Hệ lụy từ những hội nhóm 'quái gở' trên mạng xã hội: Tính chất nguy hiểm của tội phạm tăng lên

Đầu tháng 11, tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT), Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử đã cho biết, CQ này đã ngăn chặn 8 hội nhóm 'hướng dẫn tự tử' và 43 hội nhóm 'hướng dẫn bùng nợ' trên mạng xã hội Facebook. Tuy nhiên, ngoài những nhóm nêu trên, thực tế còn rất nhiều những nhóm 'quái gở' hiện vẫn đang hoạt động và gây ra những hậu quả đáng tiếc.

Hai đối tượng cướp ngân hàng ở Đà Nẵng quen nhau qua hội nhóm “vỡ nợ, làm liều”. Ảnh: Công an cung cấp

Thành viên hội nhóm rủ nhau đi cướp

Đơn cử là vụ cướp ngân hàng nghiêm trọng mới đây xảy ra tại Đà Nẵng, cũng bởi những đối tượng vốn là thành viên của một trong những nhóm “Hội những người vỡ nợ muốn làm liều”. Ngày 26/11, CATP Đà Nẵng đã tống đạt các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 2 nghi phạm cướp ngân hàng, sát hại bảo vệ. Theo đó, Nguyễn Mạnh Cường (SN 1988, Quảng Nam) và Trần Văn Trí (SN 2001, TP Đà Nẵng) bị bắt tạm giam về hành vi cướp tài sản và giết người. Lời khai ban đầu của các nghi phạm xác định, khoảng 13h45 ngày 22/11, 2 bị can này chạy xe máy đến phòng giao dịch chi nhánh sông Hàn Ngân hàng TMCP BIDV ở 169 đường Ngũ Hành Sơn (Quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng).

Gặp phải sự ngăn cản của nhân viên, bảo vệ, 2 nghi phạm không lấy được tài sản và tìm cách bỏ chạy. Khi cả hai vừa lên xe máy, người dân và nhân viên ngân hàng đã đạp ngã xe, khống chế bắt giữ được Trí. Còn Cường nhanh chân bỏ chạy. Thấy vậy, bảo vệ ngân hàng là ông Trần Minh Thành lập tức đuổi theo. Khi ông Thành áp sát, Cường đã quay lại dùng dao tấn công và gây thương tích nặng đối với ông Thành khiến ông tử vong tại bệnh viện. Cường bỏ trốn và bị bắt sau đó khoảng 1 tiếng đồng hồ. Sau 5 ngày điều tra, CQ CA xác định, cả hai biết nhau qua hội nhóm "vỡ nợ, làm liều" trên mạng.

Trí kết bạn Facebook với Cường rồi xin Cường cho đến ở nhờ phòng trọ của Cường trên đường Đồng Kè (quận Liên Chiểu). Cả hai chia sẻ cảnh ngộ của nhau, hai đối tượng cùng nhau đánh bạc qua mạng, “thắng cùng hưởng, thua cùng chia”. Do nợ nần, cả 2 rủ nhau đi cướp để kiếm tiền tiêu xài. Các đối tượng lên mạng đặt mua một khẩu súng và chuẩn bị một con dao. Ban đầu cả hai rủ nhau tìm nhà để cướp tài sản nhưng sau đó chuyển qua cướp ngân hàng. Các đối tượng đã lập kế hoạch tinh vi, tìm ngân hàng chỉ có 1 nhân viên bảo vệ và khảo sát, lên sơ đồ các tuyến đường đến ngân hàng và tẩu thoát có ít camera nhất. 5 ngày trước vụ cướp, cả hai dọn sạch đồ đạc khỏi phòng trọ và lên đèo Hải Vân lập "sào huyệt"…

Những ngày sau đó, hai đối tượng di chuyển theo tuyến đường đã lên kế hoạch để làm quen. Đến ngày 22/11, cả hai đã táo tợn thực hiện vụ cướp như đã nêu trên. Thực tế, không chỉ đến vụ án cướp của, giết người tại ngân hàng BIDV ở Đà Nẵng người ta mới thấy có bóng dáng của các thành viên hội nhóm “quái gở” trên mạng xã hội. Mà trước đó, không ít các vụ án nghiêm trọng ghi nhận xuất phát từ chuyện gặp gỡ “đồng chí hướng” của các thành viên của các hội nhóm này.

Trước đó, trong vụ cướp ngân hàng ở huyện Hóc Môn, TP HCM tháng 10/2023, các đối tượng quen biết nhau qua nhóm "Những người vỡ nợ muốn làm liều". Tại CQCA, các đối tượng khai nhận, do cùng lâm vào cảnh nợ nần nên đầu tháng 10, 3 đối tượng thường xuyên nhắn tin trao đổi, bàn bạc nhau đi cướp. Các đối tượng trên không phải là thành viên đầu tiên thực hiện hành vi phạm tội thông qua hội nhóm tiêu cực. Trước đó, tháng 3/2022, trong vụ cướp ngân hàng tại quận Bắc Từ Liêm - Hà Nội, CQCA xác định, các đối tượng đều không có nghề nghiệp ổn định nhưng lại thích ăn chơi, cờ bạc dẫn đến nợ tiền của nhiều người mà không có khả năng trả. Khoảng giữa tháng 2/2022, thông qua nhóm trên mạng xã hội Facebook có tên “Hội những người vỡ nợ muốn làm liều”, các đối tượng nhanh chóng thân quen rồi nảy sinh ý định cướp ngân hàng để lấy tiền trả nợ. Và còn rất rất nhiều những vụ cướp liên quan đến các thành viên trong các hội nhóm bất hảo trên mạng xã hội này.

Tính chất nguy hiểm tăng lên

Về những hội nhóm cùng với những vụ án nghiêm trọng thời gian gần đây, TS – Thượng tá Đào Trung Hiếu, chuyên gia Tội phạm học – Bộ CA cho rằng, các nhóm kín trên mạng xã hội là rất nguy hiểm, kiểu như nhóm "vỡ nợ muốn làm liều". Thành viên tham gia thường là những người không có công ăn việc làm, thu nhập ổn định, đang gặp khó khăn, túng quẫn, ngập trong nợ nần, hoặc các đối tượng nghiện ma túy, cờ bạc cần tiền cho nhu cầu của mình…

Ngoài ra, do hậu quả từ đại dịch, nên kinh tế chưa phục hồi, nhiều DN thiếu vốn, mất đơn hàng, phải đóng cửa, phá sản...dẫn đến tình trạng người lao động mất việc làm, trong khi họ vẫn phải vật lộn với cuộc mưu sinh, lo cơm áo gạo tiền cho bản thân và gia đình. "Bần cùng sinh đạo tặc" – Thượng tá Đào Trung Hiếu chia sẻ. Theo đó, khi đã "vô kế khả thi" thì con người ta rất dễ nảy sinh ý định phạm pháp, hoặc bị lôi kéo vào những hoạt động trái phép để giải quyết các vấn đề cá nhân.

Khi tham gia vào các nhóm kín trên mạng, các thành viên kết bạn và tương tác với nhau. Trong quá trình ấy, những ý tưởng phạm tội từ trộm cắp, lừa đảo, đặc biệt là rủ nhau đi cướp tài sản tại các ngân hàng, cửa hàng tiện ích... có thể nảy sinh. Đối với ý định cướp ngân hàng, theo Thượng tá Đào Trung Hiếu, nếu chỉ có một mình, có thể đối tượng không dám thực hiện, vì thừa biết đó là hành động liều lĩnh, rủi ro rất cao, nguy cơ bị bắt giữ, xử lý hình sự luôn hiện hữu.

Nhưng khi có từ 2 người trở nên, quá trình tương tác, chia sẻ ý định phạm tội, sự có mặt của nhiều người khiến đối tượng củng cố quyết tâm thực hiện tội phạm, tạo ra sự vững tâm cho từng người trong đồng phạm. Bên cạnh đó, khi có hội nhóm, việc chuẩn bị công cụ phương tiện, lên kế hoạch gây án, phân công vai trò, trách nhiệm cho từng người, hoạt động thăm dò, khảo sát địa hình, địa vật, chuẩn bị gây án và che giấu tội phạm... được bàn bạc, tính toán và triển khai bài bản. Do đó, tính chất nguy hiểm của tội phạm tăng lên gấp bội, đe dọa gây ra những hậu quả, thiệt hại lớn hơn hành động mang tính bột phát, đơn lẻ - Thượng tá Hiếu khẳng định.

Những hội nhóm trên mạng xã hội dù là ảo nhưng hệ lụy của chúng có thể là thật. Thông qua tương tác ảo mỗi ngày, cảm xúc tiêu cực lây lan, có thể tạo động lực để nhiều người thực hiện hành vi không đúng, vi phạm pháp luật.

Minh Dương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/he-luy-tu-nhung-hoi-nhom-quai-go-tren-mang-xa-hoi-tinh-chat-nguy-hiem-cua-toi-pham-tang-len-361928.html