Hàng nghìn đứa trẻ bị liệt vì động tác múa tưởng chừng vô hại

Qingqing, cô bé 12 tuổi ở Vũ Hán (Trung Quốc), bị liệt từ khi mới 5 tuổi sau khi tập động tác múa cơ bản. Cô không phải đứa trẻ duy nhất gặp tai nạn này.

Đã 6 năm nay, Li Huan, người mẹ 37 tuổi ở Vũ Hán, phải làm việc ở căn tin của trường để đủ tiền cho cô con gái 12 tuổi đi học. Dù nợ nần chồng chất, Li có một nỗi lo lớn hơn cả tiền bạc: cô con gái Qingqing bị liệt sau một động tác tưởng chừng vô hại trong lớp khiêu vũ, phải hoàn toàn dựa vào mẹ để đi lại.

Li nói với Sixth Tone rằng: "Lương từ công việc này là là 1.000 nhân dân tệ (140 USD), thấp hơn nhiều so với chi phí y tế. Nhưng tôi rất mừng vì trường đã đồng ý tuyển tôi".

Rời khỏi căn tin, Li đẩy chiếc xe lăn của con gái qua những hành lang hẹp, lên cầu thang dốc, đi qua đám đông học sinh này đến lớp học khác. Về nhà, Li tiếp tục vật lộn với tiền chữa trị của con và cuộc chiến pháp lý với học viện khiêu vũ.

Qingqing không phải trường hợp duy nhất bị chấn thương như vậy. Trên khắp Trung Quốc, nghiên cứu trong những năm gần đây từ nhiều bệnh viện cho thấy sự gia tăng đáng lo ngại đối với các trường hợp tương tự, trong đó các bé gái bị chấn thương cột sống nghiêm trọng do các động tác nhảy thông thường, đặc biệt là động tác uốn cong lưng.

Bị liệt bởi động tác múa cơ bản

Cuộc chiến của Li bắt đầu từ năm 2017, khi Qingqing lên 5. Thời điểm đó, giống hàng triệu em gái nhỏ ở Trung Quốc, cô bé được đăng ký tham gia các lớp học múa dân gian để tăng cường thể chất và sự linh hoạt.

Nhưng khi Qingqing thực hiện động tác uốn cong lưng - trong đó vũ công cúi người về phía sau để chạm sàn bằng cả hai tay, thường được coi là an toàn và cơ bản - đã xảy ra sai lầm nghiêm trọng.

Động tác uốn ngửa tưởng chừng vô hại nhưng nếu tập luyện sai cách có thể dẫn đến chấn thương tủy sống nghiêm trọng.

Cô bé bị ngã khi đang tập luyện, khiến tủy sống bị tổn thương nặng và khiến cô bị liệt từ ngực trở xuống. Các bác sĩ nói rằng cô bé có thể không bao giờ đi lại được nữa.

"Lúc đó, tôi chưa bao giờ tưởng tượng một động tác nhảy đơn giản hay uốn người xuống lại có kết quả như thế này. Sự việc xảy ra quá đột ngột", Li nói.

Từ năm 2015 đến 2019, dữ liệu được phân tích bởi Hiệp hội Chỉnh hình Trung Quốc cùng với nhiều bệnh viện, cho thấy chấn thương tủy sống do tư thế uốn ngửa gây ra chiếm 33,9% tổng số chấn thương cột sống ở trẻ em - tăng từ mức 4% từ năm 1992 đến 2002.

Tương tự, Khoa Phục hồi chức năng Chấn thương Tủy sống tại Bệnh viện Boai Bắc Kinh, sau khi phân tích hồi cứu những trẻ em dưới 14 tuổi được điều trị chấn thương tủy sống, đã nhận thấy sự gia tăng đáng kể các chấn thương liên quan đến động tác gập lưng trong khiêu vũ. Báo chí trong nước cho biết kể từ năm 2005, hơn 1.000 trẻ đã bị liệt.

Sự gia tăng này trùng hợp với làn sóng mở rộng nhanh chóng của ngành đào tạo khiêu vũ trước đại dịch, trong bối cảnh các lớp học khiêu vũ không được quản lý, giáo viên không đủ tiêu chuẩn và hướng dẫn không nhất quán.

Nghiên cứu cũng gây ra sự chú ý rộng rãi trên mạng xã hội, khiến một số trường dạy múa phải ngừng dạy động tác này theo yêu cầu của phụ huynh.

Tháng 11 năm ngoái, Bộ Giáo dục Trung Quốc thậm chí còn đưa ra lời nhắc nhở kêu gọi trẻ em không nên tham gia các hoạt động rèn luyện quá mức khi còn quá nhỏ. Bộ đặc biệt cảnh báo rằng trẻ em dưới 10 tuổi nên thận trọng khi thực hành các động tác như uốn ngửa lưng.

Tiến sĩ Guo Xiaodong, giám đốc Khoa Chỉnh hình tại Bệnh viện Liên minh Vũ Hán, cho biết: "Chúng ta cần hợp tác nhiều hơn trong việc điều trị và ngăn ngừa những chấn thương này, nhưng điều quan trọng là phải đảm bảo nhận thức rộng rãi hơn và quy định chặt chẽ hơn về việc đào tạo khiêu vũ".

Mô phỏng tổn thương có thể xảy ra khi thực hiện động tác uốn cong.

Thực tế, nhiều bậc cha mẹ Trung Quốc, như Li, đã chọn lớp học nhảy cho con mình dựa trên sự thuận tiện và khuyến nghị không chính thức.

Theo Li, cô xem đây đơn giản là một hoạt động có lợi sau giờ học mỗi tuần một lần và chọn ngẫu nhiên một cơ sở khiêu vũ trong số hàng chục cơ sở nằm trong một khu phức hợp ở Vũ Hán.

"Giáo viên còn trẻ, có vẻ dễ tính và tập trung nhiều hơn vào việc đào tạo nghiệp dư chứ không hướng đến chuyên nghiệp", Li nói.

Li nhận thức các lớp học khiêu vũ như một hoạt động vô hại, bởi vậy khi nhận được thông báo Qingqing gặp tai nạn trong lúc tập luyện, ban đầu người mẹ không quá lo lắng.

"Họ nói với tôi rằng con bé bị ngã và bắt đầu khóc. Qingqing được phép nghỉ ngơi nhưng sau đó vẫn tiếp tục khiêu vũ. Khi tôi đón con, tôi nghe bé nói rằng cảm thấy không thoải mái, nhưng chúng tôi đều tin rằng không có gì nghiêm trọng cả", Li nhớ lại.

Đến khoảng 23h đêm trước khi đi ngủ, cảm giác khó chịu của Qingqing ngày càng tăng đến mức cô bé không thể ngủ được. Khi đưa cô đến bệnh viện nhi gần nhất, các bác sĩ đã xác nhận điều tồi tệ nhất: Qingqing có nguy cơ bị liệt cao và cần phải phẫu thuật khẩn cấp.

Do ca phẫu thuật phức tạp và thiếu bác sĩ chuyên khoa tại bệnh viện địa phương, họ đã chuyển đến Bệnh viện Liên minh Vũ Hán. Tiên lượng ở đó rất xấu.

"Họ không chắc liệu cuộc phẫu thuật có giúp ích gì không. Nhưng miễn là còn hy vọng, tôi phải nắm lấy cơ hội đó", Li nói. Nhưng tổn thương cột sống của Qingqing là không thể khắc phục được.

Suốt những năm sau đó, bệnh viện trở thành ngôi nhà thứ hai, nơi Qingqing tiếp nhận các phương pháp điều trị phục hồi liên tục bao gồm vật lý trị liệu và tập thể dục. Do bị liệt và dẫn đến tiểu tiện không tự chủ, Qingqing thường xuyên bị nhiễm trùng và sốt.

"Lỗ hổng" chết người

Tình trạng của Qingqing được phân loại là chấn thương tủy sống do giãn quá mức cấp tính ở trẻ em (PAHSCI). Theo bác sĩ Guo tại Bệnh viện Liên minh Vũ Hán, đây là một chấn thương trật khớp cấp tính, không do gãy xương ở ngực và vùng lưng dưới, thường là kết quả của việc cột sống bị duỗi quá mức lặp đi lặp lại hoặc kéo dài.

Khoảng 70% bệnh nhân mắc PAHSCI bị liệt hoàn toàn và hiện tại không có phương pháp điều trị hiệu quả nào. PAHSCI thường liên quan đến động tác uốn ngửa lưng trong khiêu vũ, đến mức ở Trung Quốc nó thường được gọi là "tê liệt gập lưng".

Qingqing phải ngồi xe lăn suốt nhiều năm.

Trẻ em bị thương tích như vậy thường chỉ có khoảng thời gian vàng sau 4 giờ để điều trị hiệu quả. Các triệu chứng ban đầu có thể bao gồm đau nhẹ ở lưng và chân hoặc cảm giác bất thường, kèm theo tình trạng tê liệt thường phát triển khoảng 4 giờ sau khi bị thương.

Tiến sĩ Guo cho biết: "Trong thời gian vàng này, 90,9% bệnh nhân vẫn tham gia hoạt động thể chất, làm tăng nguy cơ chấn thương thứ cấp và bỏ lỡ thời điểm điều trị tối ưu".

Tủy sống, một bó dây thần kinh nối não với cơ thể, được bảo vệ và hỗ trợ bởi các đốt sống hình vòng của cột sống. Trong khi cột sống có thể chịu được sự kéo giãn đáng kể thì tủy sống lại kém linh hoạt hơn và dễ bị chấn thương hơn.

Theo bác sĩ Guo, nguy cơ chấn thương cột sống ở trẻ em cao hơn đáng kể. Ông giải thích: "Ví dụ, cột sống của trẻ sơ sinh có thể được kéo dài và kéo dài tới 2 inch mà không bị gãy. Tuy nhiên, tủy sống chỉ có thể chịu được khoảng 1/4 inch (0,6 cm)".

Các chuyển động uốn cong liên tục hoặc lặp đi lặp lại, cũng như các chuyển động liên tục làm cột sống bị kéo căng quá mức, đặc biệt nguy hiểm và có thể dễ dàng dẫn đến chấn thương tủy sống.

Bất chấp các nghiên cứu và cuộc tranh luận rộng rãi về vấn đề này, những trường hợp tương tự đang xảy ra trên toàn quốc. Tháng 8 năm ngoái, truyền thông trong nước đưa tin chỉ trong vòng 3 tuần, Bệnh viện Tháp Trống Nam Kinh ở miền Đông Trung Quốc đã chẩn đoán 5 trẻ em bị liệt lưng, dẫn đến dị tật cột sống.

Sự gia tăng liên tục các chấn thương tủy sống ở trẻ em bắt nguồn từ sự phổ biến của khiêu vũ ở các bậc cha mẹ nhằm tăng cường thể lực và lợi thế cạnh tranh của con họ trong các kỳ thi tuyển sinh vào trường, bất chấp những rủi ro.

Theo cơ sở dữ liệu kinh doanh Qichacha, hơn 80% doanh nghiệp liên quan đến khiêu vũ được thành lập trước năm 2020. Sự hấp dẫn của nó ngày càng tăng sau khi có chính sách cho phép trẻ em kiếm thêm điểm trong kỳ thi tuyển sinh vào trường bằng cách thể hiện các chuyên môn, đặc biệt là khiêu vũ hoặc âm nhạc.

Nhưng đến năm 2020, Bộ Giáo dục đã loại bỏ chính sách này, thay vào đó lựa chọn thúc đẩy đánh giá rộng hơn về khả năng tổng thể của học sinh. Nhưng đến lúc đó, hàng nghìn cơ sở khiêu vũ đã được thành lập vững chắc trên khắp đất nước.

Bác sĩ Guo nói: "Đó là một vấn đề chỉ có ở Trung Quốc đương đại".

Trở lại Vũ Hán, khi Qingqing chuẩn bị vào cấp hai, gia đình cô phải đối mặt với một tương lai bất định do gánh nặng tài chính ngày càng lớn. Họ đã chi hơn 300.000 nhân dân tệ (hơn 1 tỷ đồng) cho việc chăm sóc y tế cho cô, rơi vào cảnh nợ nần chồng chất.

"Nếu cậu con trai nhỏ bị cảm hay sốt, chúng tôi sẽ không đưa nó tới bệnh viện. Như vậy, chúng tôi mới có thêm tiền điều trị cho Qingqing", Li nói.

Một cuộc phẫu thuật sắp tới sẽ được thực hiện để chèn những chiếc ghim thép vào lưng Qingqing nhằm điều chỉnh cột sống của cô, dự kiến tiêu tốn hơn 100.000 nhân dân tệ - một số tiền vượt xa khả năng của gia đình. Li cho biết: "Khoản trợ cấp sinh hoạt mà chúng tôi mới nộp đơn xin có thể chi trả khoảng 60% chi phí phẫu thuật, nhưng chúng tôi sẽ phải vay phần còn lại".

Năm 2019, gia đình cảm thấy phấn chấn hơn sau khi giành được chiến thắng pháp lý. Một tòa án ở Vũ Hán đã ra lệnh cho phòng tập khiêu vũ nơi Qingqing bị thương phải bồi thường cho gia đình 2 triệu nhân dân tệ.

Nhưng gia đình vẫn chưa thấy số tiền đó. Li nói: "Chúng tôi được thông báo rằng công ty về cơ bản chỉ là một cái vỏ rỗng và không có tiền để trả khoản bồi thường".

Đinh Phạm

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/hang-nghin-dua-tre-bi-liet-vi-dong-tac-mua-tuong-chung-vo-hai-post1472852.html