'Hạt nhân' phát triển mới ở bờ Bắc sông Hồng

Hệ thống hạ tầng kỹ thuật và bộ mặt đô thị của huyện Gia Lâm đang đổi thay từng ngày theo hướng đồng bộ, văn minh, hiện đại, với nhiều siêu dự án bất động sản đình đám, hướng tới thời điểm chính thức trở thành quận nội thành của Thủ đô Hà Nội sớm nhất trong năm 2024.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng kiểm tra thực địa Dự án đường Vành đai 4

20 năm “tích tụ nội lực”

Nằm ở cửa ngõ phía Đông của thành phố Hà Nội, với nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch, trọng điểm, kết nối các tỉnh, thành phố, trung tâm kinh tế lớn của miền Bắc, có nhiều cụm công nghiệp và làng nghề nổi tiếng, Gia Lâm đã có thời gian dài “tích tụ nội lực” để chuyển mình thành một quận nội thành Hà Nội. Cần nhớ lại, 20 năm trước, ngày 6-11-2003, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 132/2003/NĐ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính để thành lập quận Long Biên thuộc thành phố Hà Nội với phần đô thị tinh túy nhất của huyện Gia Lâm ngày ấy. Và, sau 20 năm, phần địa giới hành chính còn lại của Gia Lâm thời điểm đó giờ cũng đã bắt kịp “người anh em” Long Biên để cùng trở thành quận nội thành của Thủ đô Hà Nội.

Khó có thể kể hết những nỗ lực và khối lượng công việc khổng lồ của một huyện ngoại thành trong quá trình đô thị hóa kéo dài 20 năm qua. Chỉ trong giai đoạn 2021 - 2030, có gần 200 dự án hạ tầng đang và sẽ được đầu tư ở Gia Lâm. Thành tựu phát triển vượt bậc của Gia Lâm hôm nay gắn liền với sự đầu tư lớn của Chính phủ, thành phố đối với hệ thống hạ tầng đô thị trên địa bàn cũng như hàng loạt dự án bất động sản quy mô lớn được các doanh nghiệp triển khai xây dựng như Khu biệt thự Hoa Viên; Vinhomes Ocean Park; Hanhomes Blue Star; Gia Lâm Central Metropolitan; Masteri Waterfront Ocean Park; Phân khu The Pavilion Gia Lâm và Eurowindow Twin Parks Gia Lâm. Trước đó, “siêu dự án” nhà ở xã hội Đặng Xá đã được triển khai rầm rộ từ hơn 10 năm qua, luôn là điểm sáng về nhà xã hội trên địa bàn Thủ đô…

Hệ thống hạ tầng kỹ thuật và bộ mặt đô thị của huyện Gia Lâm đang đổi thay từng ngày

Hình thành 3 vùng phát triển chính

Gia Lâm hôm nay có diện tích tự nhiên 116,64km2, bao gồm 22 đơn vị hành chính (2 thị trấn và 20 xã). Dân số trung bình (năm 2022) là 299.757 người. Tỷ lệ đô thị hóa 22,14%. Sắp tới, toàn bộ phạm vi hành chính hiện hữu của huyện sẽ được nâng cấp lên thành quận với tên gọi dự kiến là quận Gia Lâm. Quận mới gồm 16 đơn vị hành chính (phường) sau sáp nhập. Dự kiến quy mô dân số đến 2030 là 450.000 người và năm 2050 là 550.000 người. Tỷ lệ đô thị hóa trên 90%.

Trao đổi với An ninh Thủ đô, đại diện Ủy ban nhân dân huyện Gia Lâm cho biết, sau khi lên quận theo lộ trình, Gia Lâm sẽ là quận cửa ngõ kết nối Thủ đô với khu vực phía Đông và Đông Bắc bộ gồm Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh và Lạng Sơn… Cùng với đó, quận Gia Lâm mới là nơi tập trung các công trình đầu mối giao thông (đường bộ, đường sắt, đường thủy) và hạ tầng kỹ thuật của quốc gia và thành phố; trung tâm trung chuyển hàng hóa, trung tâm dịch vụ chất lượng cao phục vụ phát triển công nghiệp phía Đông Hà Nội. Gia Lâm cũng là trung tâm nghiên cứu khoa học, ứng dụng chất lượng cao, trung tâm dịch vụ y tế, giáo dục cấp vùng phía Đông Bắc Hà Nội.

Phối cảnh đô thị quận Gia Lâm với trọng tâm là đầu mối logistic

Với vị thế là cửa ngõ phía Đông Bắc của Thủ đô Hà Nội, việc được lên quận trong năm 2024 sẽ là động lực để Gia Lâm phát triển mạnh mẽ hơn nữa, khẳng định vai trò quan trọng trong sự phát triển chung của Thủ đô. Đại diện Ủy ban nhân dân huyện Gia Lâm chia sẻ, Gia Lâm định hướng phát triển thành trung tâm thương mại và logistic lớn ở cửa ngõ phía Đông Hà Nội gắn với các tuyến đường sắt, đường thủy quan trọng của vùng với hệ thống ga hàng hóa, cảng container nội địa, trung tâm thương mại và siêu thị lớn, chợ đầu mối nông sản; vùng sản xuất công nghiệp lớn kết hợp với các làng nghề truyền thống đặc sắc; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất giống và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, sinh học. Gia Lâm cũng sẽ là trung tâm trung chuyển hàng hóa, trung tâm nghiên cứu khoa học, ứng dụng chất lượng cao, trung tâm dịch vụ y tế, giáo dục cấp vùng phía Đông Bắc Hà Nội.

Về phát triển không gian, Gia Lâm sẽ được chia thành 3 vùng phát triển chính: Bắc sông Đuống, Nam sông Đuống và vùng ven sông Hồng. Trong đó, Bắc sông Đuống sẽ đóng vai trò khu vực phát triển mới của đô thị trung tâm; Nam sông Đuống là trung tâm công nghiệp, dịch vụ, hạ tầng giao thông của Thủ đô; còn vùng ven sông Hồng sẽ được bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa, lịch sử đặc sắc.

Phối cảnh một nút giao trên Vành đai 4 - Vùng Thủ đô

Gia Lâm chính thức “chuyển mình”

Nhìn nhận về việc thành lập quận Gia Lâm, Trưởng ban Pháp chế, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội - ông Duy Hoàng Dương khẳng định: “Phù hợp với hiện trạng phát triển và tốc độ đô thị hóa của huyện trong thời gian qua; phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và các quy hoạch chuyên ngành khác”.

Đây cũng là một trong những tiền đề nhằm cụ thể hóa mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố “xanh - văn hiến - văn minh - hiện đại” xứng tầm là một trong những trung tâm chính trị - kinh tế, du lịch, thương mại - dịch vụ của khu vực châu Á - Thái Bình Dương; thành phố “Kết nối toàn cầu” theo Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị; đồng thời đáp ứng nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trên địa bàn huyện Gia Lâm. Dù vậy, dư luận còn chưa rõ về lộ trình, mốc thời gian cụ thể để Gia Lâm chính thức “chuyển mình” sau khi Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã thông qua chủ trương thành lập quận Gia Lâm và các phường trực thuộc. Bao giờ thành phố mới hoàn thiện hồ sơ, trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định theo quy định? Ngoài ra, cùng với việc lên quận, tốc độ đô thị hóa của Gia Lâm sẽ ngày càng nhanh hơn, diện tích đất nông nghiệp chắc chắn sẽ bị thu hẹp dần, vậy phương án nào để nâng cao đời sống, đảm bảo chuyển đổi nghề nghiệp, duy trì sinh kế cho người sản xuất nông nghiệp trong giai đoạn tới? Cùng đó, còn hàng loạt mối lo về ngăn chặn và xử lý các vi phạm đất đai, xây dựng; những tồn tại trong quản lý đất công, đất nông nghiệp; đảm bảo vệ sinh môi trường hay giữ gìn, phát huy giá trị của các di sản văn hóa, di tích lịch sử và các giá trị truyền thống tốt đẹp của địa phương…

Nhiều siêu dự án bất động sản tầm cỡ đã có mặt ở Gia Lâm

Theo số liệu thống kê, tính đến hết 2022, đất sản xuất nông nghiệp của huyện Gia Lâm còn tới 4.922ha, chiếm hơn 42% tổng diện tích đất của huyện. Thời gian qua, tỷ trọng ngành nông nghiệp ngày một giảm nhưng giá trị sản xuất nông nghiệp vẫn có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện hiện nay và định hướng đến năm 2030. Đơn cử, năm 2023, chăn nuôi vẫn chiếm tỷ trọng lớn tại các xã có vùng nông nghiệp ổn định (trong đó, 4 xã Phù Đổng, Trung Mầu, Lệ Chi, Văn Đức là những xã chăn nuôi trọng điểm nằm trong đề án của thành phố), ngoài ra có Dương Quang, Yên Thường, Kim Sơn vẫn còn tổng đàn lớn. Tuy nhiên, theo Quyết định 18/2023/QĐ-UBND ngày 31-8-2023 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành quy định mật độ chăn nuôi trên địa bàn thành phố đến năm 2030, con số tuyệt đối đối với huyện Gia Lâm là 0 (đơn vị nuôi/ha). Thế nên, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội sẽ chỉ đạo Ủy ban nhân dân huyện Gia Lâm xây dựng lộ trình giảm dần để đến 2030 sẽ chấm dứt không còn chăn nuôi trên địa bàn. Do vậy, cần tăng cường công tác tuyên truyền để người dân nắm được chủ trương, định hướng của thành phố, huyện và có hướng đào tạo nghề cho các hộ đang chăn nuôi chuyển đổi sang các nghề khác phù hợp với tình hình thực tế địa phương. Tương tự, đối với trồng trọt, Gia Lâm sẽ giảm dần diện tích sản xuất có hiệu quả kinh tế thấp…

Về thời điểm Gia Lâm có thể chính thức lên quận, theo Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn, sau khi có Quyết định của Bộ Xây dựng công nhận khu vực dự kiến thành lập quận, phường đạt các tiêu chuẩn trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội sẽ hoàn thiện hồ sơ, Đề án thành lập quận Gia Lâm và các phường thuộc quận Gia Lâm, thành phố Hà Nội trình Chính phủ (thông qua Bộ Nội vụ) dự kiến trong tháng 3-2024.

Sau khi thành lập quận Gia Lâm và các phường thuộc quận Gia Lâm, Ủy ban nhân dân thành phố sẽ chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp cùng Ủy ban nhân dân huyện rà soát, sắp xếp lại các cơ sở nhà đất trên địa bàn theo quy định pháp luật. Đối với các trường học, trạm y tế, sẽ rà soát, nghiên cứu giữ nguyên để đảm bảo cho việc giảng dạy và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Đối với trụ sở, trang thiết bị và cơ sở vật chất của các xã, thị trấn trong diện sắp xếp, sẽ tiếp nhận, đánh giá hiện trạng và đề xuất phương án xử lý đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật và nghiên cứu phương án sử dụng phù hợp với các quy hoạch cũng như tình hình phát triển kinh tế của địa phương…

Tất cả sự chuẩn bị kỹ càng qua nhiều năm của bản thân huyện Gia Lâm và thành phố Hà Nội đã sắp tới ngày “hái quả”. Cùng với Đông Anh, Mê Linh và Long Biên, Gia Lâm chắc chắn sẽ trở thành trung tâm phát triển mới ở bờ Bắc sông Hồng, dần xóa nhòa sự ngăn cách về không gian, tận dụng và phát huy tiềm năng quỹ đất hai bên bờ sông Hồng, đưa dòng sông trở thành nhân tố phát triển đặc biệt của Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.

Đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư phát triển hạ tầng giao thông thành phố Hà Nội cho biết, tiến độ triển khai thi công dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đạt kết quả rất tốt. Đến giữa tháng 1-2024, công tác giải phóng mặt bằng đã đạt 96% trên địa bàn thành phố Hà Nội, tỉnh Hưng Yên đạt 85% và Bắc Ninh đạt gần 94%.

Tại các dự án thành phần đang triển khai, các nhà thầu thi công đã tổ chức nhiều mũi đồng loạt thi công. Trong năm 2024, sẽ tập trung huy động toàn bộ nhân lực, thiết bị, máy móc tổ chức thi công đồng loạt các hạng mục công trình trên toàn tuyến, phấn đấu hoàn thành các đoạn tuyến đường song hành không phải xử lý đất nền trong năm, hoàn thành các đoạn còn lại trong năm 2025.

Với dự án thành phần 3 - xây dựng đường cao tốc trên cao Vành đai 4 theo hình thức PPP, tổng mức đầu tư khoảng 56.000 tỷ đồng. Trong năm 2024, sẽ lựa chọn đơn vị tư vấn, lập thiết kế cơ sở đối với Tiểu dự án đầu tư công; Tổ chức lựa chọn nhà đầu tư, phấn đấu hoàn thành trong quý III-2024, khởi công công trình vào đầu quý IV-2024, dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.

Trước đó, ngày 25-6-2023, thành phố Hà Nội đã làm lễ khởi công dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô có chiều dài toàn tuyến là 112,8km, trong đó đoạn đi qua Hà Nội là 56,5km; Hưng Yên là 20,3km; Bắc Ninh là 21,2km. Theo thiết kế, đường Vành đai 4 sẽ có 6 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp, kết nối Hà Nội với Hưng Yên, Bắc Ninh và các địa phương khác trong vùng. Riêng với Thủ đô Hà Nội, đường Vành đai 4 không chỉ được kỳ vọng là sẽ giảm áp lực giao thông Vành đai 3 đang quá tải về mật độ giao thông mà còn được kỳ vọng tạo không gian phát triển mới. Dự án sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2027.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/hat-nhan-phat-trien-moi-o-bo-bac-song-hong-post565777.antd