Hành trình tình nghĩa của các thương binh

Trở về từ mịt mù lửa đạn, họ canh cánh về những đồng đội đã ngã xuống trước họng súng quân thù. Và người lính năm nào dấn bước vào hành trình đầy tình nghĩa - hành trình hướng về bao đồng đội mãi mãi tuổi đôi mươi.

Bài 1: Những bước chân không mỏi

Một ngày tháng 6, thiếu tá Phạm Trung Mạo - một người lính thuộc Trung đoàn 10 (Ngô Quyền) năm nào trở lại Phú Yên - nơi ông đã cùng đồng đội vào sinh ra tử. Dâng hương tưởng niệm các liệt sĩ, ông Mạo rưng rưng.

Cựu chiến binh Phạm Trung Mạo (bìa trái) trò chuyện với cựu chiến binh Lưu Công Thục (thứ hai, từ trái qua) và các đồng đội: Vũ Ngọc Giang (thứ hai, từ phải qua), Trần Quang Vân (bìa phải). Ảnh: PHƯƠNG TRÀ

Tâm nguyện của người lính trở về từ lửa đạn

Ông Mạo quê ở Đồng Lạc (Nam Sách, Hải Dương), sống tại Nhà Bè (TP Hồ Chí Minh). Nhập ngũ năm 1965, đến đầu năm 1966, ông cùng hàng ngàn người con Hải Dương vào Nam chiến đấu.

Trong 3 năm trên chiến trường Phú Yên, ông Mạo cùng đồng đội trải qua những trận đánh ác liệt. Trong ký ức của người lính sinh năm 1948 này, ác liệt nhất là trận đánh diễn ra vào ngày 5/4/1968 tại Mỹ Thành (Hòa Thắng, Phú Hòa).

Ông Mạo nhớ lại: “Đó là một trận đánh không cân sức. Tiểu đoàn 11 của Trung đoàn 10 có hơn 200 người, còn quân địch đông gấp 20 lần, gồm Lữ đoàn dù 173 của Mỹ, Trung đoàn 28 thuộc Sư đoàn Bạch Mã của Nam Triều Tiên và Trung đoàn 47 của ngụy. Tiểu đoàn 11 đã chiến đấu với tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, đánh đến viên đạn cuối cùng, không ai đầu hàng địch. Quân ta tiêu diệt hàng trăm tên địch, bắn rơi máy bay, bắn cháy xe tăng. Nhưng quân ta cũng tổn thất lớn: hy sinh gần 200 đồng chí. Chỉ huy Tiểu đoàn 11 là bác Trần Minh Hộ hy sinh trong trận đó. Chúng tôi còn sống là nhờ sự mưu trí của Tham mưu trưởng Quách Tá Ngọc và sự giúp đỡ của thầy Thích Chơn Quang ở “chùa Ông Mười”.

Không chỉ tham gia kháng chiến chống Mỹ, ông Mạo cùng một số đồng đội ở Trung đoàn 10 còn tham gia bảo vệ đất nước trong chiến tranh biên giới phía Bắc. Ông bị thương nhiều lần. Vợ chồng ông có bốn người con, trong đó ba người chết vì bị ảnh hưởng bởi chất độc dioxin!

Chịu nhiều mất mát do chiến tranh nhưng người thương binh 2/4 này luôn trăn trở, day dứt nghĩ về bao đồng đội mãi mãi nằm lại nơi chiến trường. Từ năm 1990, ông bắt đầu đi tìm đồng đội. Ông trở lại những nơi Trung đoàn 10 từng chiến đấu. Không chỉ đến Phú Yên, đến các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam Bộ, ông Mạo còn sang tận Campuchia.

Năm 2014, tại buổi họp mặt truyền thống kỷ niệm 50 năm Trung đoàn 10 vào Nam chiến đấu, ông Mạo gặp đại tá - Anh hùng LLVT Đặng Phi Thưởng, đại tá Lưu Công Thục và kết nối được nhiều thông tin. Trên chiến trường xưa, ông run run chạm tay vào hố chôn đồng đội tại Mỹ Thành. (Sau khi bộ đội phá vòng vây thoát về căn cứ, lính Nam Triều Tiên đào hố chôn hàng trăm thi thể cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 11 tại Mỹ Thành, bên trên có tấm bia ghi bằng hai thứ tiếng Việt - Hàn). Hôm đó, nằm dưới gốc cây bên cạnh ngôi mộ tập thể, người lính già không sao cầm được nước mắt. Giọng ông chùng xuống: “Ý định của tôi và con trai là xây nhà bia thờ đồng đội. Biết được ý định này, các cựu chiến binh, nhất là các đồng chí ở Phú Yên như anh Đặng Phi Thưởng, anh Lưu Công Thục; anh Hiền, anh Vinh... rất hoan nghênh. Gia đình tôi ủng hộ; chính quyền địa phương rất quan tâm và tạo điều kiện; cán bộ, người dân ở đây cũng ủng hộ. Biết tôi bị thương tật, cựu chiến binh Nguyễn Châu Thanh ở Cần Thơ đã 5 lần đi cùng tôi đến Phú Yên và tích cực đóng góp xây dựng nhà bia. Cháu Phương - con một gia đình cách mạng ở Bến Tre cũng nhiệt tình đóng góp”.

Xây dựng nhà bia tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh trong trận đánh ở Mỹ Thành là sự chung sức đồng lòng của các cựu chiến binh Trung đoàn Ngô Quyền, trong đó ông Mạo đóng góp một nửa chi phí (đây là tiền con cháu biếu để ông đi du lịch). Lãnh đạo huyện Phú Hòa khi đó đã ủng hộ tiền làm con đường nhựa dẫn vào nhà bia tưởng niệm và mở rộng khoảng sân trước nhà bia.

Ông Mạo thổ lộ: “Sau khi xây xong nhà bia tưởng niệm liệt sĩ ở Mỹ Thành, tôi cảm thấy yên lòng. Bia ghi chính xác tên, cấp bậc, quê quán các liệt sĩ đã hy sinh trong trận đánh này”.

Chạm vào một cái tên trên bia tưởng niệm, ông Mạo rưng rưng: Đây là thủ trưởng Quách Tá Ngọc; ngày trước tôi làm liên lạc cho thủ trưởng. Khi tìm được nơi này, tôi báo về cho người thân thủ trưởng. Hôm khánh thành nhà bia tưởng niệm, người thân thủ trưởng từ nước ngoài bay về, bảo: “Tìm thấy ông rồi! Tìm thấy ông rồi!”.

Đại tá Trần Văn Mười, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh, nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh cảm nhận: “Các cựu chiến binh Trung đoàn 10, trong đó có anh Mạo, đã đóng góp xây dựng nhà bia tưởng niệm liệt sĩ ở Mỹ Thành. Đó là sự cố gắng của các ảnh, hết lòng hết dạ với đồng đội”.

Cựu chiến binh Phạm Trung Mạo (đứng trước) cùng đồng đội: Trần Quang Vân (ngoài cùng bên trái), Vũ Ngọc Giang (thứ hai, bên trái)... dâng hương tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh trong trận Mỹ Thành. Ảnh: PHƯƠNG TRÀ

Kết nối những tấm lòng

Đồng hành với ông Phạm Trung Mạo trên những hành trình tình nghĩa có các cựu chiến binh: Trần Quang Vân ở Ninh Bình, Vũ Ngọc Giang ở Nam Định, Nguyễn Châu Thanh ở Cần Thơ, Nguyễn Duy Hạnh ở Thanh Hóa, Nguyễn Lương, Anh hùng LLVT Lê Văn Kiệm ở Cà Mau, Vũ Tiến Vinh... đều từng là lính thuộc Trung đoàn 10, và cựu chiến binh Lưu Công Thục ở Phú Yên.

Cựu chiến binh Trần Quang Vân thổ lộ: “Mình may mắn còn sống, có gia đình, có vợ con. Các anh ngã xuống, không biết nằm ở đâu. Từ rất lâu, tôi cứ đau đáu về chuyện đó nhưng không có điều kiện. Sau này, khi cuộc sống tạm ổn, tôi mới có cơ hội đi tìm đồng đội. Hồi trước, chúng tôi “đơn thương độc mã” đi tìm, tôi cũng thế, anh Giang cũng thế”.

Khi biết ông Mạo cùng một số đồng đội xây dựng nhà bia tưởng niệm liệt sĩ ở Mỹ Thành, ông Vân liền gọi điện cho ông Giang ở Nam Định, ông Út ở Cần Thơ, ông Hiển ở Hà Nội... “Chúng tôi góp tiền mua lư hương, đưa vào Phú Yên tiến cúng đồng đội. Đồng lòng với chúng tôi còn có chú em bạn tôi - Bùi Nhất Linh, đã ủng hộ tiền vận chuyển lư hương vào Phú Yên. Chúng tôi muốn có một phần gì đó gọi là tưởng niệm các liệt sĩ, dù chúng tôi không chiến đấu ở Phú Yên nhưng các anh vẫn là đồng đội của chúng tôi. Khi biết chúng tôi đưa lư hương vào Phú Yên, anh Nguyễn Văn Bồng, cũng từng là lính của Trung đoàn Ngô Quyền, năm nay 90 tuổi, cầm 200.000 đồng đưa cho tôi, bảo “Vân ơi, vào trong đó mày đưa cho anh em thắp hương cho đồng đội”. Anh Trần Cát gửi tôi 500.000 đồng nhờ thắp hương cho đồng đội. Đó là nghĩa cử của những người còn sống”, ông Vân xúc động kể.

Cựu chiến binh Vũ Ngọc Giang chia sẻ: “Chúng tôi có cùng chí nguyện, kết nối với nhau và đồng hành đi tìm đồng đội. Có các anh hy sinh thì chúng tôi mới được sống... Tôi nghĩ: Còn tí sức khỏe thì mình cùng nhau đi tìm đồng đội - những người đã hy sinh, cũng như những người còn sống ở vùng sâu, vùng xa. Chúng tôi thấy mình có trách nhiệm giúp đỡ những đồng đội khó khăn ở vùng sâu, vùng xa”.

Để có chi phí đi lại, các cựu chiến binh - thương binh dành dụm tiền trợ cấp thương tật. Đi tàu, họ mang theo cơm nắm muối vừng, chi tiêu rất tiết kiệm.

Thầm lặng, miệt mài trên hành trình nghĩa tình, đến nay, những người lính của Trung đoàn 10 năm nào đã lập danh sách gần 5.000 liệt sĩ nhằm kết nối thông tin, tìm kiếm và tham gia cất bốc hơn 200 mộ liệt sĩ, đóng góp xây dựng một ngôi nhà tặng đồng đội ở Long Mỹ (Hậu Giang), đóng góp xây dựng 3 nhà bia tưởng niệm ở Mỹ Thành, ở Hòa Mỹ Đông (Tây Hòa) (các di tích trên đã được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh) và ở Long Mỹ.

Hôm khánh thành nhà bia tưởng niệm ở Mỹ Thành, lãnh đạo tỉnh Phú Yên cảm ơn các cựu chiến binh Trung đoàn 10 anh hùng đã dành những đồng lương ít ỏi của mình xây dựng nhà bia tưởng niệm liệt sĩ trên đất Phú Yên - một công trình có ý nghĩa rất lớn để tri ân những người lính “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Và nhắc nhở thế hệ sau: Để có được hòa bình, độc lập, cha ông phải đánh đổi bằng xương máu.

Bài cuối: Thầm lặng trả ơn đồng đội

PHƯƠNG TRÀ

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/89/301209/hanh-trinh-tinh-nghia-cua-cac-thuong-binh.html