Hàng loạt trẻ em tử vong do đuối nước trong dịp nghỉ lễ, nhiều người vẫn mơ hồ về cách phòng tránh

Theo Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 vừa qua, ít nhất 14 trẻ em tử vong thương tâm do đuối nước.

Theo đó, trưa 1/5, một nhóm học sinh lớp 11 của trường THPT Bù Đăng rủ nhau đi tắm tại nhánh sông Đồng Nai (xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng, Bình Phước).

Đến nơi, 6 em rủ nhau xuống tắm và sau đó, cả nhóm bị nước cuốn trôi, chỉ có một người bơi được vào bờ. Nhóm thanh niên đang chơi gần đó nghe tiếng tri hô vội chạy đến trợ giúp, nhưng chỉ một em may mắn được cứu sống, 4 học sinh còn lại bị nước cuốn và tử vong.

Đây là vụ đuối nước nghiêm trọng nhất nhưng không phải duy nhất xảy ra trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5.

Cũng tại Bình Phước, tối 2/5, lực lượng cứu nạn Công an tỉnh tìm thấy thi thể một học sinh lớp 3 bị đuối nước tại lòng hồ thủy điện Thác Mơ. Chiều cùng ngày, nạn nhân và 2 bạn cùng xóm rủ nhau ra đây tắm.

Lực lượng cứu nạn cứu hộ đã phải điều động xe chuyên dụng cùng 15 cán bộ, chiến sĩ phối hợp với chính quyền huyện Bù Đăng và người dân địa phương triển khai tìm kiếm, trục vớt nạn nhân trong nhiều giờ.

Lực lượng chức năng tìm kiếm nạn nhân trong vụ đuối nước ở hồ thủy điện Thác Mơ vào chiều 2/5.

Một địa phương khác cũng liên tiếp xảy ra đuối nước ở trẻ em trong dịp nghỉ lễ là Bình Thuận. Hôm 1/5, em N.T.T.V. (6 tuổi) và N.G.H. (5 tuổi) rủ nhau ra ao nước tưới thanh long ở gần nhà (xã Tân Thuận, huyện Hàm Thuận Nam) chơi và bị rơi xuống ao nhưng không ai biết. Đến khi gia đình đi tìm và phát hiện, cả 2 em chết đuối dưới ao nước.

Chiều cùng ngày tại kênh thoát lũ Bắc Phan Thiết, thuộc phường Xuân An, thành phố Phan Thiết, một nhóm học sinh lớp 7 rủ nhau ra bờ kênh chơi. Sau đó 3 em bị rơi xuống dòng nước đang chảy xiết. Trong đó, 2 em được cứu lên bờ an toàn, học sinh còn lại mất tích.

Tại Nghệ An, trưa 30/4, em T.T.V. (15 tuổi, trú xã Cẩm Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An) cùng bố và em trai đi mò bắt hến trên sông Lam. Không may em V. bị rơi vào vùng nước xoáy, bị đuối nước cuốn mất tích.

Cũng tại địa phương này, 5 học sinh THCS trên địa bàn trong chiều 29/4 đã rủ nhau đến khu vực suối Khe Xanh, giáp ranh xã Nghĩa Phúc và Tân An tắm mát. Đ.T.P. (14 tuổi, trú xã Tân An) không may sẩy chân xuống khu vực nước sâu rồi chìm dần. Lúc này, H.S.T. (15 tuổi, trú xã Kỳ Sơn) lao xuống cứu cũng bị dòng nước cuốn trôi.

Vụ đuối nước cướp đi sinh mạng của 4 học sinh ở huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An.

Tại Đồng Nai, ở hồ đá ở xã Giang Điền, huyện Trảng Bom hôm 29/4, một nhóm nữ học sinh cấp 2 đến đây chơi. 2 nữ sinh sau đó không may bị trượt chân ngã xuống hồ đá và tử vong.

Ngay ở Hà Nội, ngày 30/4 vừa qua, tại hồ Đồng Đò (huyện Sóc Sơn) xảy ra vụ đuối nước khiến 2 học sinh tử vong. Nhân chứng cho hay 2 nạn nhân đi cắm trại dịp nghỉ lễ thì xảy ra sự việc.

Như vậy, chỉ trong dịp nghỉ lễ vừa qua, ít nhất 14 trẻ em tử vong và một người mất tích do đuối nước. Đây là con số đáng báo động, bởi theo Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, tính từ đầu năm đến giữa tháng 4/2022, cả nước xảy ra 19 vụ đuối nước, làm chết 20 người, mất tích 3 người.

Theo đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, đuối nước là "dịch" thầm lặng cướp hơn 2.000 trẻ em Việt Nam mỗi năm, song "dịch" này có thể phòng ngừa. Điều cốt lõi vẫn là cần trang bị cho trẻ ở độ tuổi tiểu học trở lên biết bơi và kỹ năng giữ an toàn trong môi trường nước chứ không chỉ dừng lại ở việc hô hào, phát động phong trào rầm rộ rồi sau đó bỏ ngỏ từ năm này qua tháng nọ...

Thực tế cho thấy, các bậc phụ huynh đã quan tâm hơn tới việc cho con học bơi nhưng vẫn còn mơ hồ về khái niệm phòng tránh đuối nước. Trong khi không phải biết bơi là trẻ sẽ tuyệt đối an toàn, bởi điều kiện thời tiết, độ sâu, độ xoáy... của dòng nước thực tế khác rất nhiều với điều kiện trong bể bơi. Mặt khác, nhiều em biết bơi nhưng vẫn đuối nước bởi không được trang bị kỹ năng phòng chống đuối nước. Một số trường hợp đuối nước có nguyên nhân bị chuột rút, bị say nắng, say nóng hoặc bị cảm khi xuống nước hoặc không kiểm soát được cự ly, tốc độ và độ sâu cũng dẫn đến bị sặc nước, bị ngạt nước.

Lực lượng chức năng cùng người dân tìm kiếm 2 học sinh đuối nước ở hồ Đồng Đò, Sóc Sơn, Hà Nội hôm 30/4.

Trong khi đó, qua khảo sát của Dự án Phòng chống đuối nước cho trẻ em Việt Nam, 90% cha mẹ được hỏi nhận thức vấn đề phòng chống đuối nước là quan trọng vì ảnh hưởng đến sinh mạng con em mình. Nhưng khi được hỏi cách thức để phòng chống thì đa số lại không biết. Từ việc không biết hoặc nhận biết chưa đầy đủ về nguy cơ gây đuối nước ở trẻ sẽ dẫn tới sự chủ quan, lơ là khi giám sát, trông nom của gia đình và người chăm sóc trẻ.

Cùng với việc dạy kỹ năng bơi, vấn đề cốt lõi là trẻ cần biết kỹ năng xử lý tình huống. Chưa có cơ quan chức năng nào đứng ra thống kê trong số những trẻ đuối nước có bao nhiêu trẻ biết bơi nhưng qua ghi nhận trực quan các vụ việc thì tỉ lệ này là không nhỏ. Trong khi đó, vấn đề phổ cập bơi cho học sinh các cấp đã được đưa vào nội dung chính khóa của các trường từ nhiều năm nay nhưng hiệu quả chưa như mong đợi. Khó khăn lớn nhất vẫn là cơ sở vật chất chưa thể đáp ứng hết cho toàn bộ học sinh trong độ tuổi cần phổ cập, đặc biệt là các vùng nông thôn. Không ít học sinh dù đã học xong, được xem là đã hoàn thành khóa phổ cập nhưng vẫn không biết bơi.

Trước tình trạng hàng loạt vụ đuối nước khiến trẻ em tử vong, Thủ tướng Phạm Minh Chính mới đây đã yêu cầu các bộ ngành và địa phương tăng cường giải pháp bảo vệ trẻ em, đặc biệt chú trọng công tác phòng, chống đuối nước cho trẻ.

Theo Thủ tướng, các cơ quan chức năng cần phối hợp với nhà trường và gia đình để quản lý, giám sát học sinh trong thời gian nghỉ hè; hướng dẫn địa phương tổ chức học bơi, rèn luyện kỹ năng bơi và hỗ trợ, giảm giá vé, chi phí học bơi, cho học sinh, trẻ em.

Trong khi đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước đến từng trường, lớp học, từng học sinh, đặc biệt trước mỗi kỳ nghỉ hè. Nhiệm vụ đẩy mạnh phong trào dạy bơi an toàn cho học sinh trong trường học cũng được người đứng đầu Chính phủ quán triệt. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội được giao rà soát sửa đổi cơ chế, chính sách để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống đuối nước trẻ em.

Thành Long

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn//hang-loat-tre-em-tu-vong-do-duoi-nuoc-trong-dip-nghi-le-nhieu-nguoi-van-mo-ho-ve-cach-phong-tranh-16922050414231356.htm