Hành vi 'hôi của' thế nào thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Không mới xuất hiện, hành vi 'hôi của' của khi có người gặp tai nạn, xe bị đổ hoặc hàng rơi vãi trên đường… luôn khiến dư luận bất bình. Hành vi tưởng chừng như 'bình thường' ấy của nhiều người, thực ra lại là một hành vi vi phạm pháp luật.

Hình ảnh người dân “hôi của” khi xe chở gạo bị tai nạn ở Quảng Trị. Ảnh cắt từ clip

“Hôi của” khi xe bị tai nạn

Mới đây, những hình ảnh về một nhóm người tranh nhau “hôi của” khi một chiếc xe tải chở gạo bị đổ trên đường quốc lộ khiến dư luận bất bình.

Cụ thể, vào khoảng 20h30 tối 13/1, tại km57+600 trên quốc lộ 9 (thuộc địa phận xã Đakrông, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) xảy ra vụ tai nạn giao thông. Xe ô tô tải biển số 37H - 037.xx do lái xe Nguyễn Văn Đông cầm lái đi theo hướng Lao Bảo - Đông Hà thì tự gây tai nạn.

Sau vụ tai nạn, tài xế cùng một phụ xe bị mắc kẹt trong cabin. Thời điểm trên, nhiều người dân hai bên đường đã kéo đến.

Trên xe chở hàng trăm bao gạo nếp. Một số trong đó bị tràn ra ngoài sau tai nạn. Một số người dân đã đến và tìm cách hỗ trợ đưa tài xế mắc kẹt trong cabin ra khỏi xe.

Tuy nhiên, nhiều người dân khác lại “hôi của”, lấy các bao gạo nếp trên xe bị nạn rồi chở đi. Khi lực lượng công an có mặt tại hiện trường, một lượng lớn gạo nếp đã bị lấy đi.

Cũng hành vi “hôi của” này, chắc ít người quên vụ “hôi bia” đã xảy ra trước đây. Trong vụ việc đó, cơ quan chức năng đã khởi tố 2 bị can trong vụ “hôi của” này.

Cụ thể, trưa 4/12/2013, tài xế Hồ Kim Hậu (quê Bình Định) lái xe tải chở hơn 1.300 thùng bia từ TP HCM đi giao tại một đại lý ở tỉnh Bình Thuận. Khi đến khu vực vòng xoay Tam Hiệp (TP Biên Hòa), trong lúc ôm cua, thanh chắn phía sau thùng xe bị gãy, dây đai đứt khiến hơn nghìn két bia rơi xuống đường.

Khi xe đổ, các thùng bia lăn ra đường, hàng trăm người địa phương cũng như nhiều người chạy xe ngang qua đã xông vào "hôi bia". Họ lấy đi hơn 1.000 thùng bia với giá trị 310 triệu đồng.

Sau khi năm bắt sự việc, điều tra và xác minh, ngày 11/12, Công an TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định khởi tố vụ án Công nhiên chiếm đoạt tài sản để điều tra hành vi của hàng chục người liên quan đến việc "cướp" trên 1.000 thùng bia.

Liên quan đến sự việc, tháng 7/2014, TAND TP.Biên Hòa (Đồng Nai) đã tuyên án 2 bị cáo trong vụ “hôi bia” gồm Trần Anh Cường (ngụ phường Long Bình) và Đinh Văn Vinh (ngụ xã Phước Tân, TP.Biên Hòa) mỗi người 6 tháng tù về tội “công nhiên chiếm đoạt tài sản”.

Cáo trạng xác định, Cường và Vinh lấy 240 lon bia và 12 chai bia có tổng giá trị là gần 3 triệu đồng. Ngoài ra, cáo trạng còn xác định được 12 người tham gia lấy bia, tuy nhiên giá trị tài sản chiếm đoạt chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, bản thân các đối tượng đều chưa có tiền án tiền sự về hành vi chiếm đoạt tài sản nên Công an TP Biên Hòa đã tiến hành xử phạt hành chính.

Khi nào hành vi “hôi của” bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Vậy không đơn giản như nhiều người nghĩ, rằng “nhặt được của rơi thì đút ngay vào túi”, hành vi “hôi của” là hành vi vi phạm pháp luật. Vậy khi nào hành vi “hôi của” bị xử lý hành chính và bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo luật sư Nguyễn Văn Thịnh - Đoàn Luật sư Hà Nội, hành vi lợi dụng việc người bị tai nạn bị ngã, choáng, ngất, thậm chí đã chết… để nhặt, lấy đồ đạc, tiền bạc (hôi của) của người bị tai nạn giao thông không chỉ là hành vi đáng lên án về mặt đạo đức mà còn là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý nghiêm khắc.

Tùy từng trường hợp cụ thể, người có hành vi “hôi của” có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản” hoặc tội “Trộm cắp tài sản”.

Theo đó, công nhiên chiếm đoạt tài sản là hành vi công khai chiếm đoạt tài sản của người khác trong hoàn cảnh người chủ tài sản không có điều kiện ngăn cản.

Điều 137 Bộ luật hình sự quy định về tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản” như sau: “Người nào công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”.

Bên cạnh mức hình phạt trên điều luật còn quy định ba khung hình phạt nặng hơn; trong đó mức hình phạt cao nhất cho tội này có thể là tù chung thân. Ngoài ra người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 100 triệu đồng.

Bên cạnh đó, người hôi của còn có thể bị xử lý vì tội Trộm cắp tài sản, trong trường nạn nhân không có khả năng nhận biết tài sản của mình bị chiếm đoạt vì choáng, ngất … Theo quy định tại Điều 138 BLHS mức hình phạt cao nhất cho tội này có thể là tù chung thân; người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng.

Ngoài ra, theo quy định tại Điều 18 Nghị định số 73/2010/NĐ-CP ngày 12/7/2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội, nếu hành vi “Công nhiên chiếm đoạt tài sản” hoặc “Trộm cắp tài sản” của người chiếm đoạt tài sản chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì người đó có thể bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng và phải bồi thường toàn bộ thiệt hại do hành vi vi phạm hành chính gây ra.

Minh Dương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn//hanh-vi-hoi-cua-the-nao-thi-bi-truy-cuu-trach-nhiem-hinh-su-367550.html