Hành trình mới không dễ dàng

Tổng thống Abdel Fattah El-Sisi của Ai Cập mới đây đã giành chiến thắng áp đảo để tiếp tục nhiệm kỳ 3, với mức ủng hộ lên đến 89,6%. Tuy nhiên, hành trình lèo lái quốc gia Bắc Phi này trong nhiệm kỳ 6 năm tiếp theo không hề dễ dàng giữa một loạt thách thức bủa vây.

Con đường tái cử

Cuộc bầu cử, từ ngày 10-12.12, diễn ra khi Ai Cập phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế được đánh giá là tồi tệ nhất từ trước đến nay và cũng đang cố gắng ứng phó rủi ro lan rộng của cuộc chiến ở Gaza - nơi giáp với Bán đảo Sinai của nước này.

Tổng thống đương nhiệm của Ai Cập Abdel-Fattah al-Sisi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2024 với 89,6% số phiếu ủng hộ. Nguồn: Tân Hoa xã

Các thành tựu trong chính trị, an ninh, đối ngoại, và kinh tế-xã hội trong hai nhiệm kỳ từ năm 2014 đã giúp ông El-Sisi giành được lòng tin cao từ người dân Ai Cập. Ông đã đưa đất nước trở lại ổn định sau những biến động chính trị năm 2011 và 2013. Thực tế, ông được bầu làm Tổng thống năm 2014 và tái đắc cử vào năm 2018, cả hai lần với 97% phiếu bầu.

Một số cử tri cho biết, xung đột Gaza đã thúc đẩy họ bỏ phiếu cho ông Sisi, người từ lâu đã thể hiện mình là "trụ cột" cho sự ổn định ở khu Trung Đông- Bắc Phi đầy biến động. Chiến dịch Sinai 2018, tập trung vào loại bỏ các phần tử khủng bố tại Bán đảo Sinai, đặc biệt là từ tổ chức Anh em Hồi giáo, đã bảo đảm an ninh tại khu vực này và toàn quốc.

Trong lĩnh vực đối ngoại, Ai Cập kiên định với chính sách độc lập, tự chủ, linh hoạt, nâng cao vai trò quan trọng tại châu Phi và Trung Đông. Ông Sisi thiết lập các mối quan hệ mới ở châu Phi trong khi tìm kiếm sự chú ý từ Trung Quốc và Nga, cũng như thu hút các quốc gia Ảrập vùng Vịnh đổ hàng tỷ USD vào Ai Cập để giảm bớt những cú sốc kinh tế trước khi áp dụng cách tiếp cận thận trọng hơn. Mối quan hệ với Mỹ, nhà cung cấp viện trợ quân sự lớn, thay đổi theo chính trị ở Washington, dường như ấm hơn dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump.

Nền kinh tế Ai Cập đã có nhiều cải thiện về quy mô và cơ cấu, tập trung vào các lĩnh vực công nghệ cao, dầu khí, hàng hải, năng lượng xanh…, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế. Thực tế, nước này phấn đấu trở thành trung tâm năng lượng xanh và logistics trong khu vực. Đặc biệt, kể từ năm 2019, Ai Cập đã triển khai Sáng kiến "Cuộc sống sung túc" - dự án phát triển lớn nhất trong lịch sử hiện đại của nước này, nhằm cải thiện điều kiện sống cho dân nông thôn, đặc biệt là ở 4.500 ngôi làng trên cả nước, chiếm khoảng 58% dân số Ai Cập.

Thách thức bủa vây

Tuy nhiên, với biến động kinh tế thế giới và tình hình địa chính trị không ổn định ở Trung Đông-Bắc Phi, Ai Cập đang đối mặt với nhiều thách thức lớn, bao gồm thiếu hụt ngoại tệ nghiêm trọng, đồng bảng Ai Cập (EGP) giảm mạnh so với USD, và lạm phát gia tăng. Cụ thể, theo AP, lạm phát hàng tháng của nước này tăng trên 30% , thậm chí lạm phát giá lương thực còn lớn hơn thế, trong khi EGP mất 50% giá trị so với đồng USD trong vòng 22 tháng qua.

Không chỉ phải đối mặt với thách thức thương mại do phụ thuộc vào hàng hóa nhập khẩu, Ai Cập còn phải thực hiện cải cách cơ cấu và tài khóa để đáp ứng điều kiện giải ngân hỗ trợ tín dụng của IMF. Những biện pháp này càng làm gia tăng khó khăn trong đời sống của người dân, đặc biệt là tầng lớp người nghèo. 1/3 trong số 105 triệu dân của Ai Cập đang phải sống trong cảnh nghèo đói.

Ngoài ra, nền kinh tế Ai Cập cũng bị tổn thương do hậu quả rộng lớn hơn của đại dịch Covid-19 và cuộc chiến giữa Nga và Ukraine, khiến thị trường toàn cầu chao đảo. Thực tế, nền kinh tế nước này, phụ thuộc nhiều vào du lịch và nhập khẩu, đang ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ. Theo Washington Post, một số nhà phân tích đánh giá, các vấn đề cơ cấu nghiêm trọng cùng với việc chi tiêu thiếu thận trọng, chẳng hạn như Chính phủ đã vay rất nhiều để tài trợ cho các dự án xây dựng và cơ sở hạ tầng quy mô lớn, bao gồm cả khoản vốn mới trị giá 58 tỷ USD ở sa mạc ngoại ô Cairo, đã khiến nợ nước ngoài của Ai Cập lên tới gần 165 tỷ USD, chiếm 40% GDP. Các khoản thanh toán lãi vay chiếm 60% chi tiêu của Chính phủ trong 3 tháng đầu năm tài chính 2023. Bản thân Ai Cập đang phải đối mặt với thời hạn chót để trả nợ ít nhất 42 tỷ USD cho các nhà cho vay vào năm tới. Theo xếp hạng gần đây của Bloomberg News, đây là quốc gia có nguy cơ vỡ nợ cao thứ hai trên thế giới, sau Ukraine.

Thách thức an ninh cũng gia tăng, đặc biệt là từ những xung đột xảy ra "ngay trước nhà" như ở Libya, Gaza, và Sudan, mà những xung đột này chưa thấy có hồi kết dễ dàng. Mối lo ngại về an ninh đang tạo ra tác động nặng nề đối với du lịch và nguồn cung khí đốt tự nhiên của Ai Cập. Ngoài ra, các tổ chức khủng bố, trong đó có Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và Al-Qaeda, có thể khai thác “những khoảng trống an ninh” do xung đột dai dẳng ở Sudan tạo ra, biến nơi này thành một căn cứ tiềm năng mới, đe dọa trực tiếp an ninh quốc gia của Ai Cập.

Chưa kể, hiện nước này đang phải đối mặt những thách thức an ninh phi truyền thống như tốc độ tăng dân quá nhanh và vấn đề an ninh nguồn nước do chưa thể giải quyết những bất đồng sâu sắc với Ethiopia liên quan đến Đập thủy điện Đại phục hưng được xây dựng trên sông Nile Xanh…

Nói chung, với thắng lợi trong cuộc bầu cử và sẽ bắt đầu nhiệm kỳ mới vào tháng 4 năm sau, ông El-Sisi phải đối mặt với nhiệm vụ quan trọng là đưa ra các chính sách và giải pháp hiệu quả để vượt qua khó khăn kinh tế hiện nay, đặc biệt là thiếu hụt ngoại tệ và lạm phát. Các chính sách này cần tập trung vào sản xuất trong nước, tạo việc làm, khuyến khích xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, và cải thiện chất lượng cuộc sống cho dân nông thôn. Đồng thời, việc duy trì an ninh quốc gia và tham gia tích cực trong giải quyết các xung đột và khủng hoảng quốc tế cũng là những mục tiêu quan trọng cho Ai Cập trong thời gian tới. Điều đó giúp quốc gia Bắc Phi này tiếp tục duy trì vai trò trụ cột an ninh then chốt và là quốc gia có tầm ảnh hưởng lớn trong khu vực.

Linh Anh (Tổng hợp)

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/hanh-trinh-moi-khong-de-dang-i354776/