Hành trình nhiếp ảnh thiêng liêng của Nguyễn Á

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Á vừa ra mắt hai tác phẩm sách ảnh Tử tù, cựu tù Côn Đảo ngày trở lại và Biệt đội giữ bình yên 'đất lửa'.

Sáng 24-7, nhiếp ảnh gia Nguyễn Á đã có buổi ra mắt báo chí về hai tác phẩm sách ảnh vừa được Nhà xuất bản Thông tấn phát hành: Tử tù, cựu tù Côn Đảo ngày trở lại và Biệt đội giữ bình yên “đất lửa”. Hai quyển sách không chỉ là tập hợp các hình ảnh về chặng đường tái ngộ với cảm xúc và kỷ niệm của cựu tù, mà còn nói lên sự hy sinh và cống hiến thầm lặng của người trẻ đối với đất nước.

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Á trong buổi trao đổi với báo chí về hai quyển sách vừa ra đời. Ảnh: QUỐC HƯƠNG

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Á trong buổi trao đổi với báo chí về hai quyển sách vừa ra đời. Ảnh: QUỐC HƯƠNG

Tôi đã khóc

Trong tác phẩm Tử tù, cựu tù Côn Đảo ngày trở lại, nhiếp ảnh gia Nguyễn Á tuyển chọn những hình ảnh về chuyến đi thăm lại nhà tù Côn Đảo của các cựu tù, tử tù từng bị giam cầm tại đây trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Hoài niệm, hãnh diện, nước mắt, lý tưởng… gói gọn trong hơn 200 trang giấy được thực hiện trong vòng năm ngày với sự hợp tác của 35 cựu tù, tử tù đang sống tại TP.HCM; ba cựu tù đang sống tại Bà Rịa-Vũng Tàu và một người đang sống ở Đồng Nai. Quyển sách không chỉ trình bày những hồi tưởng của những người đã gắn chặt tuổi trẻ tại nơi được mệnh danh là “địa ngục trần gian”, mà còn là một tác phẩm nghệ thuật đầy ý nghĩa.

Điểm nhấn của quyển sách ảnh nằm ngay ở trang bìa cuốn sách. Đó là khung cảnh hai phụ nữ ôm nhau khóc. Nhiếp ảnh gia Nguyễn Á chú thích đây là cảnh một nữ du khách đã không nén được sự xúc động, bật khóc trước lời kể của cựu tù Phan Thị Bé Tư - nhân chứng sống tại Côn Đảo.

"Vào một buổi sáng, có một đoàn khách từ miền Bắc tham quan nhà tù Côn Đảo rất đông. Sau khi tham quan các khu di tích, họ vào trại giam Phú Hải, vừa vào đến trại đã gặp đoàn của cô chú cựu tù. Nghe các nhân chứng sống một thời kể lại đời sống khắc khổ và hào hùng tại trại giam, tự nhiên ai cũng khóc và ngay cả tôi cũng khóc” - nhiếp ảnh gia Nguyễn Á xúc động chia sẻ.

Không để lọt chi tiết đắt giá, anh nhanh chóng chụp lại và quyết định bố trí tại bìa trước quyển sách. Tấm ảnh thể hiện lòng chân thành, biết ơn giữa hai thế hệ và nói lên được ý nghĩa then chốt cho toàn bộ tập sách này.

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Á cho biết động lực để anh viết nên quyển sách này không gì khác ngoài sự kính trọng đối với các bậc chiến sĩ cách mạng, những người miệt mài tranh đấu giành hòa bình cho dân tộc.

“Hơn thế nữa, tôi muốn gửi đến thế hệ trẻ rằng: Hãy biết trân quý giá trị của hòa bình, thấu hiểu những hy sinh cao cả của nhiều cô, chú, bác ngày trước…” - nhiếp ảnh gia Nguyễn Á tâm niệm.

Hai tác phẩm sách ảnh: Tử tù, cựu tù Côn Đảo ngày trở lại và Biệt đội giữ bình yên “đất lửa”. Ảnh: QUỐC HƯƠNG

Hai tác phẩm sách ảnh: Tử tù, cựu tù Côn Đảo ngày trở lại và Biệt đội giữ bình yên “đất lửa”. Ảnh: QUỐC HƯƠNG

Nhân kỷ niệm ngày Thương binh, liệt sĩ Việt Nam (27-7), nhiếp ảnh gia Nguyễn Á sẽ trưng bày hai bộ ảnh tại Nhà văn hóa Thanh niên, số 4 Phạm Ngọc Thạch, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM.

“Họ cười khi thấy bom, mìn”

Nguyễn Á đã có 35 năm kinh nghiệm trong nghề nhiếp ảnh, ở đâu có sự kiện, câu chuyện làm đẹp đời sống là có mặt anh. Nghe nói tại Quảng Trị có đội rà phá bom mìn (các thành viên thuộc dự án NPA/RENEW - chương trình khảo sát bom mìn của Tổ chức Viện trợ nhân dân Na Uy (NPA) hợp tác với dự án RENEW tại tỉnh Quảng Trị), anh liền nhanh chân đến đó ghi lại khoảnh khắc đáng nhớ này.

“Vì muốn khám phá, chinh phục để được hiểu thêm, biết thêm, tường tận về họ - những người đang làm công việc vô cùng khó khăn, nguy hiểm đến tính mạng. Đó là lý do tôi muốn qua quyển sách này tôn vinh họ, những người con quả cảm, thầm lặng trong thời bình” - Nguyễn Á chia sẻ.

Hàng loạt bức ảnh trong tập sách thể hiện tầm quan trọng của công việc rà phá bom mìn tại vùng đất Quảng Trị, người xem sẽ không chỉ cảm nhận được những cố gắng và sự can đảm của thế hệ trẻ, mà còn thấu hiểu được tầm quan trọng của công việc rà phá bom mìn đối với sự phục hồi của đất nước sau chiến tranh.

Biệt đội giữ bình yên “đất lửa” được Nguyễn Á thực hiện ba đợt chụp trong khoảng chín tháng. Trong sách, anh chụp lại công việc tìm - tháo gỡ bom mìn, các nạn nhân bị khuyết tật do không may giẫm phải vật liệu nổ và nhất là những người trẻ xông xáo với công việc rà bom mìn mà Nguyễn Á cho là “những người tiên phong”.

“Bên cạnh đội nam phải nói đến đội nữ, những phụ nữ chân yếu tay mềm đã làm nên những kỳ tích trong việc giữ bình yên cho vùng đất này do bom đạn chiến tranh. Tôi bất ngờ nhất là khi họ rà được một trái bom, một quả mìn thì hạnh phúc lắm. Họ cười khi thấy bom, mìn” - Nguyễn Á xúc động chia sẻ.•

QUỐC HƯƠNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/hanh-trinh-nhiep-anh-thieng-lieng-cua-nguyen-a-post743839.html