Hành xử cho đúng

Sau nhiều lần trì hoãn, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử vụ kiện hành chính giữa bên khởi kiện là Công ty CP Truyền thông (Vietart) và bị kiện là Sở VH-TT Hà Nội - doanh nghiệp cho rằng sở đã gây phiền hà, khó khăn khi thực hiện thủ tục hành chính, khiến họ chịu lỗ cả tỷ đồng.

Chiều 2-8, sau một ngày nghị án, TAND Hà Nội bác bỏ toàn bộ khởi kiện của Vietart với Sở VH-TT TP Hà Nội trong quá trình cấp phép tổ chức biểu diễn vở cải lương Tiếng trống Mê Linh.

Theo bên khởi kiện, trong quá trình giải quyết hồ sơ xin phép biểu diễn vở cải lương Tiếng trống Mê Linh, Sở VH-TT TP Hà Nội đã kéo dài thời gian giải quyết thủ tục hành chính, tự ý yêu cầu bổ sung hồ sơ, giấy tờ ngoài quy định của pháp luật và gây phiền hà, khó khăn cho tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục hành chính.

Công ty này cho biết, khi được duyệt cấp phép, do không đủ thời gian để quảng cáo, bán vé, họ đã chỉ bán được 200/1.100 vé. Số vé còn lại phải đem đi biếu, tặng để lấp kín chỗ ngồi, động viên tinh thần nghệ sĩ. Bên khởi kiện yêu cầu Sở VH-TT TP Hà Nội bồi thường thiệt hại do quyết định hành chính, hành vi hành chính không hợp pháp gây ra là hơn 672.000 đồng; bồi thường thiệt hại về danh dự 1.000 đồng.

Hội đồng xét xử nhận thấy, ngay từ khi Vietart nộp hồ sơ, Sở VH-TT TP Hà Nội đã tiếp nhận, xử lý đúng quy định pháp luật, đúng thời gian. Ngay từ đầu, Vietart đã không chủ động thực hiện đúng quy định về quyền tác giả và các quyền liên quan. Thực tế là Vietart đã nhiều lần bị phản ánh đến Sở VH-TT TP Hà Nội về việc không tuân thủ quy định quyền tác giả.

Vì vậy, khi xin cấp phép vở cải lương, sở yêu cầu Vietart bổ sung thêm thông tin là cần thiết. Hội đồng xét xử cũng cho rằng, Tiếng trống Mê Linh là vở cải lương kinh điển tại Việt Nam, để khơi dậy tinh thần yêu nước, nhưng Vietart tập hợp nhiều diễn viên, nghệ sĩ hải ngoại, nghệ sĩ tự do để tổ chức biểu diễn. Do đó sở yêu cầu chỉnh sửa kịch bản là đúng.

Việc doanh nghiệp kiện cơ quan quản lý trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn không phải là chưa có tiền lệ. Cách đây khoảng chục năm, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn khi ấy, cũng đã từng phải theo hầu tòa trong vụ kiện của một đơn vị tổ chức thi sắc đẹp với lý do đã ra quyết định thu hồi giấy phép không đúng.

Tại tòa sơ thẩm, Cục Nghệ thuật biểu diễn bị xử thua kiện, nhưng sau đó tại phiên phúc thẩm, kết quả đảo ngược khi đơn vị quản lý chứng minh được việc rút giấy phép cuộc thi là đúng quy định của pháp luật, khi đơn vị tổ chức bị phát hiện có nhiều sai phạm.

Tất nhiên, việc nhà quản lý bị kiện là hiếm có, song với việc đã có những đơn kiện và có những phiên tòa được mở ra công khai như vậy cũng là sự lưu ý đối với những người làm công vụ, đặc biệt là với văn hóa nghệ thuật - lĩnh vực đặc thù cần có nhiều cảm xúc và chỉ có thể chạm được tới trái tim của khán giả khi khiến họ rung động.

Song một yếu tố cũng quan trọng không kém, đó là tính kỷ luật, chuyên nghiệp, sự nghiêm minh và liêm chính của người tổ chức cũng như nhà quản lý, có như vậy mới hình thành nên một hệ sinh thái lành mạnh, tạo điều kiện cho công nghiệp văn hóa nảy mầm và phát triển.

MAI AN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/hanh-xu-cho-dung-post700089.html