Hàng ngàn hộ dân chịu ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu nước, hạn hán

Khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ hiện đang trong giai đoạn cao điểm của mùa khô 2023 - 2024. Hàng ngàn hộ dân và nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp đang chịu ảnh hưởng lớn từ tình trạng hạn hán, thiếu nước.

Một hồ chứa thủy lợi tại Ninh Thuận cạn trơ đáy trong mùa khô.

Theo Cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT), từ tháng 2/2024 đến nay, tại khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ đã xuất hiện nhiều đợt nắng nóng. Tình trạng này dẫn đến tổng lượng mưa tại các khu vực phổ biến thiếu hụt so với trung bình nhiều năm.

Lượng mưa thấp khiến dung tích trữ các hồ chứa thủy lợi sụt giảm nghiêm trọng. Cụ thể, tại khu vực Trung Bộ, dung tích trữ hiện tại trong các hồ chứa thủy lợi phổ biến từ 35 - 80% dung tích thiết kế, thấp hơn các năm 2022, 2023 từ 3 - 10%. Hiện trong khu vực có 82 hồ dưới mực nước chết.

Tại khu vực Tây Nguyên, dung tích trữ hiện tại trong các hồ chứa thủy lợi phổ biến từ 33 - 51% so với thiết kế, thấp hơn so với các năm 2022, 2023 từ 9 - 20%. Hiện trong vùng có 110 hồ nhỏ dưới mực nước chết.

Trong khi đó tại khu vực Đông Nam Bộ, dung tích trữ hiện tại trong các hồ chứa thủy lợi phổ biến cũng chỉ đạt từ 45 - 80% dung tích thiết kế, thấp hơn các năm 2023, 2022, 2015 từ 8 - 13%. Hiện, 8 hồ nhỏ trong khu vực đang ở dưới mực nước chết.

Thống kê cho thấy, tại khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, hiện đang có khoảng 20.090ha bị ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước. Nghiêm trọng nhất là tại Đắk Lắk 2.056ha và Bình Phước 9.115ha.

Về nguồn nước sinh hoạt, hiện có hơn 2.600 hộ dân bị ảnh hưởng thiếu nước do thiếu hụt nguồn nước cấp tập trung. Trong đó, tỉnh Bình Phước có đến 1.900 hộ đang bị thiếu nước, tiếp đến là Gia Lai 100 hộ, Kon Tum 100 hộ, Đắk Nông 500 hộ.

Người dân tại Đắk Nông kéo ống dẫn nước tưới cho cây trồng.

Theo dự báo, đỉnh điểm của hạn hán, thiếu nước sẽ xảy ra vào cuối tháng 4/2024 đối với khu vực Tây Nguyên; giữa tháng 5/2024 đối với vùng Đông Nam Bộ. Mùa khô ở Trung Bộ kéo dài đến hết tháng 8/2024.

Tại khu vực Tây Nguyên, dự kiến tổng diện tích bị ảnh hưởng bởi hạn hán, thiếu nước có thể lên tới 16.000 - 27.000ha. Hạn hán, thiếu nước dự kiến sẽ kết thúc từ khoảng giữa tháng 5/2024.

Trong khi đó tại khu vực Đông Nam Bộ, nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước ở thời gian cuối mùa khô, với tổng diện tích cây trồng bị ảnh hưởng khoảng 8.000 - 12.000ha, chủ yếu là cây trồng lâu năm nằm ngoài vùng công trình thủy lợi phụ trách tưới. Hạn hán, thiếu nước dự kiến sẽ kết thúc từ khoảng giữa tháng 5/2024.

Để chủ động phòng chống hạn hán, thiếu nước, Phó Cục trưởng Cục Thủy lợi Nguyễn Hồng Khanh cho biết trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục duy trì theo dõi thường xuyên tình hình khí tượng, thủy văn; tổ chức dự báo nguồn nước, nhận định tác động của hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn đến sản xuất nông nghiệp, dân sinh để làm cơ sở tổ chức vận hành công trình thủy lợi hiệu quả.

Đại diện Cục Thủy lợi cũng đề nghị các địa phương tiếp tục triển khai những giải pháp ứng phó hạn hán, thiếu nước theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ NN&PTNT; chủ động xây dựng các kịch bản nguồn nước, phương án ứng phó, cấp nước cho người dân và sản xuất.

Bên cạnh khuyến nghị chỉ tổ chức sản xuất ở các diện tích có thể bảo đảm nguồn nước, Cục Thủy lợi đề nghị các địa phương ưu tiên nguồn nước cho sinh hoạt; chuẩn bị kỹ phương án, kế hoạch cung cấp nước sinh hoạt tối thiểu cho người dân có nguy cơ thiếu nước do ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước.

Trọng Tùng

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/hang-ngan-ho-dan-chiu-anh-huong-boi-tinh-trang-thieu-nuoc-han-han.html