Hạt mùa gói xuân

Theo sự luân chuyển trời đất thì đến tiết xuân người ta mới đón xuân. Nhưng ở Mường Hoa của tôi, người dân đón xuân từ khi bắt đầu chuyển sang cấy hái vụ mùa. Ngay từ tháng sáu bừa ải ruộng ngấu, người ta đã nghĩ đến mùa xuân.

Mùa này, trồng hạt nếp vào mảnh ruộng nào? Năm nào bác Cả cũng nhắc nhớ để dành mảnh ruộng ở cạnh đầm Beo để còn cấy nếp. Đó là mảnh ruộng sâu, khi lội xuống bùn thụt lên tới bắp đùi, trâu giẫm xuống là bị lún bùn sa lầy.

Mảnh ruộng ấy không phải cày, vì nước trời ngâm cả năm đợi mùa cấy hạt nếp thì cạn. Lớp bùn ấy mềm nhuyễn và óng ả như lụa, bởi khi cơn mưa rào mùa hạ sầm sập đổ xuống nước đầm Beo dâng đầy lên tràn sang cho ruộng được thừa hưởng lớp phù sa màu mỡ theo những dòng suối từ trên núi cuốn về.

Mùa rét về đổ gió, tôi theo chị đi cấy lúa đầm Beo. Tôi nhìn chị cấy thoăn thoắt hàng nối hàng thẳng tắp, mạ non đứng run rẩy trong gió. Bàn tay tôi non nớt cố nhấn cây mạ xuống, ngỡ đã găm chặt lắm rồi, thế mà khi rút tay lên dảnh mạ cũng nổi lên theo lềnh bềnh trên mặt nước ngầu bọt.

Trên thửa ruộng đầm Beo ấy, nhà tôi sẽ cấy lúa nếp Râu, giống nếp mà ngày nay người ta đã không còn cấy nữa. Cây nếp Râu thơm từ lá lúa thơm đi. Những bông hoa lúa màu tím sậm khi cúi rủ xuống, tỏa ra những tầng hương dày dặn. Đến mùa làm đòng thì thơm khỏi nói, những búp đòng bụ bẫm tỏa hương thơm nức. Mùi hương của sự no đủ quấn quýt trong mỗi hơi thở.

Tôi chờ đợi ngày mảnh ruộng đầm Beo được gặt. Dường như cả mùa, tôi chỉ mong đến buổi tối khi bác Cả ngồi uống chén nước trà đỏ đậm, vị chát và gắt, mùi hơi oi oi khói, và thông báo mai đi gặt nếp đầm Beo. Thế là chị tôi soạn sửa con dao cắt lúa, loại dao nhỏ bằng ngón tay, lưỡi mỏng như lá lúa, sáng loáng và sắc lẹm, được kẹp vào giữa hai thanh tre. Tôi thì sợ con dao ấy lắm, chưa bao giờ dám chạm vào nó.

Chị tôi kẹp con dao cắt lúa vào ngón trỏ và ngón cái, và đi như lướt trong ruộng nếp Râu. Chị cắt lúa mà như đi hái hoa, cắt từng bông, từng bông nén chặt vào lòng tay, mỗi khi đầy tay chị lại chuyển lúa sang trái, rút sợi lạt buộc thành một cum to và chặt chẽ, xoải người ném cum lúa lên bờ. Nếp Râu đầm Beo chỉ gặt một ngày là xong. Những bó lúa màu tím sậm được gác trên giàn bếp, rủ xuống mềm mại đợi tết, như thể cô gái dậy thì má hồng ưng ửng đợi tình yêu ngày lễ hội của Mường.

Mùa tết, những cum lúa nếp Râu được chuyển từ giàn bếp xuống gầm sàn. Từng cum lúa được cho vào lòng cối, đập bằng chày và vò bằng chân, khi hạt lúa rụng hết còn lại nắm rơm xơ như tóc rối khét mùi nắng thì cho ra chân cột nhà sàn. Bác dâu sẽ lấy những nắm rơm ấy bện chổi, một mùa lúa sẽ thơm thấm gỗ nhà sàn.

Hạt lúa nếp Râu mười hạt như một sẽ được thả vào lòng cối giã, chị tôi sẽ thong thả giã cối gạo, chị bảo nếu giã mạnh hạt nếp sẽ vỡ, nếu giã nhẹ thì còn sót nhiều thóc. Bác Cả nói, giã được cối gạo ngon là thành cô gái khéo léo giỏi giang nhất Mường rồi.

Đến khi từng hạt nếp Râu nằm êm trong tấm lá dong xanh mướt, thì việc ấy lại là của những người đàn ông trong nhà. Bác Cả là người gói bánh đẹp nhất Mường Hoa. Những chiếc bánh dài, chỉ cuộn bằng hai tấm lá dong thôi mà tròn đều nhau tăm tắp như đoạn ống nứa. Tới khi từng chùm bánh căng mọng như muốn đứt cả lạt buộc, bốc khói nghi ngút như sương mù, phả hương thơm lừng ngôi nhà sàn lớn, được treo lúc lỉu trên giàn nứa trong sàn bếp, đó là lúc mùa xuân đã chín mọng, phấp phới đầu ngõ rồi.

Chuyện của bọn trẻ con chỉ ríu rít quanh nồi bánh chưng, còn người lớn ới nhau qua rào: Nhà đã xong pẻng chưa? Những chiếc bánh gói đủ cả bốn mùa sẽ theo chân con và cháu về thành phố. Hạt nếp dẻo thơm gói hương của cả bốn mùa, nhưng chỉ đợi tết và mùa xuân mới mở ra thơm thảo.

PHAN MAI HƯƠNG

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/93/313166/hat-mua-goi-xuan.html