Hãy tìm đến thầy cô bất cứ khi nào các em cần

Để 'chống sốc' cho HS lớp 6, ngoài tư vấn cho phụ huynh những hướng dẫn cần thiết để chuẩn bị cho HS ở giai đoạn chuyển cấp học, cô Phạm Thị Thùy Loan – Phó Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Huệ (Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng) đã có những lời dặn dò rất thiết thực nhân dịp đầu năm học mới.

Cô Phạm Thị Thùy Loan trong một giờ dạy kỹ năng cho HS trường THCS Nguyễn Huệ (Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng)

Giai đoạn lớp 6 được xem là lớp “vỡ lòng” của bậc THCS, thế nhưng, thời gian học nhiều hơn hẳn ở bậc Tiểu học nên các em HS cần quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe. Chính vì vậy, cô Thùy Loan lưu ý HS lớp 6 cần phải “thức dậy sớm, ăn uống đầy đủ trước khi đi học. Mang theo trong cặp sách 4 thứ: nước uống; đồ ăn nhẹ như bánh, kẹo, sữa, các loại hạt...; áo mưa, dù hoặc mũ che nắng mưa và một ít tiền, đủ để mua thêm một hộp sữa nếu cần, đủ để xá xe đạp nếu xịt lốp, đủ để giúp một bạn nào đó nếu bạn đói bụng mà không có tiền quà vặt.

Một tiết học ở bậc THCS có 45 phút, giữa các tiết có giải lao chuyển tiết 5 phút. Sau 2 hoặc 3 tiết có giờ ra chơi 15 phút. “5 phút chuyển tiết, các em cần nhanh chóng xếp sách vở môn học trước, chuẩn bị sách vở môn học sau. Đứng lên vận động tay-chân-thân mình bằng vài động tác thể dục tại chỗ để cơ thể thoải mái, khỏe mạnh. Tranh thủ đi vệ sinh nếu có nhu cầu – cô Thùy Loan dặn dò.

Buổi học đầu tiên, theo cô Thùy Loan, các em HS lớp 6 nên tìm hiểu vị trí: Phòng các thầy cô Ban Giám hiệu, Phòng y tế, phòng Đội, Thư viện, Phòng bộ môn, nhà vệ sinh, căng tin, khu vực nước uống, khu vực bỏ rác, khu vực có vòi nước…

Khác với ở bậc Tiểu học, mỗi môn học ở bậc THCS đều do một giáo viên đảm nhiệm. “Ngay những buổi đầu tiên nên ghi nhớ tên thầy cô, tập trung lắng nghe để quen giọng nói, phương pháp học bộ môn theo cách mỗi thầy cô truyền đạt. Xin số điện thoại hoặc cách liên hệ với thầy cô để hỏi bài thầy cô khi cần”.

Lý giải về điều này, cô Thùy Loan cho biết, lên lớp 6, HS sẽ phải làm quen với một số môn học mới, như môn Vật lý. “Nội dung và phương pháp học của mỗi môn khác nhau, có thể khác nhau ở phương pháp dạy của các thầy cô nữa nên đa số các bạn vừa lên lớp 6 bị ngợp kiến thức, nhiều bạn học rất vất vả. Đây chính là khó khăn lớn nhất của HS lớp 6 cần có sự đồng hành của cả GV và phụ huynh”.

Phương pháp học cũng được cô Phó Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Huệ hướng dẫn tỉ mỉ: Đọc và soạn bài mới trước khi đi học. Tập ghi chép nhanh; bạn nào ban đầu ghi chép không kịp thì tranh thủ 5 phút chuyển tiết mượn vở bạn chép lại. Cố gắng nhớ bài ngay tại lớp để về nhà nhanh học thuộc, giảm bớt được thời gian ôn bài ở nhà.

Cách nhớ bài tại lớp là tập trung lắng nghe, ghi chép hiệu quả, tích cực tham gia phát biểu xây dựng bài…. Ở lớp học chưa hiểu thì hỏi lại thầy cô ngay.

Cô Phạm Thị Thùy Loan cũng lưu ý với HS lớp 6:

Các bạn đến trường để học tập, rèn luyện và trưởng thành. Đó là những mục tiêu chính. Hãy tập trung vào mục tiêu chính. Hãy nỗ lực cho tương lai của chính mình. Sau khi hoàn thành bậc THCS có thể các bạn sẽ không tiếp tục học phổ thông mà bắt đầu học nghề hoặc đi vào cuộc sống, vậy nên đây là lúc các bạn phải tự chuẩn bị những điều cần thiết về sức khỏe, trí tuệ cho bản thân. Đồng hành cùng các bạn là gia đình, thầy cô giáo, bạn bè và cả cộng đồng. Các bạn không đơn độc, các bạn được quan tâm, bảo vệ và yêu thương. Cuối cùng, HS luôn nhớ rằng, khi đến trường, hãy tìm đến thầy cô bất cứ lúc nào khi các em cần sự giúp đỡ, hỗ trợ.

Rất nhiều phụ huynh đã bày tỏ lời cảm ơn về những thông tin bổ ích và cần thiết giúp cho cả phụ huynh và học sinh bớt đi sự bỡ ngỡ trong giai đoạn chuyển bậc học. Chị Đặng Thị Phương Loan cho biết: “Con gái mình năm nay lên lớp 6, mẹ cũng đã tâm sự với con gái nhiều rồi, nhưng chủ yếu cũng chỉ là các mối quan hệ bạn bè, trường mới, lớp mới…, giúp cho con hình dung con sẽ có nhiều bài kiểm tra hơn ở bậc Tiểu học, nay cho con gái đọc những lưu ý của cô giáo Phạm Thị Thùy Loan để giúp con nhanh chóng tự tin hơn, có phương pháp học tập, thích nghi nhanh hơn ở môi trường mới”.

Cô Phạm Thị Thùy Loan cho biết, vấn đề mà khiến các em HS lớp 6 dễ sao nhãng học hành nhất lại là mâu thuẫn trong các mối quan hệ với bạn bè ở lớp mới. Các em có tâm lý muốn khẳng định bản thân với các bạn, kết thân với bạn mới, thích tạo bè nhóm,…và các em rất quan trọng việc được thừa nhận, được là người quan trọng. Trong khi đó sự nhìn nhận về tình bạn, về bản thân và về người khác của các em chưa thật chính xác, còn nhiều sai lệch.

Trái với những điều đó thì các em có thể gặp những vấn đề dễ sang chấn tâm lý, dễ nổi nóng, dễ khóc, dễ có hành vi xấu,mang sự buồn bực về nhà, bất mãn với cả cha mẹ… Năm học 2018 – 2019, Phòng tư vấn tâm lý của trường THCS Nguyễn Huệ đã hỗ trợ tư vấn cho một HS nam rơi vào tình trạng như trên từ giữa HK1 đến giữa HK2 thì em HS này mới thay đổi nhận thức và thay đổi góc nhìn tích cực về các vấn đề từ đó học tập vui vẻ và tiến bộ hơn.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/trao-doi/hay-tim-den-thay-co-bat-cu-khi-nao-cac-em-can-4031705-v.html