Hành vi cá độ trong đánh bi-a là đánh bạc trái phép

Cơ quan Cảnh sát điều tra (CQCSĐT) sẽ làm rõ ngoài hành vi đánh bạc trái phép, Tuấn 'Phò mã 36' còn hành vi vi phạm pháp luật nào khác hay không để xử lý theo quy định của pháp luật.

Vụ Tuấn "Phò mã 36" bị bắt:

Hoàng Đình Tuấn, còn được gọi là Tuấn "phò mã" tại CQCA. Ảnh: CQCA cung cấp

Đánh bi-a được thua bằng tiền

Ngày 7/3, Viện kiểm sát Nhân dân (VKSND) huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh đã phê chuẩn lệnh bắt khẩn cấp đối với Hoàng Đình Tuấn hay còn gọi là Tuấn “Phò mã 36”, SN 1986, ở huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa để điều tra về hành vi đánh bạc. Theo VKSND tỉnh Bắc Ninh, đêm 15/1 đến chiều 16/1, tại quán bi-a ở thị trấn Chờ, huyện Yên Phong, các đối tượng gồm: Hoàng Đình Tuấn; Đỗ Văn Bình (SN 1996); Trần Văn Phúc (SN 1989), cùng ở tại huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa và Nguyễn Văn Huy (SN 2004, ở huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình) cùng nhau đánh bạc dưới hình thức đánh bi-a được thua bằng tiền.

Ngày 5/3, CQCSĐT CA huyện Yên Phong đã ra quyết định tạm giữ hình sự đối với Bình và Huy. Đến ngày 6/3, CQCSĐT ra quyết định tạm giữ hình sự đối với Trần Văn Phúc và ra Lệnh bắt khẩn cấp đối với Hoàng Đình Tuấnđể tiếp tục điều tra về hành vi đánh bạc. Cùng ngày, VKSND huyện Yên Phong đã phê chuẩn Lệnh bắt khẩn cấp của CQCSĐT, đồng thời tích cực phối hợp với CQCSĐT tiếp tục đấu tranh mở rộng vụ án.

Theo tài liệu của CQCA, Hoàng Đình Tuấn có tài khoản trên các trang mạng xã hội Facebook, Tiktok là “Tuấn Phò mã 36”. Trước khi bị bắt đối tượng này thường xuyên đi đến các chốt kiểm tra của lực lượng Cảnh sát giao thông ở nhiều tỉnh, TP trên cả nước quay clip quá trình thực thi nhiệm vụ của lực lượng này và đăng tải lên tài khoản mạng xã hội. Các tài khoản này của Tuấn thu hút hàng trăm nghìn lượt theo dõi, bình luận. Hiện VKSND huyện Yên Phong và CQCSĐT CA huyện Yên Phong đang tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án.

Tuấn “Phò mã 36” nổi tiếng bằng cách nào?

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Đinh Thị Nguyên, Giám đốc Cty Luật TNHH Đại Đông Á, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, đánh bạc trái phép là hành vi đánh bạc được thực hiện dưới bất kỳ hình thức nào với mục đích được thua bằng tiền hay hiện vật mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép nhưng thực hiện không đúng với quy định trong giấy phép được cấp. Bởi vậy, với hành vi cá độ trong đánh bi-a cũng là đánh bạc trái phép. Chắc chắn, ngoài Hoàng Đình Tuấn, CQCSĐT sẽ khởi tố thêm các đối tượng chơi bi-a cùng Tuấn “Phò mã 36” về tội danh này.

Luật sư Đinh Thị Nguyên phân tích, theo quy định của Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, nếu một người đánh bạc trái phép với giá trị tài sản đánh bạc là từ 5 triệu đồng trở lên hoặc dưới 5 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 322 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 322 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Đánh bạc” với mức hình phạt cao nhất lên đến 7 năm tù.

Nếu đánh bạc với giá trị tài sản dưới 5 triệu đồng mà chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì cá nhân vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính, với mức phạt từ 1 triệu đến 20 triệu được quy định tại Nghị định số 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 322, BLHS năm 2015, hành vi tổ chức đánh bạc có thể bị xử lý với mức phạt cao nhất lên đến 10 năm tù. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Quá trình điều tra vụ án, CQCSĐT cũng sẽ làm rõ đặc điểm nhân thân của bị can, làm rõ mọi hành vi đánh bạc trái phép, Tuấn “Phò mã 36” còn hành vi vi phạm pháp luật nào khác hay không để xử lý theo quy định của pháp luật. Với những hành vi đưa các thông tin lên mạng internet khiến đối tượngTuấn “Phò mã 36” trở nên nổi tiếng, CQCSĐT cũng đánh giá sự tác động tích cực hoặc tiêu cực của những thông tin này làm căn cứ xác định yếu tố nhân thân của đối tượng. “Nếu có những thông tin vi phạm luật an ninh mạng, vi phạm điều cấm của pháp luật, tùy vào tính chất mức độ mà có thể xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự", Luật sư Đinh Thị Nguyên nhận định.

Qua sự việc trên, luật sư Đinh Thị Nguyên khuyến cáo, thời gian qua, hàng loạt các đối tượng giang hồ mạng đã bị bắt giữ, xử lý về nhiều hành vi vi phạm pháp luật khác nhau, nhiều đối tượng nổi tiếng trên mạng nhờ "bóc phốt", tạo ra các hội nhóm đấu tố lẫn nhau, thu thập trái phép thông tin cá nhân, đưa ra những thông tin giả mạo sai sự thật, xâm phạm bí mật đời tư cá nhân…cũng đã bị cơ quan chức năng khởi tố, bắt giữ…giúp môi trường mạng dần trở nên trong sạch hơn.

Từ bình luận trên, luật sư Đinh Thị Nguyên nhận định, nổi tiếng vì mang lại giá trị thực sự cho xã hội, truyền bá những nội dung nhân văn, tích cực cho cộng đồng và mang đến những giá trị về trí thức, giải trí thì mới có chỗ đứng trong xã hội. “Đối với các đối tượng có hành vi lệch chuẩn, không phù hợp với chuẩn mực, đạo đức và có hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng nổi tiếng bằng chiêu trò thì việc bị pháp luật xử lý là điều khó tránh, bởi những tai tiếng đó là biểu hiện của hành vi vi phạm pháp luật", Luật sư Đinh Thị Nguyên nhấn mạnh.

Thái An

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/hanh-vi-ca-do-trong-danh-bi-a-la-danh-bac-trai-phep-372674.html