Hãy bảo vệ mình khỏi khói thuốc lá thụ động

Nhiều người không hút thuốc lá (TL) nhưng vẫn bị ảnh hưởng bởi khói TL tại nơi công cộng, nơi làm việc, thậm chí tại gia đình. Làm thế nào để không bị hút TL thụ động (HTLTĐ)? Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Long An – Bác sĩ (BS) chuyên khoa II Huỳnh Hữu Dũng có cuộc chia sẻ về nội dung này.

Hãy lên tiếng để không bị hút thuốc lá thụ động làm ảnh hưởng đến sức khỏe

Hãy lên tiếng để không bị hút thuốc lá thụ động làm ảnh hưởng đến sức khỏe

Phóng viên (PV): BS có thể chia sẻ về những tác hại của việc HTLTĐ?

BS Huỳnh Hữu Dũng: HTLTĐ hay còn gọi là hít khói TL thụ động là hình thức hít khói TL từ không khí. Khói TL này do người khác nhả ra chứ không phải do người hít phải trực tiếp sử dụng TL. Tác hại của việc HTLTĐ còn nghiêm trọng hơn nhiều lần so với hút TL trực tiếp.

Trên toàn cầu, khói TL thụ động giết chết 1,2 triệu người mỗi năm, có 64% nạn nhân là phụ nữ và 15% là trẻ em. Tức là, gần 760.000 phụ nữ vô tội và 180.000 trẻ em vô tội chết vì HTLTĐ. Tại Việt Nam, WHO ước tính có gần 40.000 người tử vong do sử dụng TL mỗi năm, có gần 6.000 người chết vì HTLTĐ.

Thống kê của ngành Y tế cho thấy, tỷ lệ phơi nhiễm với khói TL trong nhà lên đến 67% và tại gia đình là 49%. Phụ nữ phơi nhiễm với khói TL thụ động chiếm tới 80%, còn trẻ em 50%.

PV: Gia đình là nơi có nhiều thế hệ sinh sống, trong đó, có người già và trẻ nhỏ. Vậy, việc hút TL trong nhà sẽ gây hại như thế nào, thưa BS?

BS Huỳnh Hữu Dũng: Có 2 lý do chính không nên hút TL trong nhà.

Một là, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của những người xung quanh vì HTLTĐ, nhất là trẻ em và người già sống chung nhà. Theo nghiên cứu, những người hút TL chỉ hít vào khoảng 15% khói TL, 85% còn lại sẽ đưa ra môi trường. Khói TL có chứa tới 4.000 hóa chất độc hại, 69 chất trong số này là hóa chất gây bệnh ung thư như ung thư phổi, vòm họng, ung thư miệng, bệnh đột tử ở trẻ sơ sinh.

Hai là, khói TL ngoài gây ảnh hưởng đến quá trình phát triển trí tuệ ở trẻ thì hành vi hút TL của người thân trong gia đình sẽ tạo ra những thói quen bất lợi, làm trẻ em khi lớn lên dễ tập tành theo, dễ bị nghiện hoặc hút các loại thuốc kích thích khác.

PV: Trong gia đình, nếu hút TL ở phòng riêng thì có được không, thưa BS?

BS Huỳnh Hữu Dũng: Nhiều nghiên cứu chỉ rõ rằng, trong nhà, mặc dù hút TL ở phòng khác vẫn không an toàn cho những phòng còn lại. Để có môi trường sống an toàn, những người hút TL nếu không thể tự giác bỏ TL thì cũng không được hút trong nhà.

Nhiều người cho rằng hệ thống máy điều hòa có thể lọc bỏ khói TL. Trong thực tế, luồng không khí của máy điều hòa mang lại cảm giác thư thái, thoải mái và có vẻ sạch nhưng nó không loại bỏ
được hết các chất độc không nhìn thấy, các chất độc đang bám vào các vật dụng trong phòng cũng như không có khả năng loại bỏ độc tố trong khói TL.

PV: Vậy theo BS, làm thế nào để trong nhà không có khói TL?

BS Huỳnh Hữu Dũng: Hãy dán lên tường hoặc trước cửa ra, vào biểu tượng không hút TL như một cách nhắc nhở lịch sự cho khách tới nhà biết và không sử dụng TL. Tốt nhất, không nên hút TL trong nhà mà ra hẳn khu vực bên ngoài để không ảnh hưởng đến sức khỏe người xung quanh, đặc biệt là trẻ em, người già, người đang có bệnh về hệ hô hấp.

Nếu khách yêu cầu được hút TL trong nhà, chúng ta hãy từ chối. Việc này có thể khiến khách cảm thấy chúng ta không lịch sự nhưng chúng ta có quyền bảo vệ sức khỏe gia đình. Chúng ta cũng nên dạy con trẻ cách lên tiếng khi có người hút TL trong nhà và yêu cầu họ ra ngoài hút TL.

Chúng ta cũng nên vứt bỏ gạt tàn TL. Nếu trong gia đình có người hút TL, hãy khuyên bỏ vì điều này trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe của họ và các thành viên trong gia đình. Tuy nhiên, khi người hút TL chưa thể cai được hoàn toàn, chúng ta cần nghiêm khắc yêu cầu ra ngoài hút TL; đồng thời, giúp đỡ người trong gia đình muốn bỏ TL.

PV: Nơi làm việc cũng có nhiều người hút TL. Làm sao để không hít phải khói TL tại nơi làm việc, thưa BS?

BS Huỳnh Hữu Dũng: Chúng ta có quyền có môi trường không khói TL. Hút TL hay không có thể lựa chọn được, nhưng nhu cầu hít thở thì không. Có rất nhiều cách để bảo vệ mình và những người khác không phải hít khói TL thụ động.

Chúng ta cần nhấn mạnh về quyền được làm việc trong môi trường không khói TL của mình; tỏ thái độ khuyến khích, khen ngợi những cơ sở, khu vực làm việc không khói TL và cho mọi người biết lý do vì sao chọn làm việc ở những nơi như vậy.

Đừng im lặng và chịu đựng khói TL. Nếu khói TL thụ động khiến chúng ta cảm thấy không thoải mái, thậm chí phải ra khỏi phòng làm việc thì hãy cho người quản lý biết điều này và lý do vì sao chúng ta khó chịu.

Theo các nghiên cứu cho thấy, không có một mức độ an toàn nào đối với việc tiếp xúc với khói TL thụ động. Chính vì vậy, Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo rằng, để bảo vệ sức khỏe cộng đồng khỏi tác hại của khói TL thụ động thì bầu không khí trong nhà và nơi làm việc phải hoàn toàn không có khói TL.

PV: BS có lời khuyên gì cho những người đang hút TL?

BS Huỳnh Hữu Dũng: TL không chỉ gây hại bản thân người sử dụng mà cả những người xung quanh. Chính vì vậy, cai TL càng sớm càng tốt để có được cuộc sống tốt đẹp hơn.

Nếu không thể cai nghiện TL một cách nhanh chóng thì hãy hạn chế hút TL ở nơi công cộng, nơi làm việc hay ở nhà, nhất là không hút TL trước mặt phụ nữ mang thai và trẻ em.

Việc cai TL vẫn là điều cần thiết. Hiện nay, có nhiều cách cai nghiện TL khác nhau và mang lại hiệu quả cao. Người muốn bỏ TL hãy đến các cơ sở y tế để được tư vấn cách cai nghiện TL.

PV: Xin cảm ơn bác sĩ!./.

Thanh Bình

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/hay-bao-ve-minh-khoi-khoi-thuoc-la-thu-dong-a161485.html