Hậu phương vững chắc của người lính Biên phòng

Trong chuyến công tác tại Thanh Hóa, tôi được nghe nhiều câu chuyện về những việc làm nhân văn sâu sắc của BĐBP với nhân dân ở khu vực biên giới. Cùng với đó, nhiều địa phương đã huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và nhân dân chung tay, góp sức hỗ trợ các đồn Biên phòng cả về vật chất lẫn tinh thần. Câu chuyện Đồn Biên phòng Pù Nhi, BĐBP Thanh Hóa được sự hỗ trợ, đỡ đầu của chính quyền, nhân dân 2 huyện Cẩm Thủy, Thiệu Hóa và Sở Giao thông vận tải tỉnh Thanh Hóa là một ví dụ điển hình.

Thiếu tá Bùi Xuân Ngãi (thứ 2, từ phải sang) nói chuyện truyền thống với các cán bộ tại Phòng Hồ Chí Minh của Đồn Biên phòng Pù Nhi, do cán bộ, nhân dân 2 huyện Cẩm Thủy và Thiệu Hóa hỗ trợ xây dựng với số tiền trên 2 tỷ đồng. Ảnh: Lê Khoa

Đồn Biên phòng Pù Nhi đóng quân tại bản Na Tao, xã Pù Nhi, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa. Đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ 8 mốc quốc giới trên đoạn biên giới dài 21,839km thuộc địa bàn 2 xã Pù Nhi, Nhi Sơn, huyện Mường Lát; tiếp giáp với cụm Nậm Ngà, huyện Viêng Xay, tỉnh Hủa Phăn, Lào; điều kiện sinh hoạt, đi lại gặp nhiều khó khăn. Thấu hiểu sự vất vả của BĐBP, những năm qua, cấp ủy, chính quyền, nhân dân 2 huyện nội địa là Cẩm Thủy, Thiệu Hóa và Sở Giao thông vận tải tỉnh Thanh Hóa luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Đồn Biên phòng Pù Nhi.

Đồng chí Lê Văn Trung, Bí thư Huyện ủy Cẩm Thủy chia sẻ: Phần lớn CBCS BĐBP đóng quân ở nơi biên giới, hải đảo; công tác, chiến đấu, sinh hoạt ở những nơi xa xôi, hẻo lánh, môi trường khắc nghiệt, điều kiện sinh hoạt có nhiều khó khăn; nhiệm vụ của các đồng chí rất nặng nề, phải xa gia đình, vợ con. Điều kiện để quan tâm, chăm sóc gia đình rất hạn chế, nhưng ở đâu CBCS BĐBP cũng gắn bó máu thịt với nhân dân các dân tộc, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với đồng bào.

Những đợt huyện tổ chức đoàn lên thăm đơn vị và tìm hiểu thực tế ở địa bàn đóng quân, chúng tôi càng cảm kích từ những việc làm thiết thực của CBCS Đồn Biên phòng Pù Nhi, nhất là trong công tác dân vận, có nhiều mô hình, cách làm sáng tạo. Điển hình như trong thời gian cao điểm của dịch Covid-19, đơn vị đã triển khai nhiều chốt kiểm soát trên biên giới, nhờ đó đã ngăn chặn có hiệu quả dịch bệnh lây lan qua biên giới; hoặc khi đồng bào gặp khó khăn, hoạn nạn, CBCS đơn vị đều chung tay giúp đỡ, hỗ trợ. Những công việc đời thường của BĐBP đã khắc sâu câu nói thân thuộc "Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt".

Hằng năm, Ban Thường vụ Huyện ủy Cẩm Thủy đều thống nhất chủ trương giao UBND huyện xây dựng kế hoạch và bố trí nguồn lực để thăm hỏi, giúp đỡ về tinh thần và vật chất đối với CBCS các đồn Biên phòng. Lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện và các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động các cấp, các ngành, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân thấy được trách nhiệm chăm lo xây dựng lực lượng BĐBP vững mạnh, xây dựng nền biên phòng toàn dân ngày càng vững chắc.

Cán bộ Đồn Biên phòng Pù Nhi dạy chữ cho đồng bào trên địa bàn. Ảnh: Đơn vị cung cấp

Thiếu tá Bùi Xuân Ngãi, Chính trị viên Đồn Biên phòng Pù Nhi cho biết: “Vào dịp lễ, Tết, Ngày Truyền thống BĐBP 3/3 hằng năm, các đơn vị đỡ đầu đều thành lập đoàn lên thăm và động viên CBCS đơn vị, có những hoạt động hướng về biên giới, dành những phần quà có ý nghĩa cho CBCS và nhân dân trên địa bàn đơn vị đóng quân. Một trong những công trình ý nghĩa nhất là cán bộ, nhân dân 2 huyện Cẩm Thủy và Thiệu Hóa đã xây dựng Phòng Hồ Chí Minh tặng Đồn Biên phòng Pù Nhi, với số tiền trên 2 tỷ đồng.

Cùng với đó, thời gian qua, huyện Cẩm Thủy phối hợp thực hiện tốt công tác chính sách hậu phương quân đội, quan tâm gia đình cán bộ đang công tác trong BĐBP tỉnh để các CBCS yên tâm công tác; tiếp nhận và bố trí công việc phù hợp với vợ, con của cán bộ BĐBP để có điều kiện chăm sóc gia đình. Điển hình, năm 2020, huyện Cẩm Thủy đã tiếp nhận vợ Thiếu tá Cao Đình Xuân, Chính trị viên Đồn Biên phòng Hiền Kiệt, là giáo viên đang dạy tại địa bàn huyện Mường Lát, được chuyển về gần gia đình công tác".

Tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Ngày Biên phòng toàn dân do UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức vừa qua, đồng chí Lê Văn Trung khẳng định: “Tự hào về lực lượng BĐBP, những năm tới, huyện Cẩm Thủy tiếp tục quán triệt và đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng về ý nghĩa và giá trị nhân văn, những thành tích, chiến công của BĐBP nói chung, BĐBP Thanh Hóa nói riêng tới người dân trên địa bàn. Huyện sẽ huy động các nguồn lực đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ biên giới quốc gia”.

Đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa chia sẻ: Chúng ta ở thành thị chưa thấy hết được sự gian nan, vất vả của lực lượng tuyến đầu, nhất là khu vực biên giới, biển, đảo... nên tất cả những việc mà chúng ta làm cho quân và dân biên giới không bao giờ đủ. Vì vậy, tôi rất mong các hoạt động đỡ đầu phải thực chất, đúng nghĩa là nơi nào có điều kiện hơn thì phải hỗ trợ nơi chưa có điều kiện. Tránh tình trạng coi đây là nghĩa vụ, mà phải coi đây là trách nhiệm, là tình cảm thì mới trọn vẹn. Lúc nào trở thành trách nhiệm là tình cảm sẽ thôi thúc mình làm. Còn coi đó là do phân công, là nghĩa vụ thì sẽ không bao giờ trọn vẹn...

Lê Khoa

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/hau-phuong-vung-chac-cua-nguoi-linh-bien-phong-post473225.html