Hậu quả do biến đổi khí hậu sẽ ngày càng thảm khốc

Biến đổi khí hậu biểu hiện chính là sự nóng lên toàn cầu và mực nước biển dâng đã tạo nên rất nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan với cường độ lớn hơn và khó dự báo hơn trước.

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa đưa ra thông điệp Ngày Khí tượng Thế giới 23/3 với chủ đề "Khí tượng thủy văn (KTTV) tiên phong ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH)".

Ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, BĐKH là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại trong thế kỷ XXI vì BĐKH đang ảnh hưởng trực tiếp đến hệ sinh thái, tài nguyên môi trường và cuộc sống của con người và thực sự là mối hiểm họa không thể phủ nhận đối với toàn bộ nền văn minh nhân loại. Đặc biệt trong bối cảnh Biến đổi khí hậu (BĐKH) hiện nay - với biểu hiện chính là sự nóng lên toàn cầu và mực nước biển dâng đã tạo nên rất nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan với cường độ lớn hơn và khó dự báo hơn trước.

Biến đổi khí hậu đang ngày càng khốc liệt, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống.

Những hậu quả do BĐKH sẽ ngày càng thảm khốc hơn nếu chúng ta không hành động kịp thời ngay từ bây giờ và thực sự rất cần thiết phải có sự vào cuộc kịp thời của các Cơ quan Khí tượng Thủy văn trên toàn thế giới. Các thông tin số liệu thoe dõi, giám sát và dự báo thời tiết, cảnh báo thiên tai chính xác, kịp thời có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với mỗi người dân, chính phủ trong việc ứng phó với các loại hình thiên tai nhằm giảm thiểu rủi ro thiên tai gây ra và đưa ra các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội phù hợp, đảm bảo các mục tiêu phát triển bền vững mà Liên hợp quốc đã đề ra.

Ngày Khí tượng Thế giới 23/3 năm nay được Tổ chức Khí tượng thế giới phát động với chủ đề "Khí tượng thủy văn tiên phong ứng phó biến đổi khí hậu". Thông qua chủ đề này, WMO muốn nhấn mạnh thông điệp trọng tâm 2024 là công tác Khí tượng thủy văn đóng vai trò tiên phong, hết sức quan trọng và không thể thiếu trong ứng phó biến đổi khí hậu và thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững.

Khẩu hiệu cùng nhau trong tiên phong ứng phó với biến đổi khí hậu thể hiện cụ thể hơn là cộng đồng khí tượng thủy văn có nhiệm vụ thu thập, chia sẻ, phân tích dữ liệu về thời tiết, nước, môi trường qua đó giúp cho chúng ta hiểu được những gì đã và đang xảy ra với khí hậu hiện nay. Khí tượng thủy văn không chỉ cung cấp thông tin nhằm hỗ trợ các hoạt động giảm nhẹ biến đổi khí hậu, mà quan trọng hơn là triển khai hệ thống cảnh báo sớm, đây là vấn đề then chốt trong công tác thích ứng, giảm nhẹ rủi ro thiên tai, hướng đến một thế giới an toàn và tốt đẹp hơn.

Ngày Khí tượng Thế giới ra đời vào ngày 23 tháng 3 năm 1950, kể từ khi Công ước thành lập Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) có hiệu lực. Công ước này thể hiện sự đóng góp thiết yếu của các Cơ quan Khí tượng Thủy văn quốc gia đối với sự an toàn và thịnh vượng của xã hội.

Mục tiêu Phát triển Bền vững số 13 "Thực hiện hành động khẩn cấp để chống lại biến đổi khí hậu và các tác động của BĐKH" được Liên Hợp Quốc thông qua và cam kết rằng Mục tiêu này là nền tảng hỗ trợ việc thực hiện tất cả các Mục tiêu Phát triển Bền vững khác. Các hoạt động của WMO và các nước thành viên có ý nghĩa quan trọng và không thể thiếu trong ứng phó biến đổi khí hậu và thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững.

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) sẽ luôn là tổ chức tiên phong ứng phó biến đổi khí hậu, tận dụng kiến thức và am hiểu chuyên môn để vượt qua thách thức và đạt được sứ mệnh chung trên hành trình hợp tác và đổi mới về một thế giới an toàn hơn, chống chịu tốt hơn trước thiên tai và là nền tảng cho thế hệ tương lai.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/hau-qua-do-bien-doi-khi-hau-se-ngay-cang-tham-khoc-169240318152215196.htm