Hành trình mới cho rác thải nhựa

Theo số liệu thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên cả nước là 60.000 tấn/ngày; trong đó khu vực đô thị chiếm 60%. Chỉ riêng 2 thành phố lớn Hà Nội và TPHCM, mỗi ngày có từ 7.000-9.000 tấn chất thải sinh hoạt. Tuy nhiên, việc xử lý và tái chế rác thải nhựa còn nhiều hạn chế khi có đến 90% rác thải nhựa được xử lý theo cách chôn, lấp hoặc đốt và chỉ có 10% còn lại được tái chế.

Bất chấp thực tế đầy thách thức về nền công nghiệp tái chế, Công ty Nhựa Tái Chế DUYTAN đã có một quyết định táo bạo khi đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất nhựa tái chế rộng 65.000m2 tại tỉnh Long An. Không ngần ngại cử đội ngũ chuyên trách tìm kiếm công nghệ tái chế phù hợp và thiết lập mạng lưới thu mua vỏ chai đã qua sử dụng, công ty đặt ra mục tiêu chính là xây dựng một mô hình sản xuất bền vững, phù hợp với tầm nhìn của nền kinh tế trong tương lai.

Xu hướng bao bì thân thiện môi trường

Bên cạnh các nỗ lực giảm thiểu tác động đến môi trường bằng cách hạn chế rác thải nhựa ra môi trường, các doanh nghiệp đang ngày càng quan tâm nhiều hơn đến sự phát triển bền vững thông qua mô hình kinh tế tuần hoàn. Trong Hội nghị Phát triển bền vững với chủ đề Con đường màu xanh do Forbes Việt Nam tổ chức, ông Lê Anh, Giám đốc Phát triển Bền vững Công ty Nhựa Tái Chế DUYTAN chia sẻ, xu thế bao bì xoay quanh ba cụm từ: “Tiết chế, tái sử dụng và sử dụng được nhiều lần”. Chính vì vậy, giải pháp ưu tiên phát triển bao bì của các nhà sản xuất hiện nay chính là sử dụng chất liệu tái chế với thiết kế thân thiện với môi trường.

Sự ủng hộ từ người tiêu dùng và các công ty bao bì

Ngoài việc đầu tư vào nhà máy tái chế, Công ty Nhựa Tái Chế DUYTAN còn tích cực tham gia các hoạt động, diễn đàn uy tín về chủ đề kinh tế xanh, thông qua đó đóng góp vào các sáng kiến liên quan đến phát triển bền vững. Bên cạnh việc thiết lập quan hệ đối tác với các doanh nghiệp hàng đầu như Coca Cola, Nestle, Lavie, Unilever, Suntory Pepsico để xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn, công ty còn tự hào là thành viên chính thức của Liên minh Tái chế Bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) và Hiệp hội Tái chế Chất thải Việt Nam (VWRA).

Dự kiến trong năm 2024, EPR chính thức được áp dụng cho nhóm sản phẩm có tiềm năng tái chế, đặc biệt với ngành sản xuất bao bì. Chính vì vậy, mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ là động lực chính để các công ty thực hiện mục tiêu phát triển vì môi trường và xã hội.

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/hanh-trinh-moi-cho-rac-thai-nhua/