Hạnh phúc của ngư dân

Vượt lên khó khăn của nghề đi biển, những ngư dân các tỉnh được nhận bộ quà tặng từ chương trình 'Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển' của báo Pháp Luật TP.HCM cảm thấy hạnh phúc bởi họ được động viên, chia sẻ và trân quý.

Năm 2023, chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” đã đến với hàng ngàn bà con ngư dân của chín tỉnh, thành cả nước với biết bao tình cảm đong đầy. Gặp lại họ sau nhiều ngày ra khơi với hành trang là những món quà rất thiết thực của chương trình, được nghe bà con kể về những chuyến cưỡi sóng, đạp gió trên vùng biển quê hương.

Người bạn đặc biệt đồng hành trên tàu

Gặp lại chúng tôi sau hơn bốn tháng khi chương trình đến với tỉnh Quảng Trị, anh Nguyễn Đức Huân (41 tuổi, khu phố 5, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh) mừng rỡ. Cái kiểu “ăn sóng nói gió” của người dân biển miền Trung khiến không khí rôm rả hẳn. Miệng nói, tay anh thoăn thoắt vá lại những tấm lưới bị hư để chuẩn bị cho chuyến đi biển tiếp theo.

Niềm vui đó không chỉ là dư âm khi được Ban tổ chức và lãnh đạo địa phương đến thăm hỏi, động viên mà trên mỗi chuyến ra khơi, anh đã có thêm người bạn đồng hành là bộ quà tặng, trong đó có chiếc bình ắc quy rất hữu ích mà chương trình trao tặng.

Khoảng ba tháng qua, do biển động nên anh chị phải ở nhà nhiều vì nghề câu mực, câu cá của anh không làm được. Mỗi lần biển êm anh lại hăm hở ra khơi và tự tin với chiếc bình ắc quy thắp sáng về đêm. Công việc câu mực cần rất nhiều ánh sáng, có được chiếc bình ắc quy tốt khiến anh rất hài lòng, không lo gặp trục trặc mỗi khi tàu chọn được một vị trí thuận lợi.

Lúc rảnh anh Huân lại mang cuốn cẩm nang “Những điều cần biết khi đánh bắt hải sản” ra đọc và coi nó như vật bất ly thân. Anh còn rủ những người bạn cùng tàu đọc chung, ban đầu coi như giải trí lúc rảnh rỗi nhưng cứ mỗi ngày một thấm và các anh đã có thêm những kiến thức, quy định về việc đánh bắt trên biển. “Đặc biệt là cảm giác mỗi khi sử dụng các món quà tôi lại thấy như có sự hiện diện của chương trình ngay trên con tàu của mình để cùng đồng hành vươn khơi” - anh Huân nói.

Chia tay vợ chồng anh Huân với mong muốn những chuyến biển cuối năm của gia đình anh và nhiều ngư dân khác ở làng chài này sẽ có thêm thu nhập, có thêm sinh khí mới để đón một cái Tết thật ấm áp, vui tươi, đầy sức sống.

Vợ chồng anh Nguyễn Đức Huân. Ảnh: NGUYỄN DO

Túi thuốc nghĩa tình

Một chiều cuối năm, chúng tôi trở lại gia đình ngư dân Huỳnh Tèo Em (phường Nhà Mát, TP Bạc Liêu) - một trong 200 gia đình ngư dân nhận được quà tặng của chương trình tại tỉnh Bạc Liêu.

Xứ biển những ngày cận Tết thiếu vắng đàn ông trai tráng, bởi họ bận đánh bắt ngoài biển, anh Tèo Em cũng đã ra khơi gần một tháng chưa vào bờ. Với những chuyến đi biển cuối năm, họ luôn nỗ lực hết mình để mong vợ con, gia đình có một cái Tết ấm no hơn.

Vợ anh Tèo Em - chị Võ Bích Tuyền đang bận vá lưới thuê, công việc này giúp chị kiếm được 100.000-200.000 đồng/ngày. Chị kể: “Hơn một tuần sau khi được chương trình đến nhà thăm thì chồng tôi mới ra khơi, mang theo món quà tinh thần và vật chất. Ông xã tôi quý nhất là túi thuốc Tây, dù quy ra tiền thì nó thấp hơn giá cái bình ắc quy. Chuyến biển nào tôi cũng mất hơn trăm ngàn để mua thuốc, nay nhờ túi thuốc của chương mà tôi không phải tốn tiền nữa. Đây là món quà rất ý nghĩa với gia đình tôi và có ý nghĩa động viên, cổ vũ, chia sẻ khó khăn với ngư dân”.

Chị Tuyền hào hứng kể hôm bọc theo túi thuốc xuống tàu ra khơi cùng anh em đồng nghiệp, anh nói với chị rằng chuyến biển cuối năm sẽ bội thu. Chị nói tiếp: “Đi biển là một nghề nguy hiểm vì thường xuyên đối mặt với giông gió, vắng bóng người. Tôi cảm ơn những món quà của chương trình, đặc biệt là túi thuốc nghĩa tình giống như đã thay mặt tôi chăm sóc chồng tôi mỗi khi bị bệnh nhưng một mình lênh đênh trên biển”.

(Ảnh: HOÀNG GIANG)

Ông MAI NGỌC PHƯỚC, Tổng Biên tập báo Pháp Luật TP.HCM, Trưởng Ban chỉ đạo chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển”:

Chúng tôi muốn mang những điều tốt đẹp nhất đến với ngư dân và con em họ đang ngày ngày nỗ lực vượt khó vươn lên để có cuộc sống tốt đẹp hơn. Đội ngũ làm chương trình cũng mong muốn góp một phần nhỏ vào kế hoạch, hành động tháo gỡ thẻ vàng IUU mà Chính phủ đã ban hành. Chúng tôi tâm niệm biển là nhà, ngư dân là người thân và hạnh phúc của ngư dân cũng chính là hạnh phúc của chúng tôi.

Những con tàu sáng rực giữa biển đêm

Cảng cá Đông Tác ở phường Phú Đông, TP Tuy Hòa, Phú Yên luôn nhộn nhịp những con tàu ra khơi xa. Hôm ấy các ngư dân còn tất bật hơn vì đang chuẩn bị cho những chuyến biển xuyên Tết Nguyên đán. Năm nay mưa bão ít, cuối năm trời yên biển lặng nên tàu thuyền ra khơi sớm hơn các năm trước.

Tại khu phố 5, phường Phú Đông, TP Tuy Hòa, thuyền trưởng Huỳnh Văn Thiện vừa trở về sau chuyến đánh bắt cá ngừ đại dương kéo dài 50 ngày, đang cùng bạn thuyền chuẩn bị cho chuyến ra khơi vào những ngày cận Tết. Đứng trên cầu cảng, anh Thiện vừa chỉ con tàu số hiệu PY 96419 TS của gia đình đang được kiểm tra, tiếp nhu yếu phẩm chờ ngày xuất bến vừa nói: “Từ ngày được chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” của báo Pháp Luật TP.HCM tặng bình ắc quy, tàu của tôi cũng như nhiều tàu khác luôn sáng rực giữa biển khơi vào ban đêm”.

Ông Huỳnh Rịn: “Từ ngày có bình ắc quy của báo tặng, chúng tôi không còn lo thiếu nguồn điện phát sáng trong đêm nữa”. Ảnh: TẤN LỘC

Vợ chồng anh Tèo Em - chị Bích Tuyền trong ngày được Ban tổ chức đến tận nhà thăm hỏi, tặng quà. Ảnh: HOÀNG GIANG

Theo ông Huỳnh Rịn (76 tuổi, cha anh Thiện), ngư dân thường dùng các bình ắc quy để làm nguồn điện phát ánh sáng vào ban đêm để phục vụ sinh hoạt trên tàu và tránh tàu thuyền va nhau. Tuy nhiên, bà con phải tiết kiệm điện để ưu tiên dùng bình ắc quy cho việc đề máy tàu vì nếu phát sáng nhiều, bình sẽ cạn, khi đề máy sẽ không nổ nên ánh sáng lúc có lúc không. Nhiều khi mưa gió mù mịt giữa biển cũng phải hạn chế dùng bình phát sáng. “Từ ngày có bình ắc quy của báo tặng, chúng tôi không còn lo thiếu nguồn điện phát sáng trong đêm nữa vì đã có bình ắc quy riêng để thắp sáng suốt đêm, tránh được nỗi lo tàu thuyền va nhau” - ông Rịn nói.

Gia đình ông Huỳnh Rịn là một trong ba hộ ngư dân vinh dự được nguyên Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình (Chủ tịch danh dự của chương trình) cùng ông Mai Ngọc Phước, Tổng Biên tập báo Pháp Luật TP.HCM (Trưởng Ban chỉ đạo chương trình) và lãnh đạo tỉnh Phú Yên trực tiếp đến nhà thăm hỏi, động viên, tặng quà.

Ông Rịn xúc động: “Cả đời tôi gắn bó với nghề biển nên khi được các lãnh đạo trực tiếp đến nhà thăm hỏi, động viên ra khơi bám biển làm ăn, gia đình tôi cảm thấy rất vinh dự, tự hào vô cùng và như được tiếp thêm động lực, sức mạnh. Sau hôm đó, tôi nói với các con rằng bất luận khó khăn gì cũng cố gắng vượt qua, bất luận hoàn cảnh nào cũng phải ra khơi bám biển, vừa làm kinh tế vừa tham gia bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc vì biển chính là nhà của ngư dân”.

(Ảnh: HOÀNG GIANG)

Ông NGUYỄN THÁI BÌNH, Phó Tổng Biên tập báo Pháp Luật TP.HCM, Trưởng Ban tổ chức chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển”:

Xin trân trọng cảm ơn các cá nhân và doanh nghiệp đã, đang và sẽ đồng hành cùng chương trình để giúp chúng tôi hoàn thành sứ mệnh là cầu nối với hàng ngàn bà con ngư dân cả nước. Sự nhiệt thành, chân tình và tận tâm của quý vị luôn thôi thúc Ban tổ chức chương trình đổi mới nội dung, đa dạng hình thức thể hiện để truyền lửa tình yêu biển, đảo cho thế hệ trẻ, giúp ngư dân làm kinh tế giỏi và nâng cao ý thức về chủ quyền biển, đảo.

Ông HUỲNH TẤN LỘC, Tổng Giám đốc Công ty TNHH SKYBUS (đơn vị tài trợ kim cương của chương trình):

“Chúng ta là một gia đình”

Chúng tôi tự hào và cảm ơn Ban tổ chức đã tạo điều kiện để trở thành đơn vị tài trợ kim cương trong 1/3 chặng đường đầu của chương trình. Có mặt ở tất cả sự kiện trong năm qua cá nhân tôi cảm nhận rõ nét về ý nghĩa lớn lao mà chương trình mang lại cho các gia đình ngư dân khắp mọi miền đất nước. Báo Pháp Luật TP.HCM không chỉ trao cho họ bộ quà tặng vật chất, mà món quà lớn hơn đó là những lời động viên, chia sẻ khó khăn và những kỹ năng, kiến thức pháp lý bổ ích cho nghề đi biển thông qua hàng loạt sự kiện đã tổ chức.

Ông Huỳnh Tấn Lộc trao bộ quà tặng cho ngư dân tỉnh Bình Thuận. Ảnh: HOÀNG GIANG

Ở phía ngược lại, tôi cũng cảm nhận được đầy đủ tình cảm trân quý, sự mộc mạc, giản dị của bà con ngư dân, của các học sinh và nhiều lãnh đạo địa phương dành cho Ban tổ chức chương trình. Những thành tố ấy làm nên một khối vững chắc, đan xen rất nhiều tình cảm và tôi muốn dùng cụm từ “chúng ta là một gia đình” để được là thành viên thụ hưởng những tình cảm ấm áp. Tôi tin rằng chúng tôi và cộng đồng doanh nghiệp sẽ sẵn sàng chung tay để chương trình ngày càng lớn mạnh và đi xa hơn.

TT ghi

TẤN LỘC – NGUYỄN DO

Nguồn PLO: https://plo.vn/hanh-phuc-cua-ngu-dan-post775479.html