Hạt để mùa sau

Vào đầu tháng 8/1966, ở Vĩnh Linh đã xảy ra sự kiện 'vô tiền khoáng hậu' trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đó là triển khai kế hoạch K8, tiếp theo là K10.

Đây là chiến dịch xuất phát từ một trong những quyết sách lớn, thể hiện tầm nhìn chiến lược sáng suốt của Đảng và Nhà nước ta, nhằm kết hợp sơ tán dân với việc di chuyển một số lượng lớn trẻ em rời khỏi tuyến lửa, về nơi an toàn hơn để bảo vệ, nuôi dưỡng, rèn luyện, đào tạo những “hạt giống đỏ” của cách mạng cho thời hậu chiến. Đã 56 năm trôi qua, ký ức về chiến dịch K8 trong lòng mỗi người tham gia chiến dịch thời đó đến nay vẫn vẹn nguyên cảm xúc dâng trào...

Bà Nguyễn Thị Lan (bên phải ảnh), xã Triệu Trung, Triệu Phong về thăm và nhắc lại những kỷ niệm với bà con huyện Ý Yên, tỉnh Nam Hà (cũ) đã cưu mang, đùm bọc bà và nhiều con em Quảng Trị trong chiến dịch K8 hơn 50 năm trước -Ảnh: TL

Sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết (tháng 7/1954), vĩ tuyến 17 trở thành giới tuyến quân sự tạm thời chia cắt 2 miền đất nước. Vĩnh Linh gánh trên vai trọng trách tuyến đầu của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, hậu phương trực tiếp của cách mạng miền Nam. Từ đây, Vĩnh Linh cũng đã trở thành mục tiêu đánh phá, hủy diệt của không quân, hải quân Mỹ, nhất là từ giữa năm 1966 trở đi.

Trước tình hình ngày càng ác liệt, Trung ương Đảng đã tính đến việc giảm mật độ dân cư trong khu vực xảy ra chiến sự. Lực lượng ở lại bám trụ “tay cày, tay súng”, sản xuất và chiến đấu là những người lớn trẻ, khỏe; còn trẻ nhỏ, người lớn mất sức cần di chuyển ra các tỉnh phía Bắc, ở những nơi an toàn đề phòng cuộc chiến tranh kéo dài. Đảng ủy Khu vực Vĩnh Linh đã đề nghị lên Trung ương và được Trung ương đồng ý cho Vĩnh Linh và các huyện phía Nam Quảng Bình thực hiện kế hoạch mang mật danh K8.

Kế hoạch K8 do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hữu Dực làm Trưởng ban, được tổ chức thành hai đợt. Đợt một triển khai vào tháng 8/1966. Số học sinh đi đợt này phần lớn là con em gia đình chính sách, các em mồ côi không nơi nương tựa, các em có cha mẹ đang tham gia kháng chiến. Nhờ có sự chuẩn bị chu đáo, phối hợp chặt chẽ, đảm bảo bí mật nên đã đưa được 2.446 em đến hai trường Võ Thị Sáu và Nguyễn Bá Ngọc (thuộc huyện Thọ Xuân và Yên Định, tỉnh Thanh Hóa).

Đợt hai bắt đầu từ chiều ngày 19/6/1967 với một số lượng nhỏ con em Vĩnh Linh ra tuyến sau bằng nhiều cung đường do địch đánh phá quyết liệt. Ngày 22/8/1967, học sinh cùng giáo viên Trường Cấp ba Vĩnh Linh và 570 học sinh cấp 1, cấp 2 còn lại được lệnh di chuyển. Sau bao gian nan vất vả trên đường đi, ngày 20/11/1967, toàn bộ học sinh, giáo viên cấp ba đã đến được huyện Tân Kỳ (Nghệ An), bắt đầu cuộc sống mới.

Việc tổ chức nơi ăn ở, học hành cho học sinh K8 được quán triệt theo tinh thần chỉ đạo của Bác Hồ và Trung ương Đảng, được Phó Thủ tướng Trần Hữu Dực truyền đạt: “Di chuyển học sinh đợt này phải xem như trồng cây, đưa trồng từ chỗ đất này sang chỗ đất kia, phải làm sao cho cây tốt tươi hơn”.

Nhờ sự giúp đỡ tận tình về chăm sóc sức khỏe, ổn định nơi ăn chốn ở, tổ chức trường lớp chu đáo, dạy và học nghiêm túc nên học sinh Vĩnh Linh đã học tập ngày càng tiến bộ. Học sinh K8 ở Nam Hà, Thái Bình, Ninh Bình có khá nhiều em thi học sinh giỏi tỉnh, học sinh giỏi toàn miền Bắc và đoạt giải cao. Hơn 400 giáo viên các cấp cũng đã phát huy truyền thống quê hương Vĩnh Linh, tiếp tục khẳng định trình độ nghiệp vụ sư phạm, phẩm chất đạo đức, tận tụy với sự nghiệp “trồng người” trên quê mới.

Suốt 2 năm thực hiện kế hoạch K8, đến đầu tháng 10/1969 đã đưa được 3 vạn con em của Vĩnh Linh và 2 huyện Gio Linh, Cam Lộ (sơ tán ra Vĩnh Linh từ trước đó) ra khỏi vùng ác liệt, đến sinh sống, học tập ở các tỉnh phía Bắc (chủ yếu là Thái Bình, Ninh Bình, Nam Hà, Thanh Hóa, Nghệ An...). Suốt một thời gian khó, con em K8 đã nhận được sự cưu mang đùm bọc chí tình, được dành tất cả những gì tốt nhất để sinh hoạt, học tập từ Nhân dân các tỉnh miền Bắc. Tấm lòng nhân nghĩa, rộng mở của hậu phương lớn miền Bắc đã để lại tình cảm sâu nặng trong lòng người đi K8 năm xưa.

Km 0 đường Trường Sơn ở Tân Kỳ, Nghệ An, địa phương đã đùm bọc, cưu mang hàng ngàn con em Vĩnh Linh, Quảng Trị trong chiến dịch K8, K10 -Ảnh: Đ.T

Trong cuốn “Tân Kỳ-truyền thống làng xã” do Nhà xuất bản Khoa học xã hội- Hà Nội ấn hành năm 1992, có đoạn: “Hơn 2 vạn bà con Vĩnh Linh sơ tán ra Tân Kỳ đã được Nhân dân Tân Kỳ nhiệt tình đón tiếp và giúp đỡ. Đây là hình ảnh đẹp về tình nghĩa đồng bào, về sự chia sẻ ngọt bùi, cưu mang đùm bọc của những người cùng giống nòi, cùng một Tổ quốc trong lúc đất nước đang tơi bời khói lửa. Hơn 2 vạn bà con Vĩnh Linh đã cư trú rải rác gần khắp các xã trên địa bàn Tân Kỳ. Nhường nhà, nhường giường, nhường những tiện nghi sinh hoạt thiết yếu khác và cả lương thực, giữa “chủ” và “khách” gắn bó với nhau như những người ruột thịt...”.

Ông Trần Xuân Tịnh, một học sinh K8 năm xưa nhớ lại: “Ngày đó, các bạn lớp 10 thì ngày đêm miệt mài học tập dưới nhà sàn của bản Giang để theo kịp chương trình với các trường của tỉnh bạn Nghệ An. Riêng chúng tôi lớp 8 và lớp 9 thì vừa học, vừa xây dựng cơ sở vật chất. Rồi cũng đến ngày các bạn lớp 10 thi tốt nghiệp. Gian khổ là thế, thời gian gấp gáp là thế mà Trường Cấp ba Vĩnh Linh Phân hiệu 1 tại Tân Kỳ thi đỗ tốt nghiệp rất cao. Những “hạt giống” đầu tiên đã được gieo mầm. Có bạn được cử đi học ở Liên Xô, Tiệp Khắc, có bạn đi CHDC Đức, có bạn đi Ba Lan, Trung Quốc...

Ở trong nước thì các bạn vào học các trường Đại học Tổng hợp, Bách khoa, Thủy lợi, Giao thông-vận tải, Mỏ-Địa chất, Y-Dược... Chín tháng được người dân Tân Kỳ đùm bọc, bà con coi chúng tôi như con cháu trong nhà...”. Còn ông Trương Đình Sơn kể lại một chi tiết trong ghi chép: “Một chuyến đi”:“Năm 1972, Ủy ban Hành chính Khu vực Vĩnh Linh cử một đoàn cán bộ ra Hà Nội để báo cáo với Bộ Giáo dục, Bộ Thương binh-Xã hội và lãnh đạo một số tỉnh có học sinh K8 xin cho con em K8 đã học xong cấp hai ở lại tiếp tục học tập, chưa thể về Tân Kỳ, Nghệ An như kế hoạch trước đây. Ông Nguyễn Văn Tu, Trưởng Ty Giáo dục Vĩnh Linh làm trưởng đoàn, ông Trần Đức Am, Trưởng Phòng Thương binh- Xã hội làm phó đoàn và 2 tháp tùng là tôi (Trương Đình Sơn) và ông Đoàn Ninh, chuyên viên của Ty Giáo dục Vĩnh Linh...

Sau khi nghe báo cáo của đoàn Vĩnh Linh, lãnh đạo của các tỉnh có học sinh K8 đều thống nhất: “Khi thấy kẻ địch đánh phá trở lại Khu 4, chúng tôi có kế hoạch tiếp tục lo cho các cháu ăn ở, học hành. Chúng tôi rất muốn các cháu về Nghệ An, được gần bố mẹ, người thân, gần Vĩnh Linh hơn một chút, nhưng bom đạn thế này chưa thể về được. Hãy bảo vệ các cháu, bảo vệ nguồn lực cho Vĩnh Linh sau này...”. Đến thăm một số trường, khi nghe thông báo chủ trương, một số cháu đã khóc. Ông Trần Đức Am xoa đầu các cháu, dỗ dành: “Thôi nào, ở lại, cố gắng học hành. Sang năm lớn thêm một chút, ông sẽ cho đi bộ đội, đánh Mỹ để sớm được về quê hương”...

Năm tháng sẽ qua đi, nhưng cuộc hành quân K8, tiếp sau là K10 đã vượt ra ngoài ý nghĩa của việc di dân, sơ tán đơn thuần mà thực sự đã mang tầm vóc của một cuộc thiên di lớn với trọng trách là đưa những “hạt giống đỏ” từ Vĩnh Linh, Quảng Trị ngược ra gieo trồng, chăm chút giữa lòng hậu phương lớn miền Bắc vững mạnh và nghĩa tình trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc ta.

Hôm nay, rất nhiều trong số những “hạt giống đỏ” đó đã vượt lên, đơm hoa, kết trái, trưởng thành. Trong quá trình xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước qua các thời kỳ, rất dễ để nhận thấy những học sinh K8 ngày đó đã và đang vững vàng trên nhiều cương vị công tác, có mặt trên nhiều lĩnh vực và có những đóng góp rất đáng tự hào...

Đào Tâm Thanh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=172014&title=hat-de-mua-sau