Hàng Tết mậu dịch-Điểm check in thời 'ông bà anh'

Những ngày qua, Lễ hội Tết xưa và phiên chợ quà tặng được tổ chức lần đầu tiên tại Phố cổ Hoa Lư đã thu hút hàng nghìn du khách thập phương và nhân dân đến trải nghiệm mua sắm, chụp ảnh. Ấn tượng để lại trong lòng du khách có lẽ là ký ức về một thời 'tem phiếu' vẫn phảng phất đâu đó qua những vật dụng được sưu tầm như chiếc cặp lồng, đài cát-sét, xe đạp Thống nhất và tiếng loa đài 'đây là tiếng nói Việt Nam...'.

Du khách thích thú trải nghiệm tại gian hàng mang tên "Cửa hàng mậu dịch BAV".

Du khách thích thú trải nghiệm tại gian hàng mang tên "Cửa hàng mậu dịch BAV".

Với hơn 80 gian hàng trưng bày, bán các mặt hàng ẩm thực, đồ uống, cây hoa Tết, đồ thủ công, trang trí, các sản phẩm quà tặng, quà lưu niệm và sản phẩm OCOP của tỉnh Ninh Bình, Lễ hội Tết xưa và phiên chợ quà tặng đã mang lại cho du khách nhiều trải nghiệm ý nghĩa như: gói bánh chưng, chơi các trò chơi dân gian, tham dự talk show chia sẻ của người bán hàng, check-in với không gian rực rỡ sắc màu, mang đậm hương vị Tết.

Những giỏ quà Tết truyền thống được bày bán tại phiên chợ Tết xưa.

Hấp dẫn và ấn tượng nhất trong các gian hàng tại Lễ hội Tết xưa có lẽ phải kể đến "Cửa hàng mậu dịch BAV". Nơi đây, các bạn trẻ thế hệ 9X, 2K của Công ty truyền thông BAV đã dày công sưu tầm, trang trí một không gian bày bán hàng Tết và không gian check in đậm chất thời kỳ bao cấp. Vũ Minh Trang, Trưởng phòng maketing của Công ty truyền thông BAV chia sẻ: Đây là lần đầu tiên chúng em có ý tưởng trưng bày một không gian Tết xưa. Điều mong muốn lớn nhất của chúng em là mang đến cho các bạn trẻ thế hệ 9X, 2K một trải nghiệm về cuộc sống của cha, ông họ ở thời kỳ bao cấp không chỉ thông qua những đồ vật như chiếc tivi đen trắng, bộ tủ trà, tấm chăn con công, chiếc xe đạp khung... mà còn mang đến cho các bạn trẻ trải nghiệm thực tế như mua hàng bằng tem phiếu, những món hàng Tết của những năm 70-80 của thế kỷ trước. Còn đối với các cô, các bác thì có thể chìm đắm lại trong không gian Tết xưa qua những âm thanh, hình ảnh của thời bao cấp...

Các bạn trẻ thế hệ 2K rất thích thú được trải nghiệm sinh hoạt thời "ông bà anh".

Em Nguyễn Hải Nam, học sinh lớp 11 tại thành phố Ninh Bình cho biết, đến với "Cửa hàng mậu dịch", em được mắt thấy tai nghe những hoạt động rất ý nghĩa của ngày Tết cổ truyền thời ông bà em. Ở đây có những vật dụng mà em mới chỉ nghe kể chứ chưa bao giờ nhìn thấy. Ngoài ra, chúng em được xếp hàng, mua hàng bằng tem phiếu, cũng mang đến trải nghiệm rất thú vị.

Những phiên chợ xưa được ví như những thước phim ngược về quá khứ…

…để lưu giữ lại phần kí ức của tuổi thơ.

Những phiên chợ xưa được ví như những thước phim ngược về quá khứ, để lưu giữ lại phần nào hồn quê, kí ức của tuổi thơ và là nơi chứa đựng nhiều tình cảm ẩn sâu trong tâm hồn mỗi người. Đó cũng là không gian sinh động phản ánh đời sống của từng gia đình, của cộng đồng dân cư và của người dân ở một thời đã qua. Chị Hoàng Thị Nhâm, xã Ninh Xuân, Hoa Lư chia sẻ: Đến phố cổ hôm nay, tôi như lạc vào không gian Tết thời những năm 70 của thế kỷ trước. Mặc dù các gian hàng ở đây hầu hết là của các bạn trẻ, nhưng các bạn ấy đã rất dày công tư duy, sắp xếp, tìm tòi những vật dụng, trang trí không gian, để người xem có cơ hội hồi tưởng về quá khứ.

Đặc biệt, khi đang đi dạo trong phiên chợ, tôi bị thu hút bởi tiếng loa đài "Đây là tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội...". Đây là âm thanh quen thuộc với thế hệ 6X của chúng tôi. Ngày xưa không có điện thoại, ti vi màu như bây giờ nên chỉ cần nghe thấy âm thanh "Đây là tiếng nói Việt Nam" là chúng tôi biết giờ, không cần xem đồng hồ . Đến "cửa hàng mậu dịch", hình ảnh tem phiếu, chiếc cặp lồng, bộ bàn ghế, chăn con công... là kí ức một thời nghèo khó trong tôi lại ùa về. Tôi và những người thân trong gia đình đã chụp những bức ảnh ở đây để làm kỷ niệm.

… để nhớ lại một thời "Ông bà anh yêu nhau thời chưa có xe hơi".

Đến với không gian Tết xưa tại Phố cổ Hoa Lư, chị Lê Thị Thanh, thành phố Ninh Bình cũng tâm sự: Ngày còn bé, chắc hẳn ai cũng chỉ mong thật nhanh đến Tết để được đi chợ với mẹ, với bà. Với những đứa trẻ 8x, 9x chúng tôi, những món quà, những vật phẩm chợ Tết ở quê rất đỗi bình thường nhưng không tầm thường. Bởi hương vị của nó là hương vị của tuổi thơ, của ký ức quê nhà. Chợ Tết ở quê xưa trở thành nỗi nhớ da diết khôn nguôi mỗi khi Tết đến, xuân về. Nhất là đối với những đứa trẻ vùng quê, chợ Tết là cả một thế giới sắc màu, một không gian mơ ước với bao điều thú vị tưởng gần mà xa. Hy vọng rằng, những hoạt động như Lễ hội Tết xưa sẽ được tổ chức hàng năm để các thế hệ người Việt luôn nhớ về hương vị của Tết truyền thống. Với thế hệ chúng tôi, ở đó, không chỉ là cơ hội trải nghiệm, hoài niệm về những ngày Tết đậm đà bản sắc dân tộc mà còn có tình thương của mẹ, nỗi khó nhọc của cha khi bán tạ thóc, đôi lợn để sắm cho các con đôi dép, bộ quần áo mới.

Chương trình Lễ hội Tết xưa và phiên chợ quà tặng sẽ diễn ra từ ngày 19/1 đến ngày 14/2/2024 (tức mùng 5 Tết Nguyên đán Giáp Thìn). Đây là sự kiện mở đầu cho chuỗi các sự kiện kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.

Nguyễn Thơm - Anh Tuấn

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/hang-tet-mau-dich-diem-check-in-thoi-ong-ba-anh-/d20240122084422529.htm