Háo hức đón đợi những vở tuồng bên bờ sông Hàn, Đà Nẵng

Trong khoảng 2 tiếng tại sân khấu ngoài trời bên bờ Đông sông Hàn (Đà Nẵng), công chúng yêu nghệ thuật truyền thống đã được thưởng thức các trích đoạn tuồng 'Đổi hồn Đát Kỷ', tuồng hài 'Đi sứ' hay tuồng 'Sơn Hậu'...

Tiếp theo chuỗi những đêm diễn của Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh tại sân khấu ngoài trời bên bờ Đông sông Hàn (Đà Nẵng) là đêm diễn tối ngày 25/6/2023. Vẫn khung cảnh quen thuộc của sân khấu nhỏ nhưng cách dẫn dắt lần này lại là nội dung các vở tuồng để dẫn vào các trích đoạn. Nhờ đó, người xem biết được nội dung vở tuồng và hiểu thêm các trích đoạn.

Trong khoảng 2 tiếng, người xem đã được thưởng thức các trích đoạn tuồng “Đổi hồn Đát Kỷ”; tuồng hài “Đi sứ”; tuồng “Sơn Hậu”; đan xen là múa “Ngọn tiểu kỳ”... Nhìn chung các trích đoạn đều thể hiện sự chọn lựa kỹ, phù hợp với sân khấu nhỏ và khán giả đa dạng như người già, trẻ em, thanh niên… nên được người xem yêu thích. Có trích đoạn được mọi người đặc biệt chăm chú và thích thú như trích đoạn vở tuồng hài “Đi sứ”.

Lần đầu tiên xem tuồng bên sông Hàn, khán giả Bùi Thị Thu Hà thích thú chia sẻ: "Đưa bé đi chơi bắt gặp đêm diễn, tôi liền dỗ con ngồi tô tượng, còn mình tạt vào xem. Tôi thích nghe Tuồng hay những dạng biểu diễn kiểu ngày xưa như thế này vì thấy hay".

Về trích đoạn vở tuồng hài “Đi sứ”, chị Thu Hà cảm thấy tiếc nuối vì tới muộn: "Chỉ xem được khoảng 15 phút, nhưng tôi thấy thích nhân vật thể hiện tính cách khẳng khái có mặt nạ đỏ. Tôi đã hỏi lại lịch diễn, hôm tới sẽ ra sớm để xem vì lần này tiếc không được xem hết. Hôm nay đi với con, tôi đã chụp ảnh giới thiệu đêm diễn với bạn, cả bạn ở bên nước ngoài, lần sau sẽ rủ chồng ra xem".

Chị Thu Hà cũng kỳ vọng các khán giả trẻ quan tâm và dành tình cảm nhiều hơn cho âm nhạc truyền thống; đồng thời các nhà hát nên phát huy càng nhiều càng tốt, để lưu truyền vốn âm nhạc của cha ông cho thế hệ mai sau.

Trong các loại hình nghệ thuật sân khấu Việt Nam, tuồng là một loại hình nghệ thuật độc đáo, đặc biệt trong cách hóa trang mặt nạ… Mặt nạ tuồng chính là linh hồn của từng nhân vật trong mỗi vở. Khán giả chỉ cần nhìn vào khuôn mặt là có thể biết ngay nhân vật đó trung hay nịnh, thiện hay ác, tốt hay xấu, nóng nảy, cộc cằn hay đức độ... Bởi thế có một thú vị của đêm diễn là phần giới thiệu về họa tiết, màu sắc trên mặt nạ một số mô hình tiêu biểu của tuồng...

Đêm diễn đã khép lại. Sông Hàn trở lại tĩnh lặng, bình yên… và các âm hưởng, giai điệu những câu chuyện của các tích tuồng chắc chắn sẽ còn lưu lại trong lòng khán giả.

CTV Doãn Ánh Quyên/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/san-khau-dien-anh/hao-huc-don-doi-nhung-vo-tuong-ben-bo-song-han-da-nang-post1028899.vov