Hành trình trở thành giáo viên tiếng Việt nổi tiếng Đài Loan của cô gái Phú Thọ

Cô giáo Nguyễn Thu Hằng đã vượt qua nhiều khó khăn ở Việt Nam và những thử thách ở Đài Loan (Trung Quốc) để chạm tới thành công của riêng mình.

Nguyễn Thu Hằng sinh năm 1991 ở Phú Thọ, hiện là giáo viên dạy tiếng Việt tại trường Đại học Thế Tân tại Đài Bắc, Đài Loan (Trung Quốc). Bên cạnh đó, cô còn nổi tiếng với vai trò là người sáng tạo nội dung Youtube, chủ kênh “Hang TV” với các video xoay quanh chủ đề “tiếng Việt, văn hóa và du lịch Việt Nam, gia đình Việt ở Đài Loan, cuộc sống và du lịch Đài Loan”.

Cô giáo Nguyễn Thu Hằng đã vượt qua nhiều gian khó để vươn tới thành công nơi xứ người.

Nữ giáo viên người Việt còn thử sức trong lĩnh vực điện ảnh khi góp mặt trong phim truyền hình “Vượt qua đại dương để yêu thương”, phim điện ảnh “Tháng ngày trăn trở” và “Hóa ngoại chi y”.

Cô từng vào top đề cử diễn viên trẻ xuất sắc nhất giải Golden Bell Awards và đề cử Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất giải Asian Television Awards năm 2021,...

Hành trình đến xứ Đài

Theo chia sẻ của Hằng, gia đình cô thuộc diện nghèo ở quê. Năm 2002, mẹ cô phải vay thế chấp để sang Đài Loan làm giúp việc, kiếm tiền gửi về nuôi ba chị em ăn học.

Việc thiếu sự đồng hành của mẹ khiến Hằng từng đánh mất bản thân mình. Lên cấp 3, Hằng từ cô bé năm nào cũng đi thi học sinh giỏi trở thành một nữ sinh nghịch ngợm, ham chơi và mê game.

Sau khi tốt nghiệp, Hằng không học lên cao, cũng chẳng tìm được việc. Cô mất một năm chới với để tìm con đường riêng cho mình. Khi được mẹ kể về cuộc sống bên Đài Loan, Hằng đã xin mẹ cho phép sang đó du học.

Việc xin visa sang Đài Loan vốn rất khó, đặc biệt với bối cảnh gia đình của Hằng. Thông thường, nhiều người sẽ thuê bên thứ ba hỗ trợ làm thủ tục, giấy tờ để dễ dàng xin được visa. Nhưng với số tiền ít ỏi mẹ gửi về, Hằng chỉ có thể tự làm tất cả mọi thứ.

Cô chia sẻ: "Bản thân tôi thấy mình khá may mắn khi chỉ cần phỏng vấn một lần đã thông qua visa. Đổi lại, vì lo giấy tờ hồ sơ mà sau khi xong xuôi tất cả, tôi bị sút mất 5kg, rồi thêm một trận sốt cao phải chuyền nước trước hai ngày lên máy bay".

Và thế là từ một cô bé ham chơi game, chưa bao giờ đi xa nhà quá, Hằng mặc trên mình chiếc sơ mi trắng quần đen, tự mình ngồi máy bay để đến hòn đảo xa xôi.

Nguyễn Thu Hằng cũng mẹ và hai em gái.

Những giọt nước mắt nơi xứ người

Sau khi đặt chân đến Đài Loan, vì hầu như không nói được tiếng Trung cũng như tiếng Anh, Hằng gặp nhiều khó khăn trong việc hòa nhập với môi trường mới.

"Còn nhớ ngày đầu đến trường, tất cả các bạn học khác đều giao tiếp với nhau bằng tiếng Anh hoặc tiếng Trung. Tôi lúc đó chỉ biết thu mình một chỗ. Sau khi kết thúc buổi học đầu tiên, giáo viên yêu cầu làm bài tập về nhà, nhưng tôi không hiểu nên đã không làm bài. Hôm sau cô giáo kiểm tra, tôi vô cùng lo sợ rồi chỉ biết ngồi khóc", Hằng kể.

"Một phần là vì tự ti, phần nữa là do điều kiện khó khăn nên tôi cũng không dám đi ăn chung với các bạn học sau giờ tan lớp, thành ra ít có cơ hội tiếp xúc và giao lưu với mọi người. Thi thoảng các bạn học rủ ra quán ăn nhanh làm bài tập, tôi chỉ ngồi học chứ không dám gọi đồ ăn", cô chia sẻ thêm.

Ngay cả việc đi lại cũng rất khó khăn với cô gái Việt. Cô thường xuyên bị lạc và phải gọi điện nhờ mẹ phiên dịch hỏi đường, đi xe buýt thì không biết quẹt thẻ, không dám đi tàu vì không nhận biết được các tuyến, cách mua vé do "mù tiếng".

Nhớ lại thời điểm đó, Hằng bật cười nhưng không giấu được đôi mắt rưng rưng. Cô nói: "Ngày đó cứ lơ nga lơ ngơ, vì từ bé có đi đâu và tiếp xúc với những thứ hiện đại đó bao giờ đâu cơ chứ".

Nguyễn Thu Hằng phải trải qua giai đoạn khó khăn thời điểm mới đến Đài Loan.

Hằng xác định để vượt qua khó khăn, trước tiên phải hiểu được tiếng bản địa. Sau giờ học, cô dành thời gian hoàn thành bài tập, ôn lại kiến thức đã học trên lớp, luyện nghe nhạc và tiếng Trung trên tivi, cũng như tự học thêm trên mạng.

Cô cho biết còn hay viết nhật ký bằng tiếng Trung rồi gửi email cho cô giáo nhờ sửa giúp. Thời gian rảnh thì chạy ra công viên gần nhà để bắt chuyện với người dân quanh đó, dùng hết vốn từ mà mình để nói chuyện. Nhờ vậy mà chỉ sau 6 tháng, tiếng Trung của Hằng tiến bộ rõ rệt, thậm chí còn trội hơn các bạn trong lớp.

Giáo viên tiếng Việt nổi tiếng

Hằng cho biết thời gian học đại học ở Đài Loan, cô làm khá nhiều việc, từ bưng bê dọn dẹp ở nhà hàng, nhân viên bán hàng tại cửa hàng xổ số, cho đến phiên dịch, trợ lý và tham gia chương trình truyền hình cho người Việt.

Năm 2014, Hằng được một gia đình người Đài Loan thuê dạy gia sư tiếng Việt cho con của họ, vì cậu bé muốn có thể nói tiếng Việt với cô giúp việc của gia đình.

Từ đó Hằng bắt đầu tìm hiểu về công việc dạy tiếng Việt và được biết có rất nhiều người ở Đài Loan muốn học tiếng Việt. Cô cho rằng bản thân cũng có sự may mắn nhất định trên con đường trở thành giáo viên tiếng Việt.

Cô chia sẻ: "Thời điểm tôi bắt đầu dạy tiếng Việt thì xã hội Đài Loan đã có những sự cởi mở nhất định đối với Việt Nam. Thông tin báo đài cũng thường xuyên đăng tải nội dung về Việt Nam nên người dân địa phương phần nào hiểu hơn về Việt Nam và cũng muốn tìm hiểu về đất nước mình nhiều hơn.

Từ đó bắt đầu nở rộ phong trào học tiếng Việt nên tôi nhận được nhiều lời mời đi dạy tại các trung tâm ngôn ngữ, các trường học và một số doanh nghiệp Đài Loan. Đối tượng học sinh của tôi cũng khá đa dạng, từ những doanh nhân, người trưởng thành, giáo viên, thậm chí là hiệu trưởng của một trường tiểu học và học sinh từ độ tiểu học tới trung học phổ thông".

Tiết học của cô Nguyễn Thu Hằng tại một trung tâm ngôn ngữ ở Đài Bắc, Đài Loan.

Sau khi tốt nghiệp đại học, Hằng quyết định theo tiếp chương trình Thạc sĩ chuyên ngành sư phạm để nâng cao khả năng giảng dạy của mình, cũng như tham gia nhiều khóa học về kỹ năng giảng dạy do chính quyền địa phương tổ chức.

Bên cạnh đó, cô bắt đầu thành lập kênh Youtube của riêng mình, quay các video giảng dạy tiếng Việt, giới thiệu về văn hóa và du lịch Việt Nam, cuộc sống người Việt ở Đài Loan,...

Đến nay, Hằng trở thành một giáo viên tiếng Việt có tiếng ở xứ Đài, trang cá nhân của cô có gần 100.000 lượt theo dõi. Kênh Youtube “Hang TV” của Hằng hiện có hơn 320.000 lượt đăng ký, mỗi video đều thu hút hàng trăm nghìn cho tới cả triệu lượt xem.

Truyền tải thông điệp tích cực

Đối với Hằng, điều quý giá nhất cô thu được trong hành trình làm giáo viên tiếng Việt của mình là tình cảm của các học viên. Đặc biệt, cô có thể tiếp cận nhóm em con lai Việt - Đài, thấu hiếu sự cay đắng và giúp đỡ họ vượt qua sự tự ti về thân phận.

"Một lần đi diễn thuyết tại một trường tiểu học. Sau buổi diễn thuyết, tôi nhận được bức tranh vẽ của một em học sinh. Trong tranh em ấy có viết kèm theo dòng chữ: 'Cảm ơn cô đã tới. Lúc đầu nghe tin có giáo viên Việt Nam đến trường, em đã không thích điều đó. Em cảm thấy rất lo lắng, sợ rằng các bạn học sẽ càng thêm ghét em vì em là con của người Việt. Nhưng sau khi cô giới thiệu, không ngờ các bạn đã rất hào hứng và yêu thích Việt Nam. Em hứa với cô từ giờ trở đi, em sẽ không tự ti về thân phận con lai Việt - Đài của mình nữa'", cô kể.

Điều quý giá nhất với cô giáo Nguyễn Thu Hằng là sự đón nhận và tình cảm của các học viên.

Theo Hằng, trước đây nhiều trường hợp cô dâu Việt lấy chồng Đài Loan đều qua môi giới hôn nhân, có người hạnh phúc có người không. Cộng thêm chuyện người Việt Nam sang đây đi làm nhiều khi vì miếng cơm manh áo mà bỏ trốn đi lao động chui hoặc làm những việc trái pháp luật,... khiến cho người địa phương có định kiến và những cái nhìn không tốt về người Việt.

"Hơn chục năm trước tình trạng này rất nghiêm trọng, dẫn đến việc các bạn con lai sẽ không dám chấp nhận thân phận của mình. Đó là điều rất đáng tiếc!", cô nói.

Tuy nhiên, hiện giờ xã hội Đài Loan đã cởi mở hơn rất nhiều, chính quyền địa phương có nhiều chính sách cho người Việt, nhiều chương trình truyền hình thậm chí là Bản tin thời sự dành cho người Việt cũng được phát sóng.

Hằng cho biết các bạn học sinh cũng như những cư dân mạng Đài Loan hay theo dõi cô đều rất yêu Việt Nam: "Tôi nghĩ đây là sự cố gắng, đóng góp rất nhiều của những thế hệ người Việt ở Đài Loan giống như tôi và các thầy cô, các anh chị ở từng lĩnh vực khác nhau, kể cả chính sách cởi mở của chính quyền sở tại".

Chuyện tình vượt biên giới

Trong năm tháng sinh sống và làm việc tại Đài Loan, Hằng gặp được chồng mình trong một lần cô tham gia chương trình truyền hình do anh làm đạo diễn.

Đằng sau thành công của Nguyễn Thu Hằng là hình bóng người chồng Đài Loan hết mực yêu thương vợ, tôn trọng và yêu thích văn hóa Việt Nam.

"Trước khi quen em, anh ấy chưa từng biết đến Việt Nam, nhưng sau này chúng em đến với nhau, dành nhiều thời gian về Việt Nam du lịch và ghi lại thành video để chia sẻ lên Youtube. Thậm chí anh ấy đã từng xin nghỉ làm để về Việt Nam ở một tháng và học tiếng Việt ở Hà Nội", Hằng cho hay.

Cô cho biết cũng chính chồng là người luôn sát cánh, giúp đỡ cô trong việc xây dựng nội dung, quay video và sáng lập nên kênh Youtube với hàng trăm nghìn lượt theo dõi như hiện tại.

"Tôi rất hạnh phúc vì có một người bạn đồng hành luôn yêu thương mình, cũng như tôn trọng và yêu mến văn hóa Việt Nam. Hiện tại anh ấy cũng là người đứng sau hỗ trợ mọi mặt cho tôi, từ việc xây dựng video, làm 'ông bầu', làm chồng và bố của con tôi", Hằng chia sẻ.

Trong những video về cuộc sống bên Đài Loan của gia đình Hằng, có thể thấy con cô nói lưu loát được cả tiếng Trung và tiếng Việt. Nhiều người mẹ cũng đang sinh sống ở nước ngoài bình luận hỏi Hằng chia sẻ phương pháp dạy tiếng Việt cho con hiệu quả.

"Thực ra rất đơn giản. Tôi chỉ nghĩ hồi nhỏ bố mẹ mình nói chuyện với mình bằng tiếng Việt như thế nào thì tôi cũng giao tiếp với con tương tự như vậy. Tôi thường xuyên chia sẻ với con những bài hát thiếu nhi, những trò chơi thời thơ ấu, hoặc luôn kể cho con nghe những gì đang diễn ra ở Việt Nam", cô cho biết. "Tôi nghĩ ở đây không hẳn là dạy con mà là giới thiệu cho con những gì về nguồn gốc của mình, cho con tự thấm, để dù lớn lên, dù ở đâu thì con vẫn luôn coi việc mang trong mình dòng máu, tinh hoa của hai nền văn hóa là điều hết sức tự nhiên".

Theo nữ giáo viên, để làm được điều này thì cần bố mẹ phải kiên trì rất nhiều. Bởi môi trường sống sẽ làm chi phối khả năng nhận thức của con. Nếu mình dễ dàng bỏ cuộc thì sẽ khó đạt được kết quả như mình mong muốn.

"Tôi sẽ tiếp tục cố gắng làm tất cả có thể để kết nối văn hóa Việt Nam - Đài Loan, hai nơi đối với tôi đều là nhà và quê hương", cô giáo Nguyễn Thu Hằng chia sẻ.

Trong tương lai, Hằng hy vọng sẽ sử dụng kiến thức chuyên môn của mình để tiếp tục chia sẻ cuộc sống và văn hóa Việt Nam - Đài Loan, đồng thời tiếp tục xuất bản và ra mắt các sách dạy tiếng Việt, tiếng Trung hoặc các khóa học trực tuyến, đồng thời hy vọng sẽ tận dụng tốt kinh nghiệm ở Đài Loan của mình để giúp đỡ người Việt Nam dễ hòa nhập hơn với cuộc sống ở đây.

Hoa Vũ

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/hanh-trinh-tro-thanh-giao-vien-tieng-viet-noi-tieng-dai-loan-cua-co-gai-phu-tho-ar859881.html