Hé lộ uy lực 'khủng' của tên lửa hành trình hạt nhân Nga vừa thử nghiệm

Tuyên bố mới nhất của Tổng thống Putin về việc Nga thử nghiệm thành công tên lửa hành trình hạt nhân tầm xa, có khả năng bay không ngừng nghỉ khắp toàn cầu đã gây xôn xao các diễn đàn quốc phòng quốc tế.

Phát biểu tại hội thảo Valdai vào ngày 6/10, Tổng thống Putin cho biết: “Chúng tôi gần như hoàn thành công việc chế tạo các loại vũ khí chiến lược hiện đại mà tôi đã công bố cách đây vài năm. Đợt thử nghiệm tên lửa hành trình Burevestnik mang đầu đạn hạt nhân và động cơ nguyên tử đã diễn ra thành công”. Tuyên bố này là thông báo đầu tiên về cuộc thử nghiệm thành công tên lửa Burevestnik.

Tên lửa Burevestnik rời bệ phóng trong đợt thử nghiệm năm 2018. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga

Tên lửa Burevestnik rời bệ phóng trong đợt thử nghiệm năm 2018. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga

Ông Putin cho rằng, Burevestnik sẽ khiến bất cứ quốc gia nào có kế hoạch sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại Nga phải suy nghĩ lại. “Nếu có quốc gia nào làm điều đó thì những tên lửa này của chúng sẽ xuất hiện trên không trung khiến họ không có cơ hội sống sót”.

Tuyên bố của Tổng thống Putin đã đưa tên lửa Burevestnik – vốn được giữ bí mật từ lâu trở thành tâm điểm chú ý. Trước đó vào năm 2018, ông Putin lần đầu tiết lộ kế hoạch đầy hoài bão của Nga nhằm phát triển một thế hệ tên lửa xuyên lục địa và siêu thanh mới. Trong số này có tên lửa Burevestnik mà ông Putin mô tả là “tên lửa tàng hình bay thấp mang đầu đạn hạt nhân với tầm bắn gần như không giới hạn, có quỹ đạo không thể đoán trước và có khả năng vượt qua ranh giới của các hệ thống đánh chặn”. Nhưng đến thời điểm hiện tại, tên lửa này vẫn là một bí ẩn.

Uy lực của tên lửa Burevestnik

Burevestnik - trong tiếng Nga có nghĩa “chim báo bão", còn theo định danh NATO là Skyfall. Đây là loại tên lửa hành trình phóng từ mặt đất và bay thấp. Tên lửa này không chỉ có khả năng mang đầu đạn hạt nhân mà còn vận hành bằng năng lượng nguyên tử.

Trong tâm sức mạnh của Burevestnik nằm ở hệ thống đẩy hạt nhân, khiến nó khác biệt với các loại tên lửa thông thường. Động cơ này giúp Burevestnik có tầm bắn xa hơn nhiều so với động cơ phản lực hoặc động cơ phản lực cánh quạt hoặc động cơ đẩy truyền thống, vốn bị giới hạn về lượng nhiên liệu mà chúng có thể mang theo. Động cơ đẩy hạt nhân cho phép tên lửa bay xa và lâu trong không trung, bao phủ khoảng cách lớn trong khi duy trì quỹ đạo khó đoán.

Theo tuyên bố của Nga, Burevestnik có khả năng mang đầu đạn hạt nhân bay vòng quanh thế giới ở độ cao thấp, né tránh các hệ thống phòng thủ tên lửa và phóng đầu đạn vào mục tiêu một cách bất ngờ. Trong quá trình bay, tên lửa liên tục đổi hướng nhằm vòng tránh các hệ thống cảnh báo sớm và phòng không trên biển.

Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) cho rằng, tầm bắn của Burevestnik có thể dao động trong khoảng từ 10.000 đến 20.000 km, nhấn mạnh khả năng nhắm mục tiêu vào nhiều địa điểm trên khắp các châu lục của nó. Tầm bắn này cho phép tên lửa có thể được đặt ở bất cứ đâu trên lãnh thổ Nga để tiếp cận các mục tiêu ở lục địa Mỹ.

Theo IISS, độ cao di chuyển của tên lửa có thể từ 50 đến 100m, thấp hơn nhiều so với tên lửa hành trình chạy bằng năng lượng thông thường, khiến radar phòng không rất khó phát hiện. Chuyên gia quân sự Nga Alexei Leonkov mô tả Burevestnik như một "vũ khí trả đũa", được thiết kế để sử dụng sau Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), đảm bảo khả năng san phẳng các cơ sở hạ tầng quân sự.

Báo cáo của Trung tâm Tình báo Hàng không và Vũ trụ Quốc gia Mỹ năm 2020 cho rằng, nếu Nga triển khai thành công tên lửa Burevestnik thì nước này sẽ có thêm “vũ khí độc nhất vô nhị có khả năng xuyên lục địa”.

Quá trình phát triển tên lửa

Tổ chức phi lợi nhuận Sáng kiến Đe dọa hạt nhân (NTI, Mỹ) cho rằng, Nga nhiều khả năng đã bắt đầu phát triển tên lửa vào năm 2011 và tiến hành các cuộc thử nghiệm vào năm 2016. Trước năm 2019, Nga được cho là đã thử nghiệm tên lửa này 13 lần và đạt được một số thành công nhất định. Vào tháng 2/ 2019, truyền thông Nga đưa tin, chính quyền đã hoàn thành "giai đoạn thử nghiệm lớn" đối với Burevestnik.

Mặc dù có rất ít thông tin về tên lửa này, nhưng dựa trên tuyên bố của quân đội Nga, NATO ước tính, tên lửa có thể dài khoảng 12m với đường kính lên tới 1,5m. Truyền thông Nga cho biết, Burevestnik sử dụng nhiên liệu rắn. Động cơ sẽ đẩy tên lửa trong quá trình bay và àm nóng không khí xung quanh lò phản ứng hạt nhân lên tới 1600°C để đẩy tên lửa.

Các chuyên gia quân sự cho rằng, công việc phức tạp nhất có lẽ là phát triển bộ phận đẩy của tên lửa. Đây là thách thức lớn về mặt kỹ thuật. Vào năm 2019, ít nhất 5 chuyên gia hạt nhân Nga đã thiệt mạng trong một vụ nổ và phát thải phóng xạ trong một cuộc thử nghiệm ở Biển Trắng. Tình báo Mỹ nghi ngờ đây là một phần trong cuộc thử nghiệm tên lửa Burevestnik.

Theo NTI, tên lửa có thể được phóng từ máy bay chiến đấu MiG-31BM của Nga. Đây là phiên bản cải tiến của máy bay đánh chặn siêu thành MiG-31 được dùng để phóng tên lửa Kinzhal.

Các chuyên gia phương Tây từ lâu đã đặt câu hỏi liệu tên lửa có thực sự được đưa vào sử dụng hay không. Vào năm 2019, NTI suy đoán rằng việc triển khai có thể phải mất một thập kỷ nữa. Theo tổ chức này, tên lửa có thể được phóng từ máy bay chiến đấu MiG-31BM của Nga. Đây là phiên bản cải tiến của máy bay đánh chặn siêu thành MiG-31 được dùng để phóng tên lửa Kinzhal.

Việc phát triển Burevestnik và các hệ thống chiến lược mới khác của Nga có thể làm phức tạp thêm các cuộc đàm phán giữa Moscow và Washington về một hiệp ước nhằm thay thế nào cho hiệp ước NEW START để hạn chế số lượng vũ khí hạt nhân mà mỗi bên có thể triển khai. Tương lai của NEW START đang bị đặt dấu hỏi khi Nga ngừng tham gia vào tháng 2/2023. Hiệp ước sẽ hiết hiệu lực vào năm 2026.

Hồng Anh/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/quan-su-quoc-phong/he-lo-uy-luc-khung-cua-ten-lua-hanh-trinh-hat-nhan-nga-vua-thu-nghiem-post1051025.vov