Hành trình thành luật sư của cô gái Mông 3 lần bị 'bắt vợ'

Sùng Thị Sơ (SN 2002) là người dân tộc Mông, lớn lên tại huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái.

Gia đình đông anh em, khó khăn nhưng cô không ngừng phấn đấu, vươn lên và sắp tốt nghiệp Trường Đại học Luật Hà Nội. Sơ tham gia nhiều hoạt động xã hội, đặc biệt là các hoạt động ngăn ngừa tảo hôn, kêu gọi các cô gái trẻ biết bảo vệ mình và chống lại hủ tục lạc hậu.

Sùng Thị Sơ thảo luận nhóm tại Hội thảo về “Phòng chống tảo hôn cấp khu vực châu Á - Thái Bình Dương”.

3 lần phá bỏ hủ tục “kéo vợ”

Sùng Thị Sơ là con thứ hai trong gia đình thuần nông có 5 chị em. Nhà nghèo, cơm không đủ ăn nên từ lúc bé, cô bé đã biết lên nương làm rẫy, tự may vá thêu thùa quần áo.

Mới 6 tuổi, hàng ngày, Sơ vượt gần chục km đường núi lên rừng chăn lợn. Có hôm đi học về muộn, tới nơi đã gần nửa đêm, cô bé đành ngủ lại giữa rừng. Làm lụng vất vả nhưng thu nhập của gia đình chỉ phụ thuộc vào bắp ngô, củ sắn trên nương nên chị cả phải nghỉ học từ sớm.

Nhà nghèo không có tiền đóng học nhưng được sự động viên của cô giáo, Sơ càng cố gắng chăm chỉ học tập. Ngày nào cô bé cũng dậy thật sớm, nhanh chóng làm hết việc nhà rồi đem sách vở ra học.

Sơ cho biết, người Mông có tục "kéo vợ". Theo đúng tập tục, nam và nữ đã thỏa thuận hẹn nhau thời gian địa điểm để kéo về làm vợ và quan trọng là bạn nữ tự nguyện đồng ý việc này. “Một bộ phận giới trẻ đã nhận thức chưa đúng về tập tục dẫn đến có trường hợp bạn nữ bị cưỡng ép kéo về làm vợ. Và em là một trong những nạn nhân của điều này, tới 3 lần”, Sơ chia sẻ.

Năm lớp 8 khi đang du xuân, Sơ bị một người con trai lạ ở bản bên kéo đi, may mắn được sự giúp đỡ của hàng xóm nên thoát được. Lần thứ hai, trước khi nhập học lớp 10, cô bé tiếp tục bị trai làng khác kéo về làm vợ. Lần này, Sơ được thanh niên trong bản kịp thời ứng cứu, sau đó một người bạn bị đâm trọng thương.

Sùng Thị Sơ tại trụ sở Liên hợp quốc.

Đáng sợ nhất là lần thứ ba, trước kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đó là hồi tháng 5/2020 khi bắt đầu có lệnh giãn cách vì Covid-19, cô đang ở nhà ôn thi bỗng có hai người con trai lạ đến rủ đi chơi. Sơ từ chối vì biết tin họ đã dò hỏi về mình. Thấy không ai ở nhà, hai người liền cưỡng chế rồi kéo Sơ lên xe máy.

Cô bị tịch thu điện thoại, kẹp giữa hai người, không thể vùng vẫy, phản kháng. Biết một lần nữa bị bắt làm vợ, trên đường đi nhiều lúc Sơ định nhảy khỏi xe, lao xuống vách núi. Xong nghĩ nếu ngã sẽ bị thương, ảnh hưởng đến kỳ thi tốt nghiệp THPT và đại học cận kề, cô đành ngồi yên chờ tìm cơ hội.

Cơ hội đến vào ngày thứ hai khi mẹ của người "kéo vợ" sai con trai đi phun thuốc cho ruộng lúa. Lúc này, Sơ xin đi cùng vì biết quãng đường đến cánh đồng gần đường quốc lộ, có cơ hội bỏ chạy.

Cô cũng xin lại điện thoại của mình với lý do gọi tới nhà trường kiểm tra lịch học sau đợt giãn cách. Được đáp ứng, chờ lúc ra khỏi nhà, cô gái trốn ra một góc rồi gọi điện cho bố, nói rằng bản thân không đồng ý với cuộc hôn nhân này.

Với người dân tộc Mông, khi con gái bị "kéo vợ", bố mẹ sẽ phải thuận theo nhà trai. Nhưng thấy Sơ tha thiết được đi học, bố cô đã gọi điện cho gia đình kia thuyết phục đưa con gái trở lại nhà vờ là để bàn chuyện cưới xin. Về nhà an toàn, Sơ cương quyết không trở lại nhà kẻ đã bắt mình dù sau đó liên tục bị dọa dẫm.

Bị "kéo vợ" tới ba lần mà vẫn chưa chịu lấy chồng, Sơ bị dân làng dị nghị, thậm chí dè bỉu. Họ cho rằng cô là đứa con gái không ra gì, sau này chẳng ai ngó ngàng tới.

Sùng Thị Sơ nhận được giấy khen của Ủy ban Dân tộc dành cho học sinh, sinh viên dân tộc xuất sắc.

Học luật để bảo vệ mình và phụ nữ đồng cảnh ngộ

Tự vực dậy tinh thần, Sơ lao vào học ôn thi. Trước đây, cô từng mong trở thành giáo viên nhưng giờ lại khát khao trở thành luật sư để giúp đỡ những phụ nữ yếu thế như mình. Vài tháng sau, cô đỗ Trường Đại học Luật Hà Nội với số điểm 28,5.

Sùng Thị Sơ chia sẻ: “Em chọn học luật vì thấy cần biết cách tự bảo vệ. Em từng bị bắt 3 lần và đó không phải ý muốn của mình. Em không muốn có những trường hợp giống như em. Sẽ không lay chuyển được ai nếu chính mình không thay đổi, không học hỏi”.

Vào được đại học, để có tiền học và sinh sống tại Thủ đô, Sơ phải làm thêm 3-4 việc một lúc. Hàng ngày, cô thức dậy từ 5h sáng học bài rồi đến trường, thời gian còn lại làm đủ thứ nghề, từ giúp việc, dọn vệ sinh cho đến công việc văn phòng. Một ngày kết thúc khi trời đã tối muộn.

Với số tiền kiếm được, ngoài tự trang trải học phí, Sơ còn gửi về nhà nuôi hai em trai đang học phổ thông.

Sơ luôn nỗ lực để đạt kết quả học tập tốt. Năm học 2019-2020, Sơ nhận được giấy khen của Ủy ban Dân tộc dành cho học sinh, sinh viên dân tộc xuất sắc. Năm 2022, em được nhận học bổng Hessen của Cộng hòa Liên bang Đức trao cho sinh viên giàu nghị lực.

Ngoài ra, cô gái dân tộc Mông còn đạt giải Nhất Cuộc thi viết về những trải nghiệm của người phụ nữ. Bên cạnh đó, Sùng Thị Sơ trở thành Trưởng Ban Nhân sự, Ban Tham vấn thanh niên khóa 2 từ năm 2022 - mô hình được xây dựng và vận hành bởi Plan International Việt Nam.

Cô là một trong 2 đại diện Việt Nam tại Hội thảo về “Phòng chống tảo hôn cấp khu vực châu Á - Thái Bình Dương”; một trong 15 thành viên Đông Nam Á của Quỹ Spark thuộc Quỹ Trẻ em toàn cầu; đại biểu các hội nghị như: Sáng kiến Thanh niên tiên phong của Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc, Bàn tròn Thanh niên về phát triển số 16 của Liên hợp quốc.

Sùng Thị Sơ bảo vệ luận văn tốt nghiệp.

Hiện, Sùng Thị Sơ là đại sứ truyền thông cho Thử thách “Tuổi trẻ đáng giá” giúp nâng cao nhận thức cộng đồng đẩy lùi nạn tảo hôn/kết hôn sớm. Với câu chuyện của mình, Sơ đã lên tiếng để tiếp thêm động lực cho các em gái vùng sâu vùng xa: "Được đi học, được tôn trọng và tự do lựa chọn trong hôn nhân". Sơ còn hoạt động tích cực trong Câu lạc bộ sinh viên Mông tình nguyện tại Hà Nội và nhiều chương trình khác.

Cuối năm 2023, Sơ đã bảo vệ thành công khóa luận tốt nghiệp, hoàn thành chương trình đại học trong 3 năm rưỡi thay vì 4 năm.

Ở quê, Sơ là cô gái duy nhất đi học đại học. Và có lẽ Sơ là người phản kháng dữ dằn nhất chống lại tập tục “kéo vợ” ràng buộc người phụ nữ. Em thấy mình may mắn vì có bố mẹ luôn yêu thương, ủng hộ.

Bố mẹ tuy không nói, không viết được chữ phổ thông nhưng hiểu rằng việc học là cần thiết. Nhà nghèo, bố mẹ vay tiền cho Sơ đi học. Của cải đắt giá nhất của gia đình là con trâu, bố cũng bán đi để phục vụ việc học của em.

Cô gái người Mông Sùng Thị Sơ tin rằng, “giáo dục là chìa khóa” để mỗi người có thể tiếp cận với tri thức. Chỉ có giáo dục mới thay đổi được tư duy, những quan điểm và chỉ giáo dục mới giúp phụ nữ dân tộc thiểu số thoát khỏi những tập tục lạc hậu.

"Từ nhỏ, em đã chứng kiến quá nhiều gia đình không hạnh phúc vì tảo hôn. Người ta lấy nhau khi còn quá trẻ sẽ dẫn đến rất nhiều hệ lụy không mong muốn. Hay bản thân em đã trải qua cảm giác đau khổ và ám ảnh đến tột cùng khi chống trả việc bị xâm hại.

Và trong những bất hạnh đó, phụ nữ thường chịu rất nhiều thiệt thòi mà không biết tìm ai giúp đỡ. Vì vậy, em muốn trở thành một luật sư, là chỗ dựa về mặt tinh thần và pháp lý cho họ", Sơ nhấn mạnh.

Trong nhiều bài thuyết trình với bạn bè quốc tế, cô rất tự hào về văn hóa lâu đời của người Mông và bản chất tục "kéo vợ" của người Mông không hề xấu. Nhưng theo thời gian, với sự phát triển hai mặt của hiện đại hóa, người ta đã làm biến tướng tục lệ này.

Vì vậy, việc giáo dục cho trẻ em là rất quan trọng. Không chỉ riêng trẻ em gái cần biết bảo vệ mình mà ngay cả trẻ em trai cũng cần được giáo dục nghiêm túc về luật pháp, bình đẳng trong hôn nhân và rộng hơn là giáo dục toàn diện để thay đổi tư duy của những người trẻ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

"Em đã thay đổi được gia đình em, các em của em đều đã quyết tâm đi học. Em sẽ tiếp tục cố gắng để hy vọng, cứ mỗi gia đình có một người thay đổi thì một ngày nào đó, vấn đề này sẽ được thay đổi tích cực", Sơ lạc quan nói.

Vân Khánh

Báo Lao động Xã hội số 48

LĐXH

Nguồn Dân Sinh: https://dansinh.dantri.com.vn/nhan-luc/hanh-trinh-thanh-luat-su-cua-co-gai-mong-3-lan-bi-bat-vo-20240421154800621.htm