giả Trường THPT Việt Bắc nhận giải tại lễ tổng kết và trao giải Hội thi Sáng tạo kỹ thuật lần thứ 7 năm 2023

Em Triệu Quang Đăng, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết: Có nhiều công trình nghiên cứu về hệ thống phòng cháy, chữa cháy nhưng chủ yếu dừng lại ở việc cảnh báo, dập lửa, thoát hiểm… chứ chưa có công trình nào nghiên cứu để cửa tự mở khi có cháy, giúp thoát hiểm từ bên trong và ứng cứu từ bên ngoài. Các loại khóa trên thị trường đều tập trung vào tính năng chống trộm chứ chưa chú trọng phát hiện sớm các vụ cháy gây ra. Chính vì vậy, từ tháng 8/2022 đến tháng 11/2022, với sự hướng dẫn của cô giáo, chúng em quyết định nghiên cứu “Hệ thống cảnh báo và hỗ trợ thoát hiểm trong tai nạn hỏa hoạn” nhằm phát hiện và cảnh báo cháy sớm, giúp nạn nhân trong các vụ cháy dễ dàng thoát ra ngoài và tạo thuận lợi cho lực lượng chữa cháy dễ dàng vào trong nhà cứu người.

Hệ thống cảnh báo và hỗ trợ thoát hiểm trong tai nạn hỏa hoạn gồm có các bộ phận như: mạch điều khiển trung tâm; bộ phận cảm biến sự thay đổi của môi trường; bộ phận còi và đèn báo; hệ thống thực hiện cuộc gọi báo cháy đến số điện thoại người dùng; hệ thống bảng điều khiển có nút bấm và màn hình led… Trong đó, mạch điều khiển trung tâm có nhiệm vụ nhận và xử lý các thông tin nhập vào từ nút ấn, cảm biến, mạch ngoại vi. Bộ phận cảm biến sự thay đổi của môi trường sẽ phân tích sự thay đổi đột ngột của nhiệt độ, khói, khí gas trong nhà. Khối động lực Servo SG90 nhận tín hiệu từ mạch điều khiển để thay đổi góc quay của động cơ nhằm đóng, mở cửa nhà tự động. Hệ thống còi và đèn báo nhận tín hiệu từ mạch điều khiển và phát âm cảnh báo, bật đèn báo khi có tín hiệu cháy…

Hệ thống cảnh báo và hỗ trợ thoát hiểm trong tai nạn hỏa hoạn có cấu tạo như một bộ khóa cửa điện tử với các nút bấm để thiết lập chế độ, thông tin được hiển thị trên màn hình led. Ở điều kiện bình thường, hệ thống là một thiết bị khóa cửa, mở cửa khi có người nhập đúng mật khẩu, các cảm biến của hệ thống cảnh báo và hỗ trợ thoát hiểm ở chế độ chờ. Khi trong nhà có khói hoặc nhiệt độ tăng lên vượt ngưỡng cho phép (50oc), khí ga rò rỉ, mạch nhận biết sẽ gửi thông tin trung tâm điều khiển. Lúc này trung tâm điều khiển sẽ phân tích dữ liệu thông tin và đưa ra cảnh báo trên loa, gọi điện thoại cảnh báo cho chủ nhà và tự động mở cửa.

Cô Nguyễn Thị Minh Lý, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết: Để kiểm tra khả năng áp dụng và hiệu quả của sản phẩm, chúng tôi đã phối hợp với cán bộ, chuyên gia của Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh thực nghiệm về hiệu quả của sản phẩm cũng như xin ý kiến góp ý trên góc độ chuyên môn. Sau 2 lần chỉnh sửa, nâng cấp hệ thống nguồn điện dự phòng, tăng độ bền cho hệ thống, làm gọn mạch, tăng tính thẩm mĩ, độ an toàn cho người sử dụng sản phẩm đã hoàn thành và phát huy hiệu quả tích cực trong việc cảnh báo và hỗ trợ khi có cháy.

Qua tìm hiểu được biết, chi phí sản xuất Hệ thống cảnh báo và hỗ trợ thoát hiểm trong tai nạn hỏa hoạn khoảng 500.000 đồng/sản phẩm, nếu sản xuất ở quy mô lớn chi phí sẽ thấp hơn. Hệ thống có nhiều ưu điểm như: phát hiện nhanh các tín hiệu cháy, cảnh báo qua còi, gọi điện cho chủ nhà, tự động mở cửa cùng lúc; có phương án dự phòng khi hệ thống gặp sự cố, không bị tê liệt do cháy gây ra trước khi phát được tín hiệu báo cháy và mở cửa.

Thời gian qua trên cả nước cũng như địa bàn tỉnh Lạng Sơn xảy ra nhiều vụ cháy gây thiệt hại về người và tài sản. Việc nghiên cứu và tạo ra Hệ thống cảnh báo và hỗ trợ thoát hiểm trong tai nạn hỏa hoạn không chỉ cảnh báo cho chủ nhà về tai nạn xảy ra mà còn tạo điều kiện thuật lợi cho công tác cứu hộ, thoát hiểm, từ đó giảm thiểu thiệt hại do đám cháy gây ra. Tin rằng, thời gian tới, thiết bị sẽ được quan tâm, phát triển và đưa vào ứng dụng trong thực tế đời sống.

THỤC QUYÊN

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/khoa-hoc-tin-hoc/623077-he-thong-canh-bao-va-ho-tro-thoat-hiem-ho-tro-tich-cuc-trong-tinh-huong-hoa-hoan.html