Hàng triệu sinh vật xanh bí ẩn 'giống ngoài hành tinh' dạt vào bờ biển

Hàng loạt sinh vật được gọi là 'thủy thủ theo chiều gió' trôi dạt trong 'thủy triều xanh' ở bờ biển phía tây gia tăng số lượng do mùa đông ấm lên ở các vùng biển.

Những sinh vật biển nhỏ bé được gọi là Velella velella dạt vào bãi biển ở quận Marin, California. Ảnh: Liu Guanguan/China News Service/VCG.

Từ Oregon đến California (Mỹ), những tấm chăn sinh vật màu xanh giống như từ ngoài hành tinh đang trôi dạt vào những bãi biển đầy đá. Chúng là Velella velella, những quần thể sinh vật nhỏ bé có chiếc vây kiểu nón rộng vành nhô ra phía trên và các xúc tu lủng lẳng rủ xuống.

Bí ẩn

Hàng triệu sinh vật này đã được phát hiện dọc theo bờ biển phía tây nước Mỹ vào mùa xuân năm nay, khiến nhiều người hào hứng chụp ảnh, ghi hình và đăng tải lên mạng xã hội. Một số người gọi đó là “thủy triều xanh” và hiện tượng này có thể bắt gặp ở hầu hết bãi biển với mức độ khác nhau.

Mặc dù trông giống như một sinh vật, velella - còn được gọi là “thủy thủ theo chiều gió” - thực ra là quần thể sinh vật thuộc lớp gọi là hydrozoa dùng gió để di chuyển. Chúng dành phần lớn vòng đời của mình ngoài đại dương, tìm kiếm cột nước bên dưới bằng những xúc tu đốt ấu trùng cá hoặc động vật phù du, nhưng vô hại với con người. Một phần của quần thể chịu trách nhiệm ăn uống, phần khác chịu trách nhiệm sinh sản. San hô là một sinh vật quần thể khác - nhưng hiếm khi gặp những quần thể sinh vật như vậy trên đất liền, bà Anya Stajner - nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Viện Hải dương học Scripps - cho biết.

Có một số giả thuyết về màu xanh rực rỡ của sinh vật này. Một số chuyên gia cho rằng đó là cách để chúng trốn tránh những kẻ săn mồi như loài cá thái dương mola mola khổng lồ - được mô tả là “hút velella như kẹo”. Chuyên gia Stajner cho biết màu sắc có thể giúp velella ngụy trang bằng cách hòa vào các làn sóng. Một giả thuyết khác cho rằng màu sắc này bảo vệ chúng khỏi tia UV khắc nghiệt - một loại kem chống nắng tích hợp.

Một bãi biển ở quận Marin, California bị bao phủ bởi hàng loạt sinh vật Velella velella. Ảnh: Liu Guanguan/China News Service/VCG.

Julia Parrish, nhà sinh vật biển tại Đại học Washington, cho biết Velella sống và di chuyển khắp vòng quanh Thái Bình Dương. Thông thường, chúng di chuyển dọc theo bờ biển California đến Trung Mỹ, sau đó băng qua Hawaii đến Nhật Bản và quay trở lại.

Chuyên gia cho biết thêm sinh vật này trải qua các chu kỳ phát triển bùng nổ thoái trào trong cuộc hành trình này, trải qua nhiều giai đoạn sống khác nhau, “tất cả đều khá khác biệt với nhau”. Khi có nhiều thức ăn trong cột nước, quần thể của chúng bùng nổ và chúng cùng nhau dạt vào bờ, hiện tượng này thường xảy ra vào mùa xuân và đôi khi vào mùa thu.

Cần thêm nghiên cứu sâu

Mặc dù từng được bắt bặp nhiều lần, velella chưa thực sự được nghiên cứu rộng rãi trong khoa học - một phần vì cách chúng sống. Các nhà sinh vật biển đã tìm ra cách nuôi sứa trong bể để nghiên cứu khoa học và cho công chúng chiêm ngưỡng cận cảnh. Nhưng Velella sống trên bề mặt đại dương và có nhiều dạng trong suốt vòng đời của chúng, do đó các nhà khoa học vẫn chưa giải quyết được vấn đề làm thế nào để tạo điều kiện nuôi chúng trong điều kiện khoa học. Điều đó có nghĩa là chúng ta biết ít về chúng hơn so với hầu hết các loài sứa sống dưới nước, cách xa tầm mắt con người.

Một sinh vật Velella. Ảnh: Liu Guanguan/China News Service/VCG.

Một lĩnh vực nghiên cứu hiện nay là mối quan hệ giữa velella và nhiệt độ đại dương. Vào năm 2021, chuyên gia Parrish đã sử dụng dữ liệu thu thập được từ 20 năm quan sát của các nhà khoa học để khám phá các mô hình trong các sợi velella và phát hiện sự trôi dạt vào bờ của chúng có nhiều khả năng xảy ra hơn khi mùa đông ấm hơn bình thường.

Nguyên nhân vẫn đang được điều tra, nhưng chuyên gia Parrish cho rằng nó có liên quan đến những vùng biển mùa đông khắc nghiệt. “Trong những mùa đông giông bão với những đợt sóng rất cao kéo dài trong nhiều ngày, những quần thể velella còn nhỏ và mới bắt đầu phát triển sẽ bị xé nát”, nhà khoa học cho hay. “Nhưng vào mùa đông ôn hòa hơn, chúng sẽ có cơ hội sống sót cao hơn”.

“Đó là giả thuyết của chúng tôi”, bà nói thêm, nhưng việc chứng minh sẽ cần nỗ lực lớn hơn để nghiên cứu các sinh vật ở thềm lục địa.

Vì bản chất velella là phù du nên chúng không tuân theo những khuôn mẫu hàng năm. Nhưng khi chúng xuất hiện với số lượng lớn, hiện tượng này thường xảy ra ở nhiều nơi cùng một lúc, bà Parrish nói.

Khi chúng dạt vào bờ, tấm thảm với hàng loạt những sinh vật màu xanh sáng bóng tạo ra một khung cảnh tuyệt đẹp cho các nhiếp ảnh gia và người đi biển - nhưng khi chúng khô đi, màu sắc mất đi và chúng trông "giống như khoai tây chiên giòn hoặc giấy gói kẹo", bà Stajner nói. Chúng cũng đóng vai trò đưa carbon và chất dinh dưỡng có trong đại dương đến bờ biển.

Những người đi biển yêu thích velella vì chúng dễ thương, sáng bóng và tạo nên một khung cảnh choáng ngợp nhưng có thể họ không nhận ra rằng họ thực sự đang nhìn vào những đàn sinh vật đang vật lộn và chết dần, bà Parrish nói.

Khi các đại dương trên thế giới tiếp tục ấm lên, một phần do khủng hoảng khí hậu, có khả năng sẽ có nhiều đàn velella hơn sẽ dạt vào bờ và phát triển. Nó khiến các nhà khoa học như Parrish tự hỏi liệu những sinh vật mũ xanh nhỏ bé đầy lôi cuốn này có thể có tác động phức tạp đến đại dương hơn chúng ta tưởng hay không. Ví dụ, vì velella ăn động vật phù du, ấu trùng cá và đặc biệt là trứng cá nên chúng có thể bắt đầu ảnh hưởng tiêu cực đến các loài cá.

Bà Parrish nói: “Có một số bằng chứng cho thấy ngoài kia có đủ số lượng velella đói đến mức chúng thực sự có thể thay đổi động thái quần thể của một số loài cá làm thức ăn gia súc như cá cơm cũng được tìm thấy trong hải lưu ở California”.

Hạ Cúc

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/hang-trieu-sinh-vat-xanh-bi-an-giong-ngoai-hanh-tinh-dat-vao-bo-bien-post1468711.html